Chùa Biện Sơn thuộc thị trấn Yên Lạc, chùa toạ lạc trên một quả gò có diện tích 14.939m2. Nơi đây xưa kia là 1 ngọn núi có tên là Độc Nhĩ hay còn gọi là Núi Biện. Bởi vậy, khi xây dựng ngôi chùa này nhân dân đã lấy tên ngọn núi đặt cho tên chùa là Biện Sơn.
Chùa Biện Sơn được kiến trúc theo kiểu chữ Đinh gồm 2 toà Bái đường và Chính điện.
Toà bái đường gồm 7 gian dài 19,85m, rộng 5,85m với 5 cửa loại 2 cánh, xây kiểu tường hồi bít đốc mái lợp ngói mũi. Toà bái đường gồm 6 bộ vì chính phần kết cấu của hai mái hồi được liên kết chặt chẽ bằng hệ thống xà đai. Hai bộ vì của gian giữa được làm theo dạng “Thượng giá chiêng - hạ kẻ, 4 bộ còn lại làm theo kiểu “Thượng chồng rường - hạ kẻ”. Hầu hết các phần cấu kiện gỗ trên bộ khung toà bái đường như xà nách, kẻ ngồi các con rường đều được chạm nổi, để mộc các hình mây cuộn. Toà bái đường có hai hàng cột cái gồm 8 cột có kích thước cao 3,5m, đường kính 0,25m; một hàng cột quân gồm 6 cột, cao 2,5m đường kính0,2m; 1 hàng cột hiên gồm 7 cột cao 2,1m, đường kính 0,2m. Các chân cột hiên kê trên đá tảng hình bầu dục cao 0,4m. Các đầu bẩy đều được chạm trổ hình mây lá.
Toà chính điện gồm 2 gian, dài 7,15m, rộng 5,5m với 2 cột gỗ cao 3,5m, đường kính 0,25m. Bộ vì theo lối chữ Đinh (J), quá giang gối tường.
Chùa Biện Sơn hôm nay lưu giữ 40 pho tượng lớn nhỏ khác nhau trong đó có 2 pho tượng hậu tạc trên đá, 20 pho tượng đất, còn lại là tượng gỗ. Tất cả các pho đều được tạo tác đẹp, sơn son thếp vàng lộng lẫy, chau chuốt tỷ mỉ, mang những nét đặc trưng của nghệ thuật tạc tượng thế kỷ thứ 18, 19.
Toà chính điện với thượng điện xây theo lối giật cấp, tượng phật xếp 5 lớp theo nguyên tắc lớp cao nhất ở sâu trên cùng, sau đó đến các lớp thấp dần.
Lớp thứ nhất gồm 3 pho tam thế, 2 bên tả và hữu thượng điện có tượng Quan âm tống tử và Quan âm thiên thủ, thiên nhãn.
Lớp thứ hai gồm tượng A-di-đà, hai bên có quan thế âm và đại thế chí (Di đà Tam tôn).
Lớp thứ ba: Tượng Thích Ca hai bên có tượng Bồ tát.
Tiếp theo là xếp hai trong bộ tứ thiên vương, hai bên tả, hữu là hai ông hộ pháp.
Toà bái đường được bài trí như sau:
Tượng Thánh Tăng và Đức ông được xếp 2 bên gian chính giữa, gian ngoài cùng phía bên trái là ban thờ bày 2 pho tượng sư, bên phải là ban thờ mẫu.
Nổi bật hơn cả trong số các pho tượng ở chùa là lớp tượng được bày ở Thượng điện mà giá trị nhất là các pho: Tam thế, quan âm thiên thủ thiên nhãn, A di đà, Thích Ca Mâu ni, Toà Cửu long.
Các di vật hiện còn tại chùa Biện Sơn bao gồm:
1. Đồ Đồng:
+ Chuông đồng: Có kích thước cao 1,1m, đường kính 0,8m, tai chuông đúc 2 hình rồng thân vuông, thân chuông khắc nổi hoa cúc và hoa văn kỷ hà, đáy chuông viền một hàng cánh sen.
Chuông có ghi niên đại “Hoàng triều Minh Mệnh ngũ niên tuế tạo giáp thân, nhị nguyệt sơ cửu nhật…
Vĩnh Tường phủ, An Lạc huyện, Vĩnh Mỗ xã, Đông thôn, Biện Sơn tự…”.
Nghĩa là chuông đúc vào ngày 9/2 năm Giáp thân, niên hiệu Minh Mệnh thứ 5 (1824).
Chuông thuộc chùa Biện Sơn, thôn Đông, xã Vĩnh Mỗ, huyện An Lạc, phủ Vĩnh Tường.
+ Khánh đồng: Có kích thước khá lớn, cao 1,1m, rộng 1,4m đúc năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiệu Trị lục niên tức là đúc năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiệu Trị thứ 6 (1846).
+ Bộ đèn đồng gồm 2 cây, cao 0,4m tạo dáng đẹp, trong lòng có dấu triện.
+ Bộ đỉnh đồng, nến phao đồng 2 cây cao 0,6m.
2. Đồ đá: Có bia công đức 2 mặt để trơn lập vào (Hoàng triều Thành Thái nhị niên tuế thứ Canh Dần cửu nguyệt Bính Tuất niên thất nhật Giáp Thân cảnh lập Bi ký) (Sơn Tây tỉnh, Vĩnh Tường phủ, An Lạc huyện, Đông Lỗ tổng, Vĩnh Mỗ xã, Đông thôn Ất Mục).
3. Đồ gỗ: Đẳng tế 2 chiếc được tạo dáng, kích thước như nhau dài 1,2m, rộng 1,4m, cao 0,8m sơn son thếp vàng, mặt trước chia làm 2 băng chạm nổi, băng trên cùng gồm 3 ô hình chữ nhật, ô giữa chạm cuốn thư hoa đào, 2 ô còn lại chạm hoa thị và dây hoa lá. Băng dưới chạm các hình dây hoa lá ngoắc vào nhau mềm mại kéo dài suốt xuống tận chân. Hai mặt bên chạm nổi hai cành lựu có nhiều quả.
Mâm xà 2 chiếc, mâm bồng nhỏ 2 chiếc, lộc bình gỗ 2 chiếc, nến phao to 2 chiếc.
Chùa Biện Sơn từ lâu đã là nơi sinh hoạt tâm linh của nhân dân địa phương, mỗi độ xuân đến là nơi vãn cảnh của du khách thập phương đến đây cầu tài, cầu lộc, cầu bình an, cầu cho quốc thái dân an.
Chùa Biện Sơn được xếp hạng cấp quốc gia năm 1996.
ST