Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng lúc phải lo cạnh tranh mạnh mẽ trong nước cũng như với các doanh nghiệp lớn bên ngoài.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp nhiều thách thức khi tham gia vào hội nhập kinh tế thế giới. (Ảnh: Internet)
Khi các hiệp định thương mại như FTA, TPP có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ vào Việt Nam khiến hoạt động thương mại tăng lên, người tiêu dùng hưởng lợi. Nhưng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây sẽ là một thách thức khi tham gia vào hội nhập kinh tế thế giới.
Công ty Hoàng Anh là một trong số ít doanh nghiệp trong nước tự nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu, hương liệu và phụ gia thực phẩm cho ngành công nghiệp chế biến. Sản phẩm của công ty phục vụ cho nhiều thương hiệu dẫn đầu thuộc các lĩnh vực như: sữa tiệt trùng, nước giải khát, cà phê, bánh, kẹo, đồ hộp, gia vị, dược phẩm...
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng Nam, Giám đốc Marketing của công ty cho biết, Hoàng Anh luôn hướng đến việc sản xuất sản phẩm phải do chính tay người Việt làm ra. Nhưng hiện nay, các sản phẩm sản xuất nội địa như vậy lại chưa được quan tâm đúng mức.
“Hầu hết các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hiện nay chúng ta đều phải nhập khẩu. Trong khi các sản phẩm được sản xuất nội địa chưa được quan tâm đúng mức từ cả ở phía nhà sản xuất cũng như về mặt quản lý nhà nước”, ông Hoàng Anh chia sẻ.
Đây là một trong những lí do khiến nhiều doanh nghiệp trong nước khó đủ điều kiện tham gia "sân chơi" lớn của nền kinh tế hội nhập. Đại diện một số doanh nghiệp cũng cho biết, việc đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ cơ bản trong nước chưa thật tương xứng để doanh nghiệp phát triển.
Vì vậy, ông Nguyễn Dương Hiệu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thương mại Lidovit cho rằng, nhà nước cần có chính sách mở rộng công nghệ và thiết bị.
“Vấn đề quan trọng là tiếp tục đầu tư mở rộng công nghệ, mở rộng thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, như vậy mới kết nối được sản phẩm của doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới”, ông Hiệu nói.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng, năng lực của doanh nghiệp Việt hiện nay khó đáp ứng trước những đơn hàng lớn trong khi thời gian yêu cầu ngắn. Doanh nghiệp nối muốn cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài sẽ cần rất nhiều vốn, nhưng độ an toàn và tính bền vững không cao. Trong khi đó cơ chế chính sách của Nhà nước về vốn, lãi suất, thuế, con người, hay đất đai… chưa đồng bộ và chưa thật thông thoáng. Những điều này khiến doanh nghiệp e ngại, chưa mạnh dạn đầu tư.
“Ví dụ một doanh nghiệp muốn làm một chi tiết cho Samsung, nhưng muốn làm thì phải sản xuất thử và phải đầu tư máy móc. Nhưng đầu tư máy móc xong đến khi họ không chấp nhận thì làm sao! Thực tế công nghệ cao bây giờ phát triển như vũ bão, thay đổi liên tục nên có doanh nghiệp thay đổi không kịp”, ông Minh phân trần.
Với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP HCM cho rằng, muốn trở thành nhà cung cấp hỗ trợ, doanh nghiệp phải đầu tư đủ lớn để làm ra sản phẩm đạt yêu cầu cả về số lượng, chất lượng và giá thành. Trong khi đó, doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đa số quy mô vừa và nhỏ, vốn không lớn, muốn tiếp cận và vay vốn từ ngân hàng không dễ.
Vì vậy, Nhà nước cần điều chỉnh đồng thời nhiều chính sách, trong đó có việc ưu đãi doanh nghiệp về tiền thuê đất, đặc biệt là lãi suất ngân hàng… Từ đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ mới đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
“Vốn vay cho doanh nghiệp phát triển hết sức quan trọng. Ví dụ nhà ở xã hội Nhà nước đã có gói cho vay 30.000 tỷ, nhưng trong lĩnh vực này có được khoảng 3.000 tỷ hay không? Sau đó là giảm thuế, miễn thuế cụ thể như thế nào để doanh nghiệp có điều kiện để phát triển”, ông Hồng chỉ rõ.
Việt Nam hiện có 400.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một con số không nhỏ nhưng các doanh nghiệp này lại yếu về vốn, công nghệ, năng lực quản lý, kinh nghiệm tiếp cận thị trường. Cạnh tranh trong nước đã khó, khi những hiệp định thương mại như TPP có hiệu lực thì doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ doanh nghiệp lớn bên ngoài. Vì vậy, nếu không nhanh chóng có những giải pháp kịp thời và bản thân doanh nghiệp không tự thích ứng khi hội nhập, rất có thể doanh nghiệp Việt sẽ gặp nhiều nguy cơ thua thiệt ngay trên sân nhà./.
Theo Ngọc Luân/VOV.VN