Cập nhật: 08/06/2016 08:51:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chữ “cúng” dùng trong tổ hợp từ như: “cúng lễ”, “cúng bái” hay “cúng cấp” là một nghi thức dâng lễ vật lên thần thánh theo một tín ngưỡng và tục lệ cổ truyền. Tiến hành như sau:

Khi đã đặt các đồ lễ lên ban thờ, thắp đèn hương, vị cai đám trong vai trò là chủ lễ vào làm lễ nghênh thần, lễ 4 lễ.

Lễ xong, vị cai đám quỳ trước ban thờ, hai tay chắp ngang trán. Trong lúc đó một vị quan viên rót rượu vào 3 chiếc chén đặt trên đài, đồng thời một quan viên quỳ xuống bên cạnh chủ lễ đọc bài văn cúng dán sẵn ở bảng chúc, gọi là “độc chúc”.

Đọc chúc xong, rót rượu lần thứ 2, cũng vào 3 chén đặt ở trên đài. Vị chủ lễ làm lễ tiếp 2 lễ.

Rượu lại được rót tiếp lần thứ 3, rồi vị chủ lễ lễ tiếp 4 lễ nữa.

Cộng nghi thức cúng lễ là một tuần hương, 3 tuần rượu và 10 lễ (thập bái).

ảnh mang tính minh hoạ

Sau đó chúc văn được đem đi đốt. Vị chủ lễ bước ra khỏi chiếu lễ. Các vị quan viên lần lượt theo thứ bậc tiếp tục làm lễ rồi đến dân làng. Lễ cúng đến đây hoàn tất.

Lễ cúng thường cử hành vào các năm không mở lễ hội lớn, không mở rộng gọi là “Sái”. Chữ “Sái” có nghĩa là mọi nghi thức cúng, lễ vật dâng cúng đều rút bớt lại. Trái với chữ “Phong” nghĩa là thịnh, mọi việc cúng lễ đựơc mở mang ra, thường có lễ rước, lễ tế và các trò hội mang yếu tố “sự thần” theo lệ tục. Sự khác biệt giữa lễ cúng và lễ tế là: Lễ cúng chỉ trải một chiếc chiếu ở trước nhang án; Chỉ nổi chiêng trống (trống cái) nhưng không cử nhạc, không có phường bát âm.

Nhiều làng xã ở Vĩnh Phúc, các ngày cúng thần chỉ có lễ cúng mà không có lễ tế, nhất là các xã thuộc khu vực miền núi, các làng bản của các dân tộc đông dân cư như: Cao Lan, Sán Dìu, dân tộc Dao, mặc dù mỗi cộng đồng dân tộc đều có các nghi thức cúng lễ khác nhau.

ST

Tệp đính kèm