Cập nhật: 13/05/2016 09:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chủ thuyết Obama định hình, với Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI) 2016, Mỹ sẽ hỗ trợ mạnh quân đội các nước đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương.

Quân đội Mỹ ở Nhật Bản. Ảnh: stripes.

MSI là Sáng kiến An ninh Hàng hải của Mỹ năm 2016. Ngày 20/4 vừa qua Bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức triển khai gói ngân sách đầu tiên 50/425 triệu USD trong vòng 5 năm. Theo đó, Mỹ sẽ phân bổ cho 5 quốc gia gồm Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Giới nghiên cứu cho rằng, việc triển khai MSI và phân bổ ngân sách là dựa trên cơ sở chủ thuyết Obama về đối ngoại quân sự.

Từ tư duy đối ngoại quân sự Obama…

Sau gần 2 nhiệm kỳ Tổng thống, “Chủ nghĩa Obama” đã được định hình. Về đối ngoại quân sự, tư duy mới nhấn mạnh đến việc “không đưa quân ra nước ngoài”, sử dụng “quyền lực mềm”, “chia sẻ trách nhiệm” với đối tác và đồng minh, bảo đảm cho nước Mỹ giữ vững vị thế lãnh đạo thế giới, và các giá trị Mỹ vẫn được lan truyền.

Trong “Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia Mỹ” năm 2015, Mỹ khẳng định đường lối tốt nhất để củng cố địa vị lãnh đạo toàn cầu của Washington là tăng cường kinh tế trong nước, xây dựng chế độ dân chủ, thiết lập khối liên minh quốc tế bền vững và vận dụng tổng hợp sức mạnh về mọi mặt của Mỹ.

Trả lời báo giới sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ (OAS) ngày 14/4/2015, Tổng thống Obama đã mô tả chủ nghĩa mang tên ông có hai nguyên tắc quan trọng:

Một là, Mỹ vẫn là quốc gia mạnh và giàu có nhất trên hành tinh. Tuy nhiên, nước Mỹ không thể một mình đối mặt với các băng đảng buôn bán ma túy, biến đổi khí hậu, chống khủng bố…

Hai là, nước Mỹ đang sung sức và Mỹ đại diện cho một loạt các giá trị và lý tưởng toàn cầu về dân chủ, tự do ngôn luận, tôn giáo, nhân quyền… cần được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tôn trọng những nền văn hóa khác biệt, triển vọng khác biệt và có lịch sử khác biệt.

Trong Văn kiện chiến lược biển của Mỹ mới ban hành. Washington cho rằng, Mỹ có lợi ích sống còn về kinh tế và chiến lược ở Biển Đông, vì Mỹ hiện đang là đối tác thương mại số 1 của Nhật Bản, số 2 của Trung Quốc và thứ 3 của ASEAN.

Lợi ích kinh tế của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương đã lớn hơn ở Tây Âu, vì khu vực này đang thu hút một lượng đầu tư khổng lồ của các công ty Mỹ, nên việc bảo đảm tự do cho tàu thuyền của Mỹ và các nước trên các tuyến hải vận ở Biển Đông được Mỹ rất coi trọng.

Trong Chiến lược quân sự 2015, Mỹ vẫn nhấn mạnh các đồng minh tại các khu vực như: Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc ở châu Á, và các nước thành viên NATO ở châu Âu. Tuy nhiên, việc gia tăng mạng lưới các đồng minh và đối tác đóng vai trò “trung tâm” là một trong những nỗ lực gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới.

Vì thế, Mỹ chủ trương kêu gọi các đồng minh, đối tác “chia sẻ trách nhiệm”để Mỹ có thể hoàn thành sứ mệnh toàn cầu của mình trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Mỹ đang bị thắt chặt.

Đến phân bổ ngân sách cho các nước trong khu vực…

Đối với Philippines: (1) Để hỗ trợ Quân đội và các cơ quan thực thi pháp luật Philippin. Mỹ sẽ triển khai Dự án xây dựng Trung tâm hàng hải và tác chiến chung (AIS); nâng cao mạng lưới thông tin liên lạc; thiết lập mối quan hệ giữa lực lượng chỉ huy và kiểm soát (C2); Cảnh sát biển (PCG), Trung tâm Giám sát bờ biển quốc gia (NCWC) trị giá gần 15 triệu USD.

(2) Triển khai Dự án nâng cao năng lực tình báo, trinh sát và giám sát (ISR) trên biển, trị giá gần 18 triệu USD. Bộ Tư lệnh Không quân của Hải quân Mỹ (NAVAIR) sẽ giám sát chương trình và cung cấp hệ thống radar khí cầu với khả năng phát hiện và theo dõi tầm xa trong phạm vi 90 hải lý. Và hỗ trợ các trang bị chỉ huy, kiểm soát, liên lạc và máy tính (C4) cho Philippines.

Với Malaysia: Mỹ sẽ cung cấp 1,2 triệu USD nhằm trang bị cho nước này hệ thống thông tin liên lạc an toàn và tăng cường hệ thống dữ liệu hoạt động chung của Quân đội Malaysia (MAF) nhằm kết nối Trung tâm hoạt động bay Hoàng gia Malaysia với các lực lượng tác chiến và Bộ chỉ huy.

Lắp đặt hệ thống liên lạc an toàn cho Bộ chỉ huy Hạm đội của Hải quân Malaysia tại căn cứ hải quân Lumut và 5 bộ liên lạc di động cho các tàu đang diễn tập và hoạt động. Hạm đội Thái Bình Dương và Không quân Mỹ sẽ dành 2,3 triệu USD để nâng cấp Trung tâm tác chiến tổng hợp của Malaysia.

Với Indonesia, Mỹ dành cho nước này khoảng 2 triệu USD, nhằm hỗ trợ cho các trung tâm tác chiến của Indonesia các thiết bị di động với ứng dụng Android để thu thập, đánh giá, phân tích và báo cáo tin tức cho Trung tâm chỉ huy hàng hải Indonesia.

Công cụ nêu trên sẽ giúp các bộ, ngành của Indonesia phân tích thông tin, kết nối dữ liệu và phối hợp hoạt động tốt hơn; nâng cao năng lực ứng phó, cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo. Lực lượng Không quân Thái Bình Dương và Vệ binh Quốc gia Hawaii cũng sẽ hợp tác chuyên môn với Không quân và Hải quân Indonesia về hoạt động bay luân phiên và phòng không radar mặt đất.

Đối với Thái Lan: Nước này sẽ nhận được gần 1 triệu USD để tăng cường năng lực chỉ huy và kiểm soát giữa Quân đội Thái Lan với các Bộ chỉ huy trực thuộc. Ngoài ra, MSI năm 2016 có khoản ngân sách chung để hỗ trợ các nước tham gia các hoạt động quân sự đa phương; hỗ trợ lĩnh vực nhân quyền…

Đối với Việt Nam: Lầu Năm Góc dự kiến dành khoảng 2 triệu USD, chủ yếu để nắm bắt năng lực hiện tại của Việt Nam và đánh giá khả năng hợp tác cho chương trình MSI năm 2017.

Hải quân Mỹ sẽ cử một nhóm các chuyên gia về hệ thống bay không người lái sang trao đổi với Việt Nam về sử dụng các hệ thống này với hy vọng Việt Nam có thể tìm được một hệ thống hữu ích để tăng cường nhận thức hàng hải.

Trong năm 2017, Bộ Quốc phòng Mỹ có thể hỗ trợ về huấn luyện và các hình thức khác liên quan đến hệ thống bay không người lái, bao gồm cả việc nghiên cứu năng lực hiện tại của các tàu mà Việt Nam nhận từ Nhật Bản, Hàn Quốc, nhất là khả năng phối hợp tác chiến, thiết bị an ninh và sẽ thông báo trong ngân sách năm 2017.

Theo dự kiến, Hải quân và Tuần duyên Mỹ cũng sẽ trang bị cho Việt Nam 10 Hệ thống tối ưu về tìm kiếm và cứu nạn trên biển (SAROPS) với đầy đủ phần cứng, phần mềm, huấn luyện, bảo dưỡng và hỗ trợ trong vòng 5 năm.

Theo giới quan sát, việc phân bổ ngân sách MSI trị giá 425 triệu USD thuộc Bộ Quốc phòng cho thấy Mỹ sẵn sàng đóng góp các nguồn lực để thực thi Chiến lược Tái cân bằng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; đồng thời, đây cũng là thông điệp mạnh mẽ cho thấy, cam kết của Washington trong nỗ lực hỗ trợ xây dựng năng lực an ninh biển cho các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, khi triển khai MSI Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn ở trong nước Mỹ và khu vực Đông Nam Á, nhất là trong các cuộc tham vấn cụ thể giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác khu vực.

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, việc phân bổ ngân sách nêu trên là dựa vào chủ thuyết Obama về đối ngoại quân sự và thực tế ngân sách quốc phòng Mỹ bị cắt giảm do khó khăn về kinh tế. Và tư duy chia sẻ trách nhiệm với đồng minh và đối tác đang chi phối mạnh mẽ đến quá trình lập kế hoạch và thực thi chuyển giao ngân sách MSI của Lâu Năm góc cho 5 nước./.

Theo CTV Nguyễn Nhâm/VOV.VN

Tệp đính kèm