Tăng huyết áp (THA) chiếm tỉ lệ cao nhất ở người cao tuổi (NCT). Tác hại của THA rất khó lường trước được, ảnh hưởng rất xấu cho sức khỏe, thậm chí gây đột quỵ, tử vong.
Lớp nội mạc bị nứt, vỡ, cho nên gây phình động mạch
Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch. Khi tim co bóp, máu sẽ được đẩy đi và ép vào thành của động mạch làm cho thành động mạch căng ra và được gọi là huyết áp tâm thu (huyết áp cao nhất). Sau co bóp, tim sẽ giãn ra và khi đó thành động mạch sẽ co lại về trạng thái ban đầu, số đo ở thời điểm này là huyết áp tâm trương (huyết áp thấp nhất).
Khi nào được gọi là tăng huyết áp?
Ở người bình thường chỉ số huyết áp là 120/ 80mmHg. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định, người bị THA khi có chỉ số đo huyết áp từ 140/90mmHg trở lên, trong đó, tăng độ I, từ 140 - 159/90 - 99mmHg; tăng độ II, từ 160 - 179/100 - 109mmHg và tăng độ III, khi huyết áp từ 180/110mmHg trở lên. WHO quy định, huyết áp mục tiêu là huyết áp dưới 140/90mmHg, riêng người bị đái tháo đường, huyết áp mục tiêu phải dưới 130/80mmHg. Tuy vậy, do nhịp sinh học huyết áp của một người bình thường cũng có dao động rõ rệt, huyết áp thường cao dần từ lúc thức giấc buổi sáng và gia tăng nhiều hay ít tùy thuộc vào sự vận động và trạng thái tinh thần. Vì vậy, lúc ngủ huyết áp đỉnh sẽ thấp hơn lúc làm việc bình thường khoảng 20mmHg, cao hơn đỉnh lúc buổi chiều là 10%. Huyết áp bình thường cũng có thể thay đổi và biến thiên theo thời gian (huyết áp thấp nhất vào khoảng từ 1 - 3 giờ sáng, lúc đang ngủ say và huyết áp cao nhất vào khoảng từ 8 - 10 giờ sáng).
Những biến chứng nguy hiểm
Theo WHO, THA là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Bệnh diễn biến âm thầm, tiến triển kéo dài từ 15 - 20 năm hoặc lâu hơn nữa mà người bệnh không hề biết. Bởi vì, đa số THA thường không có biểu hiện gì đáng kể (trừ một số ít có nhức đầu, chóng mặt...) cho đến khi người bệnh nhập viện mới biết mình bị bệnh. Hầu hết THA không rõ nguyên nhân, chỉ có một số thấy có yếu tố thuận lợi như: béo phì, mỡ máu cao, đái tháo đường, hoặc có một tỉ lệ nhất định do di truyền. Lý do THA có hại cho sức khỏe, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm, bởi vì khi bị bệnh THA, áp lực trong mạch máu bị tăng lên và theo thời gian sẽ làm thành của động mạch mất tính đàn hồi và trở nên xơ cứng, nhất là các trường hợp đã có xơ vữa động mạch. Vì áp lực tác động liên tục lên thành động mạch làm cho động mạch bị giãn, lớp nội mạc bị nứt, vỡ, cho nên ngoài hiện tượng có thể gây phình động mạch (nhất là phồng động mạch chủ) còn có thể mảng xơ vữa bong ra đi theo mạch máu làm tắc mạch rất nguy hiểm. Phình động mạch chủ nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể bị vỡ, gây chảy máu và dẫn đến tử vong. Xơ vữa động mạch làm hư hại mạch máu, nhất là mạch máu của tim dễ hình thành các cục máu đông từ đó ngăn chặn việc cung cấp máu cho tim làm giảm hiệu quả hoạt động của tim và cũng gây tổn hại các mô của tim dẫn đến chứng đau thắt ngực. Đồng thời, THA làm tim hoạt động mạnh hơn, từ đó cơ tim dày lên, nhất là tâm thất trái (phì đại tâm thất trái) ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của tim dễ dẫn đến tim to ra và suy tim.
Xơ vữa động mạch làm hư hại mạch máu, nhất là mạch máu của tim dễ hình thành các cục máu đông
Một loại tác hại khác do THA gây ra là có khả năng làm tăng nguy cơ xuất huyết não (đột quỵ). Theo các nghiên cứu, THA là nguyên nhân của 80% các cơn đau tim và đột quỵ. Bởi vì, khi THA sẽ làm suy yếu các mạch máu nhỏ trong não khiến chúng bị vỡ. Nếu mạch máu não yếu sẽ làm hạn chế lưu lượng máu đến não gây nên tình trạng rối loạn tuần hoàn não (hoa mắt, chóng mặt, suy giảm nhận thức nhẹ), thiếu máu não thoáng qua, giảm trí nhớ. Nếu đứt mạch máu não gây chảy mãu não, tụ máu não dẫn đến liệt, nặng hơn sẽ dẫn đến hôn mê và tử vong...
Ngoài ra, THA sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng của thận do các mạch máu trong thận bị tăng áp lực dẫn đến hư hại, từ đó bệnh THA sẽ gia tăng, bởi vì, thận là một trong những bộ phận đóng vai trò giữ cho huyết áp của cơ thể được bình thường (điều tiết các chất dịch của cơ thể, muối... từ đó điều chỉnh huyết áp). THA còn gây bệnh lý về mắt do các mạch máu của mắt bị thu hẹp làm cho máu đến nuôi dưỡng kém. THA có thể ảnh hưởng đến rối loạn chức năng tình dục nam (giảm ham muốn, cương dương…) và có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ (rối loạn giấc ngủ). Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng nếu bị ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng góp phần làm tăng nặng bệnh THA kể cả khi người bệnh dùng thuốc điều trị bệnh THA.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để hạn chế đến mức tối đa tác hại của bệnh THA, người bị THA cần kiểm tra huyết áp thường xuyên, tốt nhất là đo huyết áp ngày một lần. Tuy nhiên, phải biết cách đo nếu máy đo bằng tai nghe; nếu dùng máy điện tử cần có loại tốt (chính xác). Trước khi đo huyết áp cần nghỉ ngơi 15 phút và trước đó không dùng chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá...). Cần dùng thuốc đều đặn hàng ngày và nghe theo tư vấn của bác sĩ khám bệnh cho mình. Người bị THA vẫn có thể tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn không nên tham gia các động tác, bài tập khó, mạnh... Cần có chế độ ăn, uống hợp lý (kiêng mỡ, rượu, bia...).
PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU
Theo suckhoedoisong.vn