Lạc Trung là một thôn của xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong kháng chiến chống Pháp, Bình Dương là một xã nổi tiếng về chiến tranh du kích, đánh địch, giữ làng. Vì thế, trong những năm bị thực dân Pháp kìm kẹp, Bình Dương là một trong những xã bị địch tàn phá nặng nề nhất. Hàng trăm ngôi nhà bị đốt, ruộng vườn bị phá, cây cối bị xe tăng, đại bác của địch quần nát. Cả xã hoang tàn như sa mạc.
Hòa bình lập lại, nhân dân Bình Dương đã khôi phục lại cuộc sống trên đống tro tàn, đổ nát. Là nông dân, ai cũng hiểu giá trị của màu xanh cây cối trên đường làng, ngõ xóm, trong vườn tược và màu xanh của đồng ruộng.
Sau những tháng ngày khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, Bình Dương khắc phục dần những tổn thất do địch gây ra trong chiến tranh. Từ năm 1958- 1960, Bình Dương đã hoàn thành tập thể hóa nông nghiệp với 100% hộ nông dân vào làm ăn tập thể trong HTX nông nghiệp. Thôn Lạc Trung đã hoàn thành việc xây dựng HTX nông nghiệp bậc thấp và có phong trào trồng cây khá của xã. Từ phong trào của thôn, Lạc Trung trở thành một điển hình về trồng cây của xã, rồi của huyện, của tỉnh và cả miền Bắc.
Năm 1961, là năm thứ hai thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch về trồng cây gây rừng, thôn Lạc Trung đã đạt kết quả rất lớn. Từ bình quân chung toàn huyện 2 cây một người năm 1960, Lạc Trung đã đạt con số 10 cây một người. Với thành tích như vậy, Lạc Trung đã nổi tiếng toàn miền Bắc. Thật bất ngờ, nhưng thật xứng đáng, Lạc Trung được đón Bác Hồ về thăm ngày 25/1/1961.
Sáng hôm ấy, trời giá rét, Bác về Lạc Trung thăm động viên phong trào. Cùng đi với Người có đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy. Trước khi nói chuyện với cán bộ, nhân dân Lạc Trung và Bình Dương, Bác đi thăm vườn ươm cây của HTX, thăm một số nhà dân, đi dưới những tán cây của đường làng, rồi ra cánh đồng có những hàng cây trồng trên bờ ruộng, ven kênh mương.
Nói chuyện với nhân dân, Bác khen ngợi Lạc Trung nói riêng, Bình Dương nói chung, nhưng cũng nhắc nhở, phê bình các nơi khác trong huyện Vĩnh Tường và tỉnh Vĩnh Phúc chưa trồng cây được như Lạc Trung. Bác nhấn mạnh trồng cây phải trở thành phong trào quần chúng rộng lớn mới có hiệu quả. Bác nói: một người trồng được 1.000 cây không bằng nhân dân cả xã mỗi người trồng 10 cây.
Năm 1961, cả miền Bắc đang bắt đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965) mà nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho CNXH. Đối với nhân dân nói chung, nông dân nói riêng thời kỳ này nhận thức lý luận còn rất hạn chế, để hiểu rõ về CNXH còn là khó khăn rất lớn. Vì thế, về Lạc Trung nói chuyện với nông dân, Bác giải thích thật mộc mạc, “CNXH là mọi người cùng ra sức lao động sản xuất để được ăn no, mặc ấm và có nhà ở sạch sẽ”. Thật là đơn giản. CNXH không có gì cao siêu cả, vì thế nhân dân ta mới hiểu được con đường để đi tới.
Bác quy những điều phức tạp trở nên đơn giản và thật lô gíc. Bác nói: “muốn làm nhà thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải hăng hái trồng cây...”. Có lẽ phong trào trồng cây ở Lạc Trung gây “ấn tượng” tốt với Bác, nên Người rất chú ý đến Lạc Trung, Người muốn từ Lạc Trung phải nhân rộng ra toàn miền Bắc. Bởi vậy, sau 3 ngày về thăm Lạc Trung, Bác viết một bài đăng báo Nhân dân số 2506, ngày 28/1/1961, bài báo có đoạn: “Thôn Lạc Trung (tỉnh Vĩnh Phúc) hồi kháng chiến bị giặc Pháp đốt sạch, không còn một gốc cây nào. Từ ngày có tết trồng cây, HTX Lạc Trung đã có sáng kiến làm như sau:
- Khuyến khích xã viên trồng, đồng thời HTX chỉ định một tổ 3 xã viên phụ trách trồng và săn sóc cây. Nhờ vậy mà hiện nay, hơn 6.000 cây trong thôn đều xanh tốt.
- Khéo “Lấy ngắn nuôi dài” tức là trồng cây xen kẽ chuối và muồng giữa những hàng cây xoan. Thành thử, mỗi năm đều có thu hoạch chuối để bán, muồng để ủ phân...
- Năm trước ươm giống, để năm sau trồng.
Nhờ trồng cây có kế hoạch, mà từ một thôn trơ trọi, chỉ trong vài năm Lạc Trung đã trở nên xanh tươi nhất trong cả huyện Vĩnh Tường”.
Đến ngày 30/12/1961, trên số 2839, Báo Nhân dân, Bác lại viết: “Lạc Trung (trong kháng chiến bị giặc Pháp đốt trụi) đã trồng được hơn 4 vạn cây. Làng xóm trở nên xanh tốt, lại đã thu được hơn 1.000 đồng, nay Lạc Trung đã hợp nhất với hai HTX Hà Phú và Hà Trì thành HTX Hồng Phong đã trồng được gần 94.000 cây, bình quân mỗi người 52 cây.
Vì sao họ đạt được thành tích tốt? Vì cá nhân thì chăm chỉ và chuyên cần, họ bền chí như ông già rời núi, tập thể họ biết cách làm. Họ cử những cụ già hăng hái lập thành những tổ chuyên trách trồng cây, các xã viên đều tùy khả năng mà giúp sức, các em nhi đồng thì có những đội bảo vệ cây cối. Họ thực hiện khẩu hiệu “Yêu cây như yêu con”. Đó là nguyên nhân thắng lợi của họ...”.
Rất hiếm có một nơi nào mà Bác vừa đến tận nơi thăm động viên, rồi lại viết báo Đảng để tuyên truyền “kinh nghiệm”, nhân lên thành điển hình tiên tiến. Lạc Trung coi đó là một hạnh phúc to lớn. Như để không phụ lòng Bác, từ phong trào trồng cây, Lạc Trung đã được Đảng, Nhà nước phong 1 Anh hùng lao động, đó là cụ Võ Văn Tần, một cán bộ miền Nam tập kết về sống tại xã Bình Dương. ở thôn Lạc Trung hồi đó có một tổ trồng cây 5 người, có một người là thương binh chống Pháp hạng 3/4 làm tổ trưởng trồng cây, lập nhiều thành tích xuất sắc, được bầu kiện tướng và chiến sỹ thi đua trồng cây 3 năm liền (1960-1962), được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng 3. Đó là cụ Lê Văn Bốn.
Những tình cảm mà Bác đã ưu ái dành cho Lạc Trung ngày ấy, thực sự là những phần thưởng cao quý. Từ sau ngày Bác về thăm, cán bộ, đảng viên và nhân dân Lạc Trung nói riêng, xã Bình Dương nói chung đã thực hiện tốt lời dạy của Bác, đạt thành tích xuất sắc không chỉ về trồng cây, mà trở thành một đơn vị điển hình về nhiều mặt của huyện Vĩnh Tường và của cả tỉnh Vĩnh Phúc.
ST