Đó là bốn làng Xuân Mai, Xuân Phương, Xuân Thượng, Xuân Bến thuộc. Trước đây có tên là Kẻ He hay làng Mơi (Xuân Mai), làng Chợ hay làng Triền (Xuân Phương), làng Thượng (Xuân Thượng), làng Bến (Xuân Bến) hợp thành xã Xuân Hy huyện Kim Hoa cũ, nay được đổi tên thành các thôn hành chính đều bắt đầu bằng chữ Xuân của phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên.
Cả bốn làng đều có các di tích thờ Tướng quân Ngô Miễn hay còn gọi là Ngô Tướng Công. Theo lịch sử, Ngô Tướng Công sinh năm 1371 tại Kẻ He (nay là Xuân Mai), xuất thân là một trí thức nho giáo, đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan với nhà Trần đang suy thoái, ông về quê mở trường dạy học. Thấy nhân dân đói khổ ông đã đem ruộng đất của nhà mình và mua thêm 72 mẫu ruộng chia cho dân chúng nghèo khổ cuả bốn làng Mai, Thượng, Triền, Bến để họ làm ăn sinh sống. Thấy quê nhà đất chật người đông, trong khi bốn phương còn nhiều nơi để hoang hóa, ông còn xin ra khai phá khu vực ven biển ở xứ Sơn Nam tức vùng thuộc tỉnh Nam Định ngày nay. Được cho phép ông liền dẫn người của bốn làng đi khai hoang lấn biển, lập ấp. Vùng đất này nay thuộc huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Ruộng đất khai phá được đến đâu chia đều cho dân tới đó. Đây có thể nói là một tư tưởng mới đối lập với tình hình chiếm đoạt ruộng đất để xây dựng điền trang của lớp quý tộc thời đó. Sau này ông còn 2 lần tham gia chống quân Minh dưới triều Hồ, khi bị giặc bắt, ông đã tuẫn tiết ở cửa bể. Cựu quán (quê hương cũ) tức bốn làng Xuân nay thuộc Phúc Thắng (Phúc Yên-Vĩnh Phúc) và Tân Ấp (Xuân Thủy – Nam Định) đều lập đền thờ ông. Hai nơi vẫn giữ được mối quan hệ thân thiết, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp thiên tai, địch họa. Khi Xuân Thủy bị bão lụt thì Phúc Thắng đến thăm hỏi, giúp giống, vốn và ngược lại khi Phúc Thắng bị giặc Mỹ đánh phá thì Xuân Thủy đem đồ đạc giường chiếu chăn màn đến thăm hỏi.
Vì Ngô Tướng Công có công đức rất lớn đối với nhân dân 4 làng Xuân nên làng nào cũng thờ cúng ông như bậc thánh thần rất trọng vọng. Tưởng nhớ sự kiện Ngô Tướng Công đưa dân dời làng đi khai hoang lập ấp, hàng năm 4 làng lại Mai, Thượng, Triền, Bến lại mở lễ hội rước đêm để tái hiện lại khung cảnh thuở ấy như một lễ kỷ niệm về Tướng quân Ngô Miễn.
Tương truyền, Ngô Tướng Công sống rất công bằng, bình đẳng, khiêm tốn, hiếu thảo với tổ tiên, dân làng. Trước khi đưa một số dân đi khai hoang lấn biển, ông đã bàn với dân làng ở quê nhà đặt các ngày 09-10-11 tháng Giêng, làm chay cúng Phật cho tổ tiên bên nội bên ngoại của ông. Ông còn phân chia đều cho mỗi thôn làm trưởng hội một năm. Theo thứ tự là Kẻ He tức Xuân Mai -> làng Triền tức Xuân Phương -> làng (Xuân) Thượng ->làng (Xuân) Bến rồi lại trở về Xuân Mai.
Trước đây việc chuẩn bị cho lễ hội bắt đầu từ ngày mùng 4 tháng Giêng. Khi đó bốn làng, mỗi làng cử ra một “con cờ” tức là chọn ra một trai đinh, đội khăn đỏ, tu lễ ra đền của làng nào nhận vai trò trưởng hội năm đó, sau đó bốc thăm để lập thứ tự làm lễ. Trong đó làng trưởng hội là đã được định sẵn theo thứ tự từng năm để đón 3 làng kia, không phải bốc thăm. Làng đã làm trưởng hội năm trước thì năm sau cũng không phải bốc thăm, đến ngày lễ hội chỉ hành lễ vái tạ bình thường, gọi là làng “tuần lã”. Con cờ hai làng còn lại phải bốc “nhất, nhị”. Làng nào được con nhất thì sẽ được lấy cờ đỏ, lễ trước, làng nào bốc con nhị thì lấy cờ trắng, lễ sau.
Vào ngày mùng 7, hội đã được mở với các trò chơi dân gian như chọi gà, đánh đu, vật… . Ngoài ra còn có các đám hát, phường chèo diễn ca ở sân đình. Ở đình hay đền thờ mỗi làng đều có tế lễ, dâng hương hoa phẩm oản.
Tối mùng 9 bắt đầu rước về làng trưởng hội. Làng nào trưởng hội năm trước thì cùng các làng còn lại rước về làng trưởng hội năm sau. Đội rước gồm có: Đội cờ đi đầu, tiếp đến là phường bát âm. Theo sau là 2 “ông hồng, ông bạch” tức là 2 ngựa thờ được sơn màu đỏ và trắng bằng gỗ có gắn bánh xe do 2 người đẩy đi. Tiếp theo là một xe đèn đóng bằng gỗ kích thước khoảng 1,2m x 1,9m, cao 1,3m trông tựa như một án gian, cũng được gắn bánh xe đẩy đi theo sau “ông hồng, ông bạch”. Bên trên mặt xe đèn sắp các đồ thờ và lễ vật như: ống hương, cây nến, bát hương, đèn thờ, mâm bồng, nải quả, chè kho, bánh dày (toàn đồ chay). Tiếp đến là 16 ông “xôn” của bốn làng. Ông “xôn” là người làng cử ra để cung phụng nhà đền. Ông xôn kể từ ngày 16 tháng Mười âm lịch trở đi, ngày nào cũng phải ra đền, phải ăn chay cho đến khi nào hết lễ hội, không được ăn hành, tỏi và những thứ có mùi hôi, không được “gần gũi” phụ nữ. Nếu phạm vào những điều trên thì khi rước sẽ không được thông suốt, có năm xe đèn không đẩy đi được. Sau xe đèn là quan viên lý dịch, chức sắc trong các làng và đám đông dân chúng. Toàn đoàn rước được rọi sáng bởi những cây đuốc dài 2m trên tay các trai đinh. Khung cảnh như tái hiện lại việc di dân đi lập ấp ngày trước.
Đến gần làng trưởng hội thì đã có sẵn người ra đón, đến nơi, làng trưởng hộ năm trước bàn giao các đồ thờ, rước cho làng trưởng hội năm này, có lý dịch đứng ra lập biên bản cất giữ để sang năm lại rước và bàn giao cho thôn khác. Sáng mùng 10 tổ chức tế 3 tuần theo thứ tự: Làng trưởng hội, làng “nhất” – cờ đỏ, làng “nhị” – cờ trắng. Làng “tuần lã” chỉ lễ bái rồi ra. Tan lễ tế thì tổ chức giã hội với các trò vui chơi văn nghệ, trò chơi dân gian: cờ người, kéo co, nấu cơm thi, bịt mắt đập niêu… Ngày 12 thường có tiệc mặn để kết hội.
Ngày nay, do điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đường giao thông Quốc lộ 2 mở rộng, cắt chia địa giới 4 làng nên sự liên kết trong việc tổ chức lễ hội đã không còn. Làng nào có đền làng ấy chỉ tổ chức rước xách quanh làng mình. Lễ hội thường bắt đầu vào ngày 9 tháng Giêng, cáo tế rồi đêm đến rước đèn đuốc 1 vòng quanh làng; sáng mùng 10 là chính tế; 11 tế tạ. Có làng cũng không tổ chức được đám rước mà chỉ tế lễ dâng hương như Xuân Bến, Xuân Phương. Lễ vật ngày nay thường gồm hoa quả, phẩm oản. Có nơi bỏ cả lệ cỗ chay mà cúng xôi gà, nhưng cũng không cúng vào chính tế mà chỉ cúng vào ngày cuối cùng khi giã hội (Xuân Mai). Đội tế cũng không giữ được như trước, có làng là đội nam tế (trước đây là các “ông xôn”), xong có làng như Xuân Thượng lại lập đội nữ tế. Cũng không còn nơi nào thực hiện các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian rầm rộ như trước nữa.
Có thể nói đây là một trong những lễ hội tiêu biểu và đặc sắc không chỉ của riêng Phúc Thắng- Phúc Yên mà của Vĩnh Phúc nói chung, gắn với một danh tướng của dân tộc, với một hình thức rước đêm hiếm có. Vì thế trong thời gian tới rất cần thiết phải có sự quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu để khôi phục, bảo tồn và phát huy lễ hội này như một trong những giá trị văn hóa phi vật thể riêng có của Phúc Yên- Vĩnh Phúc.
ST