Báo cáo nghiên cứu Hệ thống đăng ký hộ khẩu của 5 tỉnh, thành phố, có ít nhất 5,6 triệu người dân hiện không có hộ khẩu ở nơi họ cư trú.
Vừa qua, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam”.
Báo cáo nghiên cứu Hệ thống đăng ký hộ khẩu của 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương và Đăk Nông cho thấy: Có ít nhất 5,6 triệu người dân hiện không có hộ khẩu ở nơi họ cư trú. Trong đó, có 36% dân cư của thành phố Hồ Chí Minh và 18% dân cư của Hà Nội.
Những người không có hộ khẩu thường trú làm việc chủ yếu ở khu vực tư nhân, phần lớn trong lĩnh vực chế tạo và chiếm 3/4 tổng số nhân viên của các doanh nghiệp nước ngoài. Họ thường khó có cơ hội làm việc trong khu vực công và gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ, đặc biệt về giáo dục, bảo hiểm y tế cho trẻ em, tiếp cận tín dụng và các thủ tục dân sự.
PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Viện phó Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, hệ thống đăng ký hộ khẩu không còn phù hợp trong điều hành và quản lý xã hội ở Việt Nam vốn đang thay đổi lớn theo định hướng đổi mới và hội nhập quốc tế. Hệ thống này cần được thay thế bằng những công cụ hiện đại và khoa học hơn. Qua đó tạo điều kiện dễ dàng hơn cho cuộc sống người dân.
“Trong nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng, có những thủ tục không cần đến hộ khẩu nhưng nhà quản lý hay người xử lý thủ tục đó vẫn đòi hỏi hộ khẩu, hoặc giấy công chứng về hộ khẩu. Điều này làm cho quá thừa những thủ tục không cần xuất trình, người dân sẽ mất nhiều thời gian để xác nhận trước khi hồ sơ của họ được xử lý.
Đây là vấn đề của cải cách hành chính, chứ không phải đơn thuần là vấn đề một cuốn sổ hộ khẩu được trình ra hay tạm giữ để xem xét. Tôi cho rằng chúng ta đẩy mạnh cải cách hành chính thì đừng quên hệ thống hộ khẩu này” - PGS.TS Đặng Nguyên Anh nói.
Hệ thống hộ khẩu Việt Nam ra đời như là một biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội, kế hoạch hóa kinh tế và quản lý di cư. Tuy nhiên, đa số người dân được khảo sát cho rằng: hệ thống hộ khẩu đã hạn chế quyền lợi của người dân, tạo cơ sở cho tiêu cực, tham nhũng.
Theo Tiến sĩ Gabriel Demonbynes, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, cần có các cải cách hơn nữa để đảm bảo sự bình đẳng cơ hội cho tất cả người dân, trước hết là khả năng tiếp cận các dịch vụ. Có 2 định hướng khả thi cho cải cách là: giảm các rào cản để có người dân có hộ khẩu thường trú, loại bỏ các khác biệt trong tiếp cận dịch vụ giữa người thường trú và tạm trú.
Đặc biệt, giảm thời gian yêu cầu cư trú tối thiểu, hạn chế các quy định mà chính quyền thành phố có thể đặt ra cho người đăng ký hộ khẩu;đảm bảo việc miễn phí bảo hiểm y tế cho tất cả trẻ dưới 6 tuổi; bãi bỏ các quy định cần có hộ khẩu thường trú cho việc làm ở khu vực công./.
Theo Phương Thoa/VOV.VN