Một tuần sau các cuộc bầu cử nghị viện, tại Anh tiếp tục nóng trở lại chiến dịch vận động ở lại hay rời khỏi EU trong bối cảnh trưng cầu dân ý.
Thủ tướng Anh David Cameron. (ảnh: AP).
Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định, vận mệnh của nước Anh là gắn bó chặt chẽ với châu Âu, trong khi phe vận động rời khỏi EU cũng đang tăng tốc các nỗ lực để thuyết phục cử tri bỏ phiếu chống.
Thủ tướng Anh David Cameron ngày 9/5 có bài phát biểu ôn lại nhiều giai đoạn lịch sử để khẳng định, nước Anh luôn gắn liền với châu Âu và bỏ phiếu ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 tới là sự lựa chọn yêu nước.
Ông Cameron cho rằng, lịch sử đã chứng minh, nước Anh không thể đứng “ngoài lề” khi châu Âu đang lâm vào tình trạng bất ổn: “Chủ nghĩa cô lập chưa bao giờ tốt cho nước Anh. Bất cứ khi nào chúng ta quay lưng lại với châu Âu, sớm hay muộn chúng ta cũng phải hối tiếc. Nếu ở lại, những gì chúng ta biết đó là được tiếp cận với một thị trường đơn lẻ đang phát triển, bao gồm ngành năng lượng, dịch vụ, kĩ thuật số, cũng như những lợi ích lớn mà các thỏa thuận thương mại mang lại ví dụ giữa EU và Mỹ cùng các thị trường khác. Và tác động ngược lại nếu chúng ta rời đi”.
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cũng cảnh báo, một cuộc bỏ phiếu rời đi sẽ tác động "đáng kể" tới giá nhà và chi phí thế chấp.
Trái ngược với quan điểm của Thủ tướng Anh, thời điểm này, phe vận động rời khỏi EU đang tăng tốc nỗ lực của mình. Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove bày tỏ hi vọng nước Anh sẽ rời khỏi Thị trường chung châu Âu sau cuộc trưng cầu ý dân và bác bỏ những lý lẽ cho rằng Anh sẽ phải chịu thua thiệt khi thương lượng lại các thỏa thuận thương mại với EU.
Cựu Thị trưởng London Boris Johnson cũng bác bỏ tuyên bố của Thủ tướng Cameron cho rằng, nước Anh sẽ ít an toàn hơn nếu rời khỏi EU: “Chúng ta đã không có một Liên minh châu Âu cải cách đáng kể. Mọi việc đều không có gì thay đổi. Thủ tướng Cameron kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân, sau đó lại cảnh báo chúng ta về Chiến tranh thế giới thứ 3 nếu chúng ta bỏ phiếu rời đi. Tôi nghĩ đây không phải là một lí do thuyết phục. Mọi người đếu biết rằng hòa bình tại châu Âu trong 60-70 năm qua đã được đảm bảo bởi NATO”.
Các cuộc khảo sát mới đây đều cho thấy, tỉ lệ cử tri quyết định nước Anh ở lại hay ra khỏi EU tương đương nhau, với tỉ lệ ủng hộ ở lại là 42% và tỉ lệ rời đi là 40%.
Khả năng Anh rời hay ở lại EU vẫn chưa rõ ràng, nhưng lãnh đạo nhiều nước trên thế giới tiếp tục lên tiếng cảnh báo những hậu quả khi Anh ra khỏi khối. Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Alexander Vershbow nhấn mạnh, việc xảy ra viễn cảnh Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), sau khi kết thúc cuộc trưng cầu ý dân dự kiến vào ngày 23/6 tới là “một điều đáng lo ngại”.
Ông Vershbow cho rằng, xét trên quan điểm của NATO, tại thời điểm hiện nay, việc hợp tác với một EU hùng mạnh và thống nhất dường như còn quan trọng hơn so với trước đây. Vì vậy, bất kỳ vấn đề nào gây ảnh hưởng tới tính thống nhất của EU đều khiến NATO quan ngại.
Bên cạnh những tác động lớn đến vấn đề kinh tế và thương mại, điều đáng lo ngại nhất đối với khả năng Anh rời khỏi EU hiện nay đó là tạo ra một hiệu ứng trưng cầu ý dân trên khắp châu Âu, làm lung lay khối thống nhất vốn đang đối mặt với nhiều nguy cơ như hiện nay.
Các cuộc khảo sát mới đây cho thấy, gần một nửa số công dân của 8 nước Liên minh châu Âu muốn tổ chức trưng cầu ý dân giống như Anh sẽ tổ chức vào tháng tới. Theo Khảo sát của công ty Ipsos Mori tại Anh, có hơn 50% người dân Pháp và Italy muốn tổ chức cuộc bỏ phiếu trong liên minh và một nửa trong số được tin rằng, nếu Anh rời khỏi EU, sẽ có hiệu ứng đô-mi-nô với các nước khác trong khối./.
Theo Phạm Hà/VOV.VN