Cập nhật: 25/05/2016 09:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,54% so với tháng 4 và tính chung 5 tháng đầu năm tăng 1,59% so cùng kỳ năm ngoái.

Giá xăng tăng đẩy CPI tháng 5 tăng mạnh (Ảnh minh họa: KT)

Giá xăng tăng đẩy giá về giao thông tăng mạnh

Trong tháng 5/2016, tất cả các nhóm hàng hóa trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đều tăng giá. Trong đó, tăng mạnh nhất là 2,39% so tháng trước, nhóm tăng mạnh thứ 2 là nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88%. Nhóm hàng hóa có giá tăng thấp nhất trong tháng 5 là dịch vụ giáo dục chỉ tăng 0,01%.

Còn lại các nhóm hàng hóa khác đều tăng dưới 1% như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giầy dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông; văn hoá, giải trí và du lịch.

Giải thích các nguyên nhân dẫn tới CPI tháng 5 năm 2016 tăng, Tổng cục Thống kê cho biết: Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,68% và tăng ở hai kỳ đầu của tháng do thương lái thu gom lúa gạo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký và tác động của khô hạn, xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đến giữa tháng 5 - kỳ thứ 3 thu thập giá, giá lúa gạo đã giảm trước thông tin Thái Lan tuyên bố xả kho gạo 11,4 triệu tấn trong tháng 5 và tháng 6 năm 2016, tuy nhiên so cùng kỳ năm trước giá lúa gạo hiện tại vẫn cao hơn khoảng 300đ/kg.

Chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,38% chủ yếu tăng ở nhóm hàng các loại thịt sau khi xảy ra hiện tượng cá chết tại các tỉnh miền Trung, người dân hạn chế sử dụng thủy hải sản, cùng với việc thương lái thu gom lợn hơi để xuất khẩu sang Trung Quốc.

 

CPI tháng 5/2016 tăng mạnh nhất kể từ năm 2012 (Nguồn: GSO)

Đặc biệt, giá xăng tăng 640 đồng/lít, dầu diezezen tăng 1150  đồng/lít vào các ngày 20/4/2016 và ngày 5/5/2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,15% so với tháng trước góp phần tăng CPI chung khoảng 0,21%. Do đó, nhóm hàng hóa về giao thông là nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng chính, chỉ số giá nhóm giao thông tháng này tăng chủ yếu ở mặt hàng xăng dầu. Bên cạnh đó, giá vé ô tô khách tăng 0,1% so với tháng trước do ngày nghỉ lễ kéo dài khiến nhu cầu đi lại của người dân tăng.

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,37% do nhu cầu xây dựng năm nay tăng cao cùng với xu hướng giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng.

Còn giá gas tăng 2,44% do các doanh nghiệp tăng 5.000đ/bình 12 kg từ ngày 01 tháng 5 năm 2016 do giá gas thế giới tăng.

Giá dịch vụ bảo hiểm y tế tăng 4,72% do từ 1/5/2016 Nhà nước thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000đồng/tháng lên 1.210.000đồng/ tháng.

Tỷ giá VND/USD 5 tháng thấp hơn nhiều so cuối năm ngoái

Dù không thuộc rổ hàng hóa tính giá tiêu dùng, nhưng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 5 cũng tăng 1,45% so tháng trước. Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, những ngày đầu tháng giá vàng tăng và đứng ở mức trên 1.298 USD/oz, sau đó giảm nhẹ đến ngày 15 tháng 5 năm 2016 giá vàng thế giới ở mức 1.272 USD/oz.

Giá vàng thế giới đã tăng gần 20% từ đầu năm đến nay khi kinh tế Mỹ có một số dấu hiệu chững lại khiến các nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa thể sớm có động thái tăng lãi suất tiếp theo. Bình quân giá vàng trong nước ngày 15 tháng 5 năm 2016 dao động quanh mức 3.402.000đ/chỉ vàng SJC.

Còn ghỉ số giá đô la Mỹ lại giảm 0,1%. Theo Tổng cục Thống kê, với cách thức điều hành tỷ giá mới, sau 5 tháng, tỷ giá VND/USD trên thị trường thấp hơn nhiều so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015 và khá ổn định.

Sự ổn định của tỷ giá trong thời gian qua một phần cũng do diễn biến thuận lợi trên thị trường tài chính quốc tế, đồng USD giảm giá so với các đồng tiền khác sau khi FED phát đi thông điệp sẽ chỉ điều chỉnh nâng lãi suất cơ bản đồng USD một lần trong năm 2016 thay vì hai lần như dự báo trước đây. Do đó, trong nước tỷ giá VND/USD tháng này khá ổn định xoay quanh 22.300VND/USD./.

Theo Xuân Thân/VOV.VN

Tệp đính kèm