Người tiêu dùng không mặn mà do thiếu niềm tin với rau an toàn khiến cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn.
Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh rau an toàn gặp không ít khó khăn do chưa lấy được lòng tin của người tiêu dùng.
Trong số 69 địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi trên toàn quốc do Bộ NN&PTNT vừa công bố, tại Hà Nội có 7 địa chỉ. Tuy nhiên, 7 địa chỉ này đến nay vẫn chưa phát huy được hiệu quả hoạt động.
Đó là chưa kể tại Hà Nội vẫn còn rất nhiều địa điểm bán thực phẩm sạch khác nhưng chưa được chứng nhận an toàn, người tiêu dùng không mặn mà do thiếu niềm tin với rau an toàn khiến cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn.
7 địa điểm bán nông sản an toàn ở Hà Nội bao gồm: Cửa hàng Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam; 3 cửa hàng của Công ty Cổ phần Thủy Thiên Nhu; 2 cửa hàng thực phẩm sạch số 01 của Công ty Cổ phần Thực phẩm T&T; Công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu Tổng hợp.
Khảo sát tại 7 điểm này, không khí mua sắm khá ảm đạm. Tại quầy bán rau của Siêu thị Eximart, thuộc Công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu Tổng hợp (số 100 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng), các mặt hàng rau tuy phong phú về chủng loại nhưng số lượng mỗi loại được bày bán khá ít, bởi việc tiêu thụ rau còn chậm, nên cửa hàng không dám nhập nhiều hàng vì sợ rau củ tồn đọng hư hỏng phải bỏ hết.
Ông Phạm Bình Nguyên, Trưởng phòng Quản lý giám sát Hệ thống Siêu thị Eximart, thuộc Công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu Tổng hợp cho biết, kể từ khi được cấp phép là địa điểm bán rau an toàn, lượng khách đến siêu thị có tăng lên nhưng chưa nhiều.
“Chúng ta phải tuyên truyền giới thiệu để khách hàng tin tưởng về chất lượng rau, đó là bằng những giấy chứng nhận của các cơ quan chức năng, quay lại những quy trình sản xuất, chế biến của những cơ sở rau an toàn. Đồng thời phải quảng cáo những địa chỉ bán rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận để khách hàng được biết”, ông Nguyên cho biết.
7 điểm bán hàng nông sản an toàn theo công bố của Bộ NN&PTNT, thực chất chỉ là của 4 nhà cung cấp, liệu có thể đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu của hơn 10 triệu dân Thủ đô, trong khi còn rất nhiều điểm bán thực phẩm an toàn khác trên địa bàn Hà Nội nhưng chưa được chứng nhận an toàn? Đây là thực tế đang được đặt ra.
Để có được chứng nhận thực phẩm an toàn theo chuỗi, người kinh doanh gặp không ít khó khăn, thậm chí thua lỗ, bởi an toàn theo chuỗi có nghĩa là cả một quá trình từ khâu nuôi trồng, chế biến, cung ứng, tiêu thụ phải đạt chuẩn và an toàn. Nếu một trong các khâu đó bị phát hiện có sai phạm thì người kinh doanh phải chịu toàn bộ thiệt hại cho lô hàng đó.
Mặt khác, việc kinh doanh các mặt hàng rau an toàn thường có doanh thu thấp, do đó để cắt giảm các chi phí không cần thiết, nhiều người kinh doanh cũng tìm cách liên kết với các địa phương nhưng không cạnh tranh được với thương lái địa phương hoặc do chi phí vận chuyển quá lớn, nên không thể kham nổi. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người kinh doanh rau sạch không dám mạnh dạn đầu tư, tham gia thí điểm rau an toàn theo chuỗi. Về giá cả, các mặt hàng rau được chứng nhận an toàn theo chuỗi sẽ có giá cao hơn so với thị trường chung.
Anh Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty thực phẩm sạch Big Green Việt Nam cho biết, tất cả những sản phẩm an toàn về quy trình trồng cấy cũng nghiêm ngặt và khó hơn, tốn công sức hơn và năng suất thì lại thấp hơn nên nhìn chung đã sản xuất rau an toàn thì giá phải cao hơn từ 15% - 20% so với sản phẩm thông thường.
“Tôi dám cam đoan và cam kết rằng tất cả những sản phẩm được xác nhận an toàn theo chuỗi thì đó là những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được nuôi trồng và quản lý nghiêm ngặt. Trước khi bày bán các sản phẩm đó thì đã được các cơ quan chức năng hỗ trợ việc phân tích đánh giá những mẫu đó, nó an toàn thì mới được bày bán”, anh Hưng cho hay.
Người kinh doanh rau an toàn gặp khó khăn là vậy, nhưng người tiêu dùng vẫn tỏ ra thờ ơ với các mặt hàng rau an toàn. Lý do là vì nhiều người vẫn còn mơ hồ, thậm chí không hiểu thế nào là an toàn theo chuỗi.
Nhiều người còn thiếu niềm tin với rau an toàn khi không thể phân biệt được rau an toàn với rau không an toàn chỉ bằng cảm quan. Người tiêu dùng còn thiếu thông tin về các điểm bán thực phẩm an toàn và vẫn giữ thói quen cố hữu "tiện đâu mua đấy", ưu tiên những địa chỉ gần nhà cũng là những nguyên nhân khiến rau an toàn có địa chỉ khó tiêu thụ.
Chị Trần Thị Loan, ở quận Hai Bà Trưng cho biết: “Từ khi có cửa hàng gần nhà tôi thường vào đó mua thịt, rau nhưng không hề biết đó là một trong các địa chỉ bán thực phẩm an toàn đó. Trong khi nhiều siêu thị lớn vẫn phát hiện ra có những mặt hàng rau trôi nổi đưa vào, thì người tiêu dùng cũng chỉ mua bằng niềm tin nhưng vẫn không tin chắc đây là rau sạch 100%”.
Trong thời điểm hiện nay, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần nâng cao trách nhiệm của mình, kiên quyết tẩy chay những thực phẩm bẩn, bỏ thói quen tiện đâu mua đấy và chỉ mua thực phẩm ở những cơ sở được công bố là thực phẩm an toàn. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa để người dân hiểu thế nào là rau an toàn và các địa chỉ đã được chứng nhận an toàn thực phẩm theo chuỗi để người dân có thể tìm mua.
Các nhà quản lý cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ các cửa hàng kinh doanh rau sạch trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, xử lý nghiêm các sai phạm, nhằm tạo lòng tin cho người tiêu dùng, đồng thời có chính sách hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho những người kinh doanh rau sạch./.
Theo Bảo Ngọc/VOV.VN