Đình Đông Đạo nằm sát bên quốc lộ 2C, đường đi Tam Dương, Sơn Dương. Xưa, nơi ấy thuộc xã Vân Hội, tổng Hội Hạ, huyện Yên Lạc, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây, thường gọi là Ngã Ba Tam Dương. Nay là phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 5/1/1993, đình Đông Đạo được UBND tỉnh Vĩnh Phú cấp bằng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Đến ngày 12/2/1994, hơn một năm sau, đình Đông Đạo lại vinh dự được Bộ Văn hoá thông tin trao bằng công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.
Theo bản ngọc phả còn lưu giữ tại viện Hán Nôm quốc gia, đình Đông Đạo thờ Bạch Hạc Tam giang Thống chế Tôn thần, ông là người có công lớn hộ quốc, giúp dân. Trong phả ghi: “Hộ quốc an dân, danh hương lưu vạn kiếp. Y thần cứu thế sáng lạn kỷ thiên thu. Cứu nước yên dân, tiếng thơm muôn đời vạn thuở. Giúp đời thuốc thánh, rực rỡ đến ngàn thu. Đức lớn trời cho, lối sau đều hiếu nghĩa. Đạo cao đắc tặng dòng dõi có lòng tin. Đình Đông Đạo tỏ rõ linh thiêng, cho phép xã Bộ Đông được phụng thờ. Thần hãy giúp đỡ che chở, dân ta hãy kính lấy”. Ngoài ra theo sách “Văn hóa Vĩnh Phúc” do nhà nghiên cứu Bùi Đăng Sinh chủ biên thì Bạch Hạc Tam Giang Thống chế Tôn thần hay còn gọi “Tam Giang Bạch Hạc Đại Vương” ( Bạch Hạc trước kia thuộc Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc, nay thuộc Việt Trì – Phú Thọ) là vị thần đứng đầu trong các vị thần nước của bộ Văng Lang xưa. Một số truyện kể và thần tích ở Bạch Hạc, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên,…cho rằng thần Tam Giang Bạch Hạc có tên là Thổ Lệnh. Thổ Lệnh còn có một người anh song sinh đã cùng với Tản Viên Sơn Thánh dẹp giặc Thục, nên cũng được nhân dân thờ phụng.
Đình Đông Đạo được xây dựng năm Nhâm Thân (1572), đời vua Lê Anh Tông, niên hiệu Hồng Phúc, cách đây 439 năm. Trải qua sự thăng trầm của lịch sử từ năm 1846 (thời Thiệu Trị) đến năm 1924 (thời Khải Định), đình Đông Đạo được các đời vua 9 lần ban sắc phong. Trong kháng chiến chống Pháp, để thực hiện mục tiêu “Tiêu thổ kháng chiến”, năm 1947 nhân dân đã tháo rỡ toàn bộ phần mái ngói của đình Đông Đạo với quyết tâm không để thực dân Pháp dùng ngôi đình làm căn cứ đóng quân. Năm 1954, hòa bình lặp lại nhân dân đã tu sửa, tôn tạo và lợp lại mái đình. Từ đó đến nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương cùng với sự giúp đỡ của tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố Vĩnh Yên đã đầu tư hàng tỷ đồng trùng tu đình Đông Đạo với quyết tâm giữ nguyên quy mô, kiến trúc nghệ thuật với những đường nét trạm trổ tinh xảo có từ trên 400 năm qua.
Đình Đông Đạo có cơ ngơi hoành tráng, cảnh quan hấp dẫn. Đình gồm 5 gian hình chữ Nhất (-), kiểu kiến trúc đình cổ thường thấy ở những ngôi đình thế hệ đầu tiên xây vào thế kỷ XVI. Mỗi gian 6 cột. Mỗi cột tiết diện chừng 40cm. Toàn bộ mặt tiền đóng cửa bức bàn, trên có chấn song con tiện chạm hình hoa sen, hoa cúc cách điệu. Chiều rộng của đình sâu tới 15 bước chân. Chiều ngang cũng đếm được 30 bước. Thượng cung lập phía trên, sau án thờ, đặt ngai rồng phủ vóc vàng. Lên Thượng cung có thang gỗ. Trên gian giữa đình treo bức hoành phi, chữ đá thảo khá lớn: “Hỗ tích thành hưởng", nghĩa là: Chúc mừng sự hưởng thụ ơn vua lộc nước, thể hiện một niềm vui cộng đồng, chân thực.
Cứ mỗi dịp xuân về mọi người Việt Nam chúng ta lại nô nức hướng đến mùa lễ hội để cùng tụ hợp dưới những gốc đa, mái đình cổ kính. Đình Đông Đạo cũng không phải là một ngoại lệ. Thực hiện pháp lệnh tín ngưỡng và quy chế tổ chức lễ hội, hằng năm cứ vào ngày 13 tháng giêng âm lịch, UBND phường Đồng Tâm đều tổ chức lễ hội để các tầng lớp nhân dân phường có dịp ôn lại truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, tri ân công ơn của các anh hùng liệt sỹ. Đồng thời tổ chức dâng hương cầu cho dân lành, làng thịnh. Với các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân phong phú đã thu hút hàng vạn lượt khách thập phương và nhân dân địa phương. Cũng như những lễ hội thông thường, lễ hội đình Đông Đạo cũng bao gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được bắt đầu với phần tế lễ của các cụ từ, cụ ông, cụ bà. Sau đó đó là màn rước kiệu, rước lễ: rước kiệu Bác Hồ, rước kiệu bằng di tích lịch sử và rước lễ vào đình. Phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian giàu tính giáo dục như: chọi gà, kéo co, bịt mắt bắt dê, đánh cờ tướng,…và các tiết mục văn nghệ do chính người dân trong phường cùng du khách thể hiện. Những hoạt động như vậy có ý nghĩa to lớn, củng cố tinh thần đại đoàn kết toàn dân, bồi tụ tâm linh cho con người, khơi dậy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn vinh giá trị văn hóa, động viên nhân dân lao động để xây dựng đất nước giàu mạnh. /.
ST