Dòng sông Phan như dải lụa đào nằm vắt qua huyện Bình Xuyên. Đoạn chảy qua địa phương Hương Canh gọi là sông Cánh. Mỗi khúc sông Cánh lại có tên riêng như sông Cọn, sông Cầu Treo, sông Cầu Sổ… Tuy tổng chiều dài chỉ chừng 6km nhưng sông Cánh xưa có nguồn thuỷ sản phong phú, từ con lớn nhất như cá măng đến con bé nhất như cá lành canh, lại còn có cả nghêu, trai, ốc, hến, ba ba và cá đuối nước ngọt nữa.
Món canh cá chép
Đáng kể nhất là ba loại: cá bò, cá nheo, cá chép. Từ lâu, nơi đây đã truyền miệng câu nói: “Cá bò cầu Treo, cá nheo gành Thượng”.
Đoạn sông Cánh chảy qua cầu Treo nước chảy rất xiết, xoáy xuống thành vực sâu không bao giờ cạn. Chân cầu Treo được kè nhiều lớp đá hộc và đá cuội lớn nên càng lôi cuốn lũ cá bò đến sinh sống.
Cá bò rất khó đánh bắt bằng chài lưới. Thợ câu cá chuyên nghiệp có hạng ở làng Cánh, với tài điêu luyện câu cá bằng cả hai tay hai chân, một lúc điều khiển bốn cần câu có mồi nhử bí truyền của gia đình sáng chế, có ngày câu được chục con cá bò giá trị bằng cả trăm con cá khác.
Cá bò lưng màu hồng, bụng màu vàng, nhác trông như con cá trê lớn, nhưng có dáng hùng dũng như cá mập con. Chúng thường chỉ nặng 5 - 7lạng, hiếm thấy con lớn trên 1kg. Cá bò có hai ngạnh, có chất độc rất nguy hiểm; người bắt mà bị nó đánh ngạnh sẽ đau buốt và sưng tấy, có khi còn phải đưa đi cấp cứu. Bù lại, thịt cá bò rất thơm ngon, không tanh và ít xương. Đem nấu canh, nấu sáo hoặc giã chả đều ngon. Nếu lọc thịt, bóp riềng mẻ, nướng trên bếp than hồng sẽ thơm nức cả xóm làng. Cá bò là món ăn cao giá chỉ nhà giàu mới hay ăn.
ành Thượng có miếu Thượng giáp với bờ sông. Để tránh sụt lở, các cụ xưa đã thuê hàng đoàn thuyền tam bản chuyên chở đá về xếp kè rất vững chắc, do đó tạo nơi cho cá nheo sinh sản. Cá nheo ở đây nặng chừng 1,5 - 2,5kg, có màu vàng óng ánh đen hoa nheo. Cá nheo cũng có ngạnh nhưng không độc mặc dù rất có nhiều nhớt. “Nhớt đổ cho nheo. Cá nheo chỉ có xương sống nhỏ, không có xương dăm; thịt rất thơm, đem nấu món gì cũng rất ngon. Cá nheo tháng mười đem nấu canh dưa cải mã sẽ là món ăn nhớ đời cho khách gần xa. Đây cũng là thực phẩm hợp với tuổi già. Con cháu đem biếu ông bà cha mẹ con cá nheo to còn tươi sống đang lội trong chậu là tỏ lòng hiếu lễ và kính lão đắc thọ.
Cá bò- cá chépCá chép thì xưa rất nhiều. Suốt từ địa phận xã Tam Hợp xuống đến giáp xã Sơn Lôi, chỗ nào cũng có. Những người đấu thầu sông, cuối tháng ba đầu tháng tư ta, có mưa rào, nước trong đồng bắt đầu chảy ra sông thì đem tre chắn năng ngang sông, quãng Bờ Đáy. Lúa chiêm đồng gặt xong cũng bắt đầu nảy lúa trau. Suốt mùa mưa lũ, nước sông dâng ngập các chân chiêm đầm, cá lên sinh sống, ăn lúa trau và các chất phù du, lớn nhanh trông thấy. Tháng tám ta, nước cạn dần, cá bắt đầu rút xuống sông. Người thầu bắt đầu đánh cá thăm dò. Đến tháng mười ta thì mở hội đánh cá. Tuy người đấu thầu có đóng góp với làng xã và có chủ quyền hẳn hoi nhưng trước ngày đánh cá đều thông báo cho dân làng biết. Đến đúng ngày đánh cá, già trẻ lớn bé trong làng, kể cả người các xã Tam Hợp, Quất Lưu lân cận cũng kéo đến đông nghịt lòng sông. Những người đấu thầu thì kéo lưới; các người khác thì mang nơm, mang chụp đến úp; người không mang theo ngư cụ thì lặn và mò bắt bằng tay. Không hiểu sao năm nào cũng bắt, hàng trăm người bắt, bắt đi bắt lại nhiều lần, mà vẫn nhiều cá đến thế! Chỉ tính những người bắt tay không thôi cũng đã thấy nhiều. Có người được dân làng mệnh danh là rái cá, một lượt lặn xuống vực Cầu Treo mà bắt được năm con chép: 1 con cắn ngang miệng, 2 con gặp hai nách, 2 con cầm hay tay; lên khỏi mặt nước, lội vào bờ, giao cho con giữ, lại xuống hụp, cứ thế suốt ngày được mươi cân cá. Mọi người tự do đánh bắt, được bao nhiêu lấy bấy nhiêu, không ai cấm đoán xua đuổi gì, đúng là ngày hội cá.
Cá chép sông Cánh béo nây, màu vàng ươm, bụng toàn mỡ, thịt chắc ngọt, không có xương dăm, rán, nấu, sào, sáo, hấp, kho kiểu gì cũng ngon tuyệt.
Hội đánh cá trùng với vụ gặt mùa, trong xóm ngoài làng đông vui náo nhiệt để lại một ấn tượng mạnh mẽ trong lòng mọi người. Kể cả sau Cách mạng Tháng Tám, cán bộ, bộ đội và những người đi làm ăn xa thường thu xếp công việc để có dịp về, lại còn rủ cả bạn bè về ăn cơm gạo tám với “cá làng”.
ST