Đền Gia Loan thuộc thị trấn Yên Lạc, Đền thờ Nguyễn Khắc Khoan là một tướng của Ngô Quyền, là một nhận vật lịch sử thuộc thế kỷ thứ X. Ông còn có tên tự xưng là Quảng Trí Quân, Nguyễn Thái Bình khi nổi lên làm tướng thời loạn 12 xứ quân. Đền Gia Loan nằm trên một gò đất cao, nhỏ vừa khuôn viên của đền, tách biệt hẳn với nơi cư dân đông đúc, nằm trên con đường liên xã từ thị trấn Yên Lạc đi Nguyệt Đức, cách chùa Biện Sơn 200m, cách gò Đồng Đậu 300m. Thế đất thật hẹp nhưng tầm nhìn thật thoáng, bốn phía được bao bọc bởi những cánh đồng màu mỡ bát ngát.
Đền trông về hướng Nam, phía con sông Gia Loan xưa. Đền được xây theo kiểu chữ Đinh, phía trước là một khoảng sân rộng hình bán nguyệt. Địa thế đất, lối kết cấu kiến trúc, rồi tổng thể di tích khiến cho ta cảm thấy Gia Loan như hoa trong không gian thiên nhiên rộng lớn. Hiện nay không có lưu giữ một tài liệu nào để biết được niên đại xây dựng của đền Gia Loan. Theo nhà sử học Phan Huy Chú đã liệt di tích núi Nguyễn Gia (nơi có Gia Loan từ) vào hàng cổ tích của vùng Tam Đái. Qua dáng dấp và kiểu cấu trúc của ngôi đền cho thấy di tích đã được tu sửa lại nhiều.
Toà tiền tế đền Gia Loan, mái lợp ngói mũi cổ rêu phong, phía trước xây 2 cột đồng trụ nhỏ, nối liền với tiền tế bởi 2 bức tường đắp phù điêu võ sĩ. Dù không bề thế về quy mô kiến trúc, song với 3 cửa ra vào (loại cửa 2 cánh) tiền tế đền Gia Loan có một nội thất thông thoáng. Lòng nhà gồm 3 gian rộng 7,05m dài 5,7m; kích thước các gian không đều nhau, gian giữa rộng hơn, xây gian thờ làm nơi tế lễ, 2 gian nhỏ 2 bên cao hơn gian giữa 0,3m là nơi tụ họp của dân làng. Bộ khung gỗ cửa toà nhà đã bị sửa biến dạng nhiều. Tuy vậy vẫn rất vững chãi theo kiểu quá giang gối tường. Toà tiền tế có 4 cột gỗ cao 2,95m, đường kính 0,2m, các cấu kiện gỗ trên bộ vì như xà nách, kẻ ngồi đều bào trơn đóng bén.
Hậu cung đền Gia Loan gồm 2 gian thờ dọc dài 2,37m, rộng 7,5m có 2 cửa ra vào làm theo kiểu cửa vòm; lòng nhà hậu cung cao hơn tiền tế 0,3m. Phần chính giữa hậu cung và tiền tế không tạo cửa mà để trống, xây ban thờ. Phía trong cửa vòm ở hai bên hậu cung là 2 ban thờ của Nguyễn Khắc Khoan.
Bộ khung gỗ của toà hậu cung chắc chắn với 2 bộ vì được làm giống nhau theo kiểu giá chiêng, có 4 cột gỗ cao 3,85m, đường kính 0,2m, các cấu kiện gỗ trên bộ khung cũng đều được bào trơn, bào soi đóng bén chắc, khoẻ. Thượng cung chiếm trọn gian trong của hậu cung đều được làm bằng gỗ theo kiểu giật cấp 1,2m đến 1,6m nơi đặt tượng thờ cao nhất.
Hiện nay, Đền Gia Loan còn lưu giữ được nhiều di vật đa dạng, phong phú. Đó là các bức phù điêu bằng gỗ.
Phù điêu trạm nổi tượng Nguyễn Khắc Khoan. Tượng ngồi trên ngai với hình dáng sống động, cầu kỳ sơn son thếp vàng lộng lẫy, uy nghi. Tượng cao 0,7m, đầu đội mũ trụ có 2 dải chấm xuống trên vai, mũ chạm nổi nhiều hoạ tiết “Lưỡng long chầu nhật”. Khuôn mặt phương phi, nghiêm nghị, tai to, mắt xếch nhìn thẳng, mồm mím lại, tay phải cầm thẻ bài để ngửa trên đùi, tay trái úp lên đùi, chân đi hài cong. Tượng mặc áo long cổn đai trễ chạm chữ thọ. Tay áo rất rộng, mềm mại rủ xuống tận chân, phần ngực áo chạm “lưỡng long chầu nhật”, thân áo chạm “long mã phụ đồ”, cuối thân áo lại viền bằng hoa văn thuỷ ba, đan xen vào toàn thân áo chạm nhiều hình mây cụm.
Ngai thờ ở đây chỉ được thể hiện rõ phần chân đế, bề ngang 0,5m, phần chạm nổi 0,08m tạo dáng theo kiểu chân quỳ dạ cá chạm nổi trang trí hoa văn kỷ hà.
Như để tạo thêm vẻ uy nghi, linh thiêng cho một pho tượng thờ, một hình ảnh tái tạo một nhân thần, các nghệ nhân dân gian xưa đã chạm nổi thêm một đôi rồng chầu với các hình ảnh mây cụm 2 bên thân tượng tạo thành những ánh hào quang tỏa ra thật rực rỡ, uy nghi. Rồng thân mảnh mai được chạm rõ từng nét vảy cuốn lượn từ trên xuống, đầu uốn cong, ngẩng cao cùng chầu vào 2 bên phần ngực tượng, đầu rồng hơi to, quá khổ so với thân, mũi lồi, mồm há dữ tợn, bờm tóc vuốt ngược, chân rồng 4 móng dang rộng như đang đạp trên mây cụm.
Phù điêu chạm nổi tượng hai bộ tướng. Hai bức phù điêu này đặt trên ban thờ ở hai bên phía ngoài cùng hậu cung, có cùng kích thước cao 0,6m, ngang 0,3m. Đồ gỗ còn một số bàn thờ, nghi môn, đại tự và đôi câu đối treo ở hậu cung đền, ở hai bên ban thờ:
Nguyễn Gia Loan chi gian thập nhị xứ quân kỳ nhất
Ngô Vương kỷ nhi hậu, thiên bách dư niên vu kim
Tạm dịch:
Thời Nguyễn Gia Loan, 12 xứ quân ông giỏi nhất
Sau kỷ Ngô vương nghìn năm lẻ đến nay
Về đồ giấy hiện còn 2 cuốn ngọc phả: 1 cuốn được lưu giữ tại đền có niên đại “Hoàng triều Vĩnh Hựu thập bát niên”. Nghĩa là ghi vào niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 18 (1752).
Một cuốn được lưu giữ tại bảo tàng Vĩnh Phúc niên đại Hoàng triều Vĩnh Hựu lục niên, nghĩa là ghi vào niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 6 (1740).
Ngoài ra, tại Đền Gia Loan còn lưu giữ 5 đạo sắc phong:
- Cảnh Hưng tam niên, thập nhất nguyệt, nhị thập nhị nhật (Cảnh Hưng năm thứ 3, tháng 11 ngày 22, tức ngày 22/11/1742).
- Phong sắc Đương cảnh Thành Hoàng Quảng Trí Đại Vương, Nhẹ Nhời tướng quân đại vương; Ôn Nhời tướng quân đại vương, Ả Nữ Nương Đề Công chúa; A công Hoàng Nương công chúa”.
- Lê Chiêu Thống nguyên niên, Tam nguyệt, nhị thập nhị nhật (Lê Chiêu Thống ngày 22/3/1787).
- Tự Đức tam niên, thập nhị nguyệt, sơ lục nhật (Tự Đức năm thứ 10, ngày 6/12/1857).
- Duy Tân tam niên, bát nguyệt, thập nhất nhật (Duy Tân năm thứ 3 ngày 11/8/1909).
Các phong tục lễ hội liên quan đến di tích:
Ngày 8 tháng giêng, ngày sinh của ông, lễ dùng: ngày bắt cá sống tiến dâng (tiệc Đả Ngư).
Ngày 10/4 âm lịch, ngày hoá của ông lễ dùng: trâu, bò.
Ngày 10/5 âm lịch ngày hóa của 2 bà vợ lễ dùng: lợn, gà, xôi, rượu.
Ngày 22/11 âm lịch ngày phong sắc, lễ dùng trâu, bò, ca hát 1 đêm.
Ngày nay đến Gia Loan là nơi nhân dân địa phương dùng làm nơi sinh hoạt tâm linh, tế lễ vào các ngày sinh, ngày hoá, ngày tết Trung thu để ghi nhớ công lao của vị nhân thần có công với nhân dân trong vùng, là nơi vãn cảnh của du khách thập phương.
Đền Gia Loan được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 1996.
ST