Lũng Hoà xưa thuộc đất Phong Châu và thuộc văn hoá Phùng Nguyên thời đại Hùng Vương dựng nước. Cách đây trên 300 năm theo văn bia tại đình, Hoà Loan thuộc xã Hoà Lạc, tổng Đồng Phú, huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây. Tại trung tâm làng Lũng Hoà một công trình kiến trúc được xây dựng - Đó là đình Hoà Loan. Đình thờ thần hoàng làng Lê Thị Ngọc Chinh. Bà sinh ra và lớn lên tại đây.
Tương truyền bà là chị em sinh đôi - con gái ông bà: Lê Hoàn và Nguyễn Thị Tần. Chị gái bà chuyên nghề canh cửi còn Ngọc Chinh say mê rèn luyện võ nghệ, tìm hiểu binh pháp, khí phách khác người.
Bấy giờ giặc Đông Hán sang xâm lược nước ta, nhân dân ta vô cùng lầm than cực khổ. Ngọc Thanh 19 tuổi bị viên quan nhà Hán bắt làm tiểu thiếp, nàng sinh đau buồn bỏ ăn mà chết. Ông bà Lê Hoàn vì căm phẫn, vì xót thương con sinh ốm đau lần lượt qua đời. Trong lúc lực kiệt, Lê Hoàn cầm tay Ngọc Chinh và nói: “Con có khí phách của người anh hùng , vì nước mất nên nhà tan , thân ta mang nhục con hãy nhớ lấy”. Nghe lời cha, Ngọc Chinh quyết nuôi chí trả thù nhà, đền nợ nước. Bà bàn định với trai gái trong làng lập đội dân binh rèn luyện võ nghệ và đi khắp vùng xung quanh tìm người cùng chí hướng. Mọi người suy tôn bà làm chủ soái, làm lễ tế cờ, lập căn cứ, chống lại sưu dịch thuế má của quân đô hộ nhà Hán. Năm 20 tuổi bà dựng cờ khởi nghĩa làm chủ một phương, tiếng tăm vang khắp vùng.
Năm 40 - Năm Canh Tý, được tin Trưng Trắc khởi nghĩa ở vùng Mê Linh, Ngọc Chinh đã dẫn quân về tụ hội dưới cờ của hai bà Trưng và được Trưng Trắc hết lời khen ngợi trao cho ấn tả tướng quân. Ngọc Chinh trở thành vị tướng hùng cứ một vùng bắc Mê Linh. Vó ngựa của bà tới đâu, quân giặc tan vỡ tới đó. Một vùng đất rộng lớn từ sông Chảy, sông Lô, tới sông Thao được giải phóng. Bà được Trưng Trắc phong cho chức đại tướng quân và dựng dinh ở Đàm Luân (Hoà Loan) và ban cho 8 chữ “Quần hoa hào kiệt, Dũng lược tuyệt trần”.
Dẹp xong giặc Đông Hán, Trưng Trắc lên ngôi vua phong cho Ngọc Chinh là Ngọc Phượng công chúa và dựng dinh ở Đàm Luân.
Năm 43, tướng Mã Viện của nhà Hán cử phó tướng Lưu Long đem hai cánh quân thuỷ bộ tiến đánh Đàm Luân. Ngọc Chinh tả xung hữu đột, chống lại quân giặc. Trong trận đánh lớn ở Gò May, gươm bị gãy bà đã bỏ đá cuội vào thắt lưng bao làm vũ khí, ngồi trên lưng ngựa xông thẳng vào đội quân của giặc. Trong giờ phút gay cấn, hai bên giằng co quyết liệt, dải thắt lưng văng ra xa bay về phía làng Hoà Loan còn hòn đá rơi về phía làng Lũng Ngoại. Sau 3 tháng chiến đấu ác liệt giặc lúng thế phải lui quân.
Ít lâu sau, bà được tin giặc tiến đánh bất ngờ vội dẫn quân tuỳ tùng ra nghênh chiến chờ quân tiếp viện. Nhưng thế giặc mạnh, lực lượng của ta lại nhỏ lẻ, quân tiếp viện chưa đến kịp. Bọn giặc hò nhau bắt sống bà Ngọc Chinh. Biết cơ sự không thể cứu vãn, không để giặc bắt và làm nhục bà từ lưng ngựa gieo mình xuống đầm sen tuẫn tiết. Năm đó bà vừa tròn 22 tuổi.
Để tri ân công đức của người nữ tướng, nhân dân các thôn Hoà Loan, Lũng Ngoại lần lượt xây dựng các đình thờ Đức Thánh Lê Thị Ngọc Chinh. Dân làng Lũng Hoà có tiệc Thánh sinh vào ngày 10/9 âm lịch và có tiệc Thánh hoá vào ngày 4/1 âm lịch. Trong tiệc Thánh hoá có tục hú đáo ở làng Lũng Ngoai và tục kéo co ở làng Hoà Loan để diễn lại sự tích dùng thắt lưng bao bọc đá đánh giặc của bà đại tướng .
ST