Cập nhật: 01/05/2016 08:54:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong thai gian mang thai, phụ nữ thường gặp vấn đề về huyết áp, nhất là huyết áp cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người mẹ lẫn thai nhi. Việc đến bác sĩ đê được khám và tư vấn là cần thiết cho trường hợp này.

Khi huyết áp cao

Nhận biết: huyết áp của những người bình thường dao động từ khoảng 120/80mmHg đến 140/90mmHg. Nếu trên 140/90mmHg được gọi là huyết áp cao. Huyết áp cao chỉ được phát hiện chính xác nhất qua đo huyết áp. Phần lớn thai phụ mắc chứng huyết áp cao không có biểu hiện gì rõ ràng; một số thai phụ thấy xuất hiện dấu hiệu nhìn mờ, đau đầu…

 

Nên đi kiểm tra huyết áp đầy đủ

Cách phòng tránh: nên nghỉ ngơi nhiều, nằm nghiêng về bên trái là tư thế ngủ có lợi nhất.

- Tuân thủ một chế độ vận động, luyện tập đều đặn hàng ngày.

- Hạn chế dùng muối và các món ăn mặn.

- Nên đi kiểm tra huyết áp đầy đủ.

- Tuyệt đối không sử dụng rượu hay các chất kích thích.

- Nếu bạn đã mắc chứng cao huyết áp trước khi mang thai, nên thông báo cho bác sĩ biết tiền sử bệnh, các loại thuốc đã dùng để bác sĩ điều chỉnh liều lượng và kê đơn phù hợp cho bạn mà không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Càng gần đến cuối thai kỳ, bạn càng nên đi khám và đo huyết áp nhiều hơn.

- Nên kiểm tra cả sức khỏe tim mạch của bạn đều đặn.

- Nếu cao huyết áp chuyển thành tiền sản giật, tùy vào tình trạng sức khỏe của bạn, bác sĩ sẽ tìm ra phương pháp điều trị thích hợp nhất. Thông tin về tiền sản giật: tiền sản giật có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào, bắt đầu sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Nếu bị ảnh hưởng bởi tiền sản giật, người mẹ cần kiểm tra huyết áp và nước tiểu thường xuyên. Ngoài ra, thai phụ cũng cần đi khám ngay nếu có triệu chứng đau đầu liên tục, đau phía dưới sườn, bên phải, thị giác kém, đột ngột phù ở chân - tay và bị nôn. Đây là những triệu chứng nặng của tiền sản giật.

 

Nên nghỉ ngơi nhiều, nằm nghiêng về bên trái là tư thế ngủ có lợi nhất

Nếu huyết áp tiếp tục tăng, thai phụ cần nhập viện và truyền thuốc (không gây hại cho con) để kiểm soát tình hình. Thai nhi cũng được kiểm tra cẩn thận để xem có dấu hiệu nào không tốt, người mẹ sẽ có thể sẽ được chỉ định mổ đẻ. Sau khi sinh, huyết áp sẽ trở về mức ban đầu nhưng triệu chứng phù phải mất nhiều thời gian hơn để khắc phục.

Những gợi ý giữ sức khỏe dành cho thai phụ:

- Không bao giờ được bỏ khám thai định kỳ ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe mạnh.

- Đảm bảo kiểm tra huyết áp và cả nước tiểu.

- Nên đi khám ngay nếu bạn không được khỏe.

- Lắng nghe lời khuyên của bác sĩ thật cẩn thận.

- Nếu huyết áp tăng cao và bạn được đề nghị làm thêm xét nghiệm hoặc nghỉ ngơi tại bệnh viện trong ít phút thì đó là vì lợi ích của cả bạn và con.

Những thức uống có lợi cho bà bầu cao huyết áp:

- Sinh tố táo: chứa nhiều chất xơ, phốtpho, sắt, kali và nhiều loại vitamin tốt cho sức khỏe khác. Nó cũng rất hữu ích với những bà bầu mắc bệnh bàng quang, sỏi thận. Có thể dùng từ 1 - 2 cốc nước táo một ngày.

- Sinh tố dưa chuột: giàu canxi, sắt, photpho và các loại vitamin khác. Ngoài ra, dưa chuột cũng có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giảm sưng viêm.

- Các loại nước hoa quả, sinh tố chứa nhiều vitamin C như: cam, chanh… cũng rất tốt cho thai phụ cao huyết áp. Vitamin C có tác dụng kìm hãm sự căng thẳng của hệ thần kinh trung ương và làm dịu huyết áp. Nó cũng giúp tăng cường sinh lực, hỗ trợ lưu thông máu. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng những loại hoa quả thuộc họ cam quýt có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Vì vậy, bạn không nên sử dụng nhiều loại hoa quả này trong quá trình điều trị bằng thuốc, nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ.

- Nước ép củ cải: chứa nhiều vitamin B1, B2, C, phốtpho, sắt, mangan… Hàm lượng magiê lớn trong củ cải đường có tác dụng loại bỏ stress, củng cố và làm ổn định hệ thần kinh. Tuy nhiên, nước ép củ cải đường dễ kết hợp với các vi khuẩn trong không khí và gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, bạn nên uống ngay sau khi chế biến hoặc chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh tối đa 3 tiếng trước khi dùng. Loại nước ép này có mùi vị hơi khó chịu, cho nên lúc mới đầu bạn nên uống từng chút một, sau quen rồi, có thể tăng thêm liều lượng. Bạn cũng có thể pha loãng thêm nước ép này với nước đun sôi để nguội cho dễ uống.

Khi huyết áp thấp

So với huyết áp cao, huyết áp thấp không nguy hiểm và cũng không phổ biến bằng. Tuy nhiên, huyết áp thấp thường dẫn tới hiện tượng hoa mắt - chóng mặt, ở mức độ nặng, nó sẽ khiến thai phụ bị ngã, gây nên chấn thương cho bản thân và em bé trong bụng.

Nguy cơ tiếp theo khi huyết áp thấp là bị mất nước. Nếu lượng nước trong cơ thể mẹ không được bổ sung kịp thời, nó sẽ làm nghẽn sự vận chuyển máu vào bào thai.

Nguyên nhân: thời tiết nóng bức sẽ làm tăng nguy cơ hạ huyết áp và bị mất nước cho thai phụ. Ngoài ra, nếu phải đứng lâu, thai phụ cũng dễ bị chóng mặt do tụt huyết áp. Trong thời gian mang thai, máu có xu hướng dồn xuống phía chân, ít lưu thông lên não. Nếu đột ngột nằm xuống hay đứng dậy, thai phụ sẽ cảm thấy hoa mắt, chóng mặt.

Điều trị: huyết áp thấp trong thai kỳ có thể (hoặc không cần) điều trị bằng thuốc. Biện pháp khắc phục huyết áp thấp còn tùy thuộc vào nguy cơ sức khỏe của nó với thai phụ; chẳng hạn, nếu thai phụ bị mất nước thì sẽ được chỉ định truyền nước.

 

Các nghiên cứu chứng minh, luyện tập thường

 xuyên có tác dụng duy trì huyết áp ổn định

 Ngăn ngừa:

Những gợi ý sau sẽ giúp bạn phòng tránh được mối nguy với huyết áp thấp.

- Với tư thế nằm, nên nằm nghiêng về một bên thay vì nằm ngửa. Nằm nghiêng sẽ khiến dây thần kinh hông và vùng lưng dưới không bị đau.

- Nếu bị chóng mặt, nên nhanh chóng ngồi xuống cho đến khi ngừng cảm giác hoa mắt. Nên dứng dậy một cách từ từ.

- Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày, đặc biệt là nước lọc.

- Duy trì chế độ luyện tập hàng ngày. Các nghiên cứu chứng minh, luyện tập thường xuyên có tác dụng duy trì huyết áp ổn định.

- Nên dự trữ đồ ăn vặt bên mình để tránh bị đói đến mức hạ đường huyết.

Lời khuyên của thầy thuốc

Thai phụ cần:

1. Hợp tác cùng bác sĩ lên kế hoạch kiểm soát huyết áp.

2. Trước khi mang thai, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, vận động nhẹ nhàng và giảm cân ở mức hợp lý.

3. Dùng thuốc liên quan tới huyết áp trước khi mang thai.

4. Nên hỏi ý kiến bác sĩ liệu những loại thuốc bạn đang dùng có an toàn hay không.

5. Đi khám sức khỏe định kỳ trong suốt thời gian mang thai để kiểm tra huyết áp.

6. Thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất cứ vấn đề gì về bệnh thận.

7. Hãy báo bác sĩ biết ngay nếu bạn nhận thấy có dấu hiệu của tiền sản giật, huyết áp tăng cao trong thời gian mang thai..

BS. QUAN MẪN

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm