Hệ thống phân phối tại Việt Nam do doanh nghiệp Thái Lan quản lý ngày càng nhiều, nguy cơ hàng Việt mất chỗ đứng ngay trên sân nhà càng cao.
Ở đâu cũng có thể dễ dàng tìm thấy hàng tiêu dùng Thái Lan.
Hiện nay, từ các hệ thống bán lẻ lớn đến những siêu thị và cửa hàng nhỏ ở sâu trong các khu dân cư, ở đâu cũng có thể dễ dàng tìm thấy hàng tiêu dùng Thái Lan. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các mặt hàng từ Thái Lan, hàng Việt đang đứng trước thách thức đổi mới toàn diện từ giá cả, chất lượng, bao bì...để có thể cạnh tranh.
Tính đến thời điểm hiện tại, 4 đại siêu thị được coi là lớn nhất Việt Nam là Mega Market (tên gọi cũ là Metro) với 19 siêu thị, B’s Mart có 75 cửa hàng tiện lợi (định hướng mở 3.000 cửa hàng), Big C có 32 siêu thị, Robinson với chuỗi siêu thuộc doanh nghiệp Thái Lan. Nhiều siêu thị lớn, các doanh nghiệp Thái Lan cũng góp mặt là cổ đông chính như Central Group nắm 49% cổ phần của Nguyễn Kim…Ngoài ra, hệ thống cửa hàng tiêu dùng Thái Lan cũng xuất hiện từ thành thị về nông thôn, từ chuỗi siêu thị lớn cho đến những cửa hàng nhỏ ở sâu trong các khu dân cư.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi các hệ thống phân phối tại Việt Nam do doanh nghiệp Thái Lan quản lý ngày càng nhiều, nguy cơ hàng Việt mất chỗ đứng ngay trên sân nhà càng cao. Nhất là với mặt hàng gia dụng, hàng Thái Lan có mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý và chất lượng tốt hơn so với hàng Việt Nam.
Bà Đặng Thị Hằng, quận Hoàn Kiếm và bà Nguyễn Thị Lan, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Hàng gia dụng như xà phòng dùng cảm thấy sạch hơn của mình. Ngay cả xoong, nồi các loại mẫu mã rất đẹp. Giá cả thì gần như sang ngang với hàng Việt Nam. Hàng hóa của mình muốn cạnh tranh được thì giá phải khác đi, cần cải tiến mẫu mã, chất lượng. Đặc biệt chất lượng phải nâng lên. Nếu chất lượng tốt hơn, tôi chắc chắn người Việt Nam sẽ dùng hàng Việt Nam.”
Khoảng cách địa lý gần cùng những chính sách cởi mở về thuế quan của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cũng khiến khả năng cạnh tranh của hàng Thái sẽ cao hơn. Theo các doanh nghiệp Việt chuyên nhập khẩu hàng Thái, việc vận chuyển hàng hoá từ Thái Lan về Việt Nam rất đơn giản, tiện lợi, chỉ cần sau một ngày đêm có thể về đến Việt Nam. Các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ cần ở nhà chọn mẫu online và phía Thái Lan sẽ hỗ trợ đóng gói và gửi sản phẩm sang Việt Nam. Thêm vào đó, phía Thái Lan cũng có chiết khấu rất ưu đãi, nên thu hút được nhiều đại lý kinh doanh hàng Thái.
Bà Đinh Mai Loan, chủ một đại lý hàng tiêu dùng Thái Lan ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Hàng Thái Lan về chất lượng đã được khẳng định từ nhiều năm nay rồi. Về mẫu mã cũng khá phong phú. Không phải lo về an toàn như hàng Trung Quốc nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nguồn hàng có thường xuyên. Chiết khấu thì tốt hơn, trong khi hàng Việt giữ chiết khấu chắc chắn quá mà không có sự linh động. Hàng của Thái đưa được chiết khấu linh động tùy mặt hàng nên chúng tôi có thể bán cho người tiêu dùng với giá hợp lý hơn, đáp ứng thị hiếu cho khách hàng của mình.”
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định, doanh nghiệp Thái đang thực hiện chiến lược vừa chiếm lĩnh phân phối bán lẻ, vừa đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam để tạo ra chuỗi kinh doanh khép kín. Doanh nghiệp Thái Lan lại làm ăn nghiêm túc, bài bản nên chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Ông Vũ Vinh Phú khẳng định, đã đến lúc doanh nghiệp Việt cần phải suy nghĩ nghiêm túc về đối thủ để nâng cao sức cạnh tranh bởi trong kinh doanh, ai nắm được kênh phân phối sẽ giành phần thắng.
“Thái Lan có thế mạnh về hàng nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần phải vươn lên về mặt chất lượng, giá cả, tiếp thị, mối quan hệ giữa sản xuất và phân phối. Ngoài ra, phải xây dựng thương hiệu cho phân phối và sản xuất, làm ăn tử tế, trách nhiệm đến cùng với người tiêu dùng. Rõ ràng phải thừa nhận cái này chúng ta yếu. Muốn cạnh tranh được bây giờ ngoài sự hỗ trợ chính sách của nhà nước, các doanh nghiệp buộc phải có sự vươn lên rất mạnh mẽ, nếu không chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà”, ông Phú cho biết.
Trong quý 1 năm nay, sức mua hàng Thái Lan của thị trường Việt Nam lên tới 1,8 tỷ USD. Năm 2015, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan lên tới 8,3 tỷ Usd. Để cạnh tranh với hàng Thái Lan, doanh nghiệp Việt không còn cách nào khác phải liên kết, cải cách toàn diện, cho ra những hàng hoá có chất lượng, nâng cao năng suất, giảm giá thành, cần liên kết thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng, nhất là chuỗi bán lẻ trên thị trường./.
Theo Vân Anh/VOV.VN