Phần lớn những trường hợp cấp cứu ở người cao tuổi thường xảy ra tại nhà. Khi chưa có cán bộ y tế thì việc sơ cứu tại chỗ có ý nghĩa rất quan trọng. Sơ cứu đúng cách, bệnh sẽ tạm ổn định; ngược lại nếu sơ cứu không đúng cách, bệnh nhân càng thêm nguy kịch, thậm chí có thể tử vong.
Khi cấp cứu cho người cao tuổi cần nhanh chóng gọi nhân viên y tế để được xử trí đúng và kịp thời. Ảnh: Minh Hạnh
Phần lớn những trường hợp cấp cứu ở người cao tuổi thường xảy ra tại nhà. Khi chưa có cán bộ y tế thì việc sơ cứu tại chỗ có ý nghĩa rất quan trọng. Sơ cứu đúng cách, bệnh sẽ tạm ổn định; ngược lại nếu sơ cứu không đúng cách, bệnh nhân càng thêm nguy kịch, thậm chí có thể tử vong.
Những trường hợp cấp cứu ở người già (như các tai biến về tim mạch, hô hấp hoặc chấn thương, tiêu hóa, thần kinh...) thường nặng, dễ bộc phát và có diễn biến bất thường. Người già có thể mắc nhiều bệnh cùng lúc, triệu chứng lại ít điển hình nên việc chẩn đoán và xác định bệnh chính gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, các biến chứng hay xuất hiện, làm cho bệnh phức tạp hơn; quá trình hồi phục thường kéo dài và để lại di chứng hoặc tàn tật. Vì vậy, người già cần được theo dõi sức khỏe chặt chẽ để phát hiện và xử trí các trường hợp cấp cứu một cách kịp thời, chính xác.
Những điều cần làm
Bình tĩnh đặt người bệnh nằm yên tĩnh ngay tại chỗ, nới bớt thắt lưng, quần áo, tránh để lạnh quá hay nóng quá. Nếu người bệnh còn tỉnh, nên động viên họ yên tâm, đừng quá hoảng sợ.
Tìm mọi cách gọi nhân viên y tế đến trong thời gian nhanh nhất để xử lý đúng và kịp thời.
Nếu bị chấn thương gây chảy máu nhiều, tạm thời dùng băng ép hoặc đặt ga rô cầm máu ngay sát trên chỗ tổn thương. Nếu có gãy xương, đặt nạn nhân nằm bất động hoặc buộc nẹp tạm thời ở tay chân...
Nếu có điều kiện nên đếm mạch, đo huyết áp và nhiệt độ, dùng đèn pin khám phản xạ đồng tử (nếu giãn to là tiên lượng xấu).
Hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực khi nạn nhân ngưng thở và ngưng tim.
Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất trong trường hợp nhân viên y tế khó đến kịp, đảm bảo vận chuyển đúng cách.
Những điều không được làm
Hoảng hốt, di chuyển bệnh nhân không đúng cách hoặc vội vã cõng, vác người bệnh chạy chỗ này chỗ khác.
Vội vàng xoa bóp tim ngoài lồng ngực hoặc hô hấp nhân tạo khi chưa có chỉ định.
Tiêm hay cho uống thuốc khi chưa rõ bệnh, chưa có chỉ định của thầy thuốc. Tập trung đông người gây ồn ào, ngột ngạt làm người bệnh thêm hoảng sợ. Để bệnh nhân bị lạnh quá hoặc nóng quá.
Khi người cao tuổi lâm vào trường hợp phải cấp cứu, tuyệt đối không xoa bóp, day huyệt trong lúc chưa rõ nguyên nhân. Nếu gặp các bệnh như xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, chảy máu nội tạng... thì việc làm trên rất nguy hiểm.
Bác sĩ Ngọc Thanh
Theo suckhoedoisong.vn