Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần có hàng rào kỹ thuật để tăng sức sống cho doanh nghiệp bán lẻ Việt ngay tại thị trường nội địa.
Cạnh tranh trên thị trường bán lẻ VN ngày càng sôi động (Ảnh minh họa: KT)
Cả nước hiện có khoảng 8.660 chợ, 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại và hơn một triệu cửa hàng quy mô nhỏ của hộ gia đình. Trong đó, kênh bán lẻ hiện đại mới đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân, 75% còn lại vẫn phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Dự báo từ nay đến năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng.
Nhà bán lẻ ngoại đang tấn công thị trường Việt
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, doanh số bán lẻ của doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm khoảng 10%, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 86%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 4%. Song rất đáng lưu ý là, tuy các điểm bán lẻ của doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 90 điểm trong tổng số siêu thị cả nước nhưng doanh số bán ra tại một điểm của họ gấp 3-4 lần thậm chí 7-8 lần so với một điểm của siêu thị nội.
Như vậy, thị phần bán ra của các doanh nghiệp FDI dự đoán đạt 30 - 35% thị phần hiện nay, còn lại là thị phần của các doanh nghiệp siêu thị nội địa. Những con số trên cho thấy, thị phần ngành bán lẻ nước ta đang dần thu hẹp.
Hơn nữa, mặc dù Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh, nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người tiêu dùng thuộc hàng trẻ nhất châu Á và ngày càng mạnh tay chi tiêu. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, ngoài cạnh tranh với thị trường truyền thống, hàng loạt các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết với các nước sẽ dần hiệu lực và tác động đến thị trường bán lẻ nước ta. Đó là sự xâm lấn thị phần của nhiều nhà bán lẻ ngoại sẽ khiến doanh nghiệp nội gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc chiến giành thị phần.
Đặc biệt là với xu thế thu nhập của người dân ngày càng tăng, nhu cầu tiêu dùng, thói quen mua sắm cũng dần thay đổi khiến kênh bán lẻ hiện đại ngày càng hấp dẫn người tiêu dùng hơn kênh truyền thống, đặc biệt là tại các đô thị. Điều này đang đẩy doanh nghiệp bán lẻ nội địa nước ta như đang lên sàn đấu trong cuộc chiến không cân sức với nhà bán lẻ ngoại. Bởi lẽ, doanh nghiệp bán lẻ vốn FDI vào thị trường Việt chủ yếu là các đại gia bán lẻ đã rất mạnh trên thế giới. Họ không chỉ có lợi thế về vốn, quy mô mà còn hơn hẳn về tính chuyên nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), nhà bán lẻ ngoại mạnh hơn nhà bán lẻ Việt ở 3 điểm: Tiềm lực tài chính, huy động vốn với lãi suất thấp; kinh nghiệm quản lý; có đầu tư nghiên cứu thói quen của người tiêu dùng và sức mạnh trong liên kết toàn cầu (liên kết từ chuỗi cung ứng sản phẩm, đến tiêu thụ hàng hóa).
Phải có hàng rào kỹ thuật
Trước thực tế này, nhiều chuyên gia và người trong cuộc ngành bán lẻ lo ngại, nếu không chuẩn bị tốt về năng lực cạnh tranh, cùng với sự hỗ trợ tốt từ chính sách vĩ mô của nhà nước về thị trường, nguy cơ doanh nghiệp bán lẻ Việt thua trên sân nhà.
Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), vừa qua dư luận và truyền thông tỏ ra lo lắng rất chính đáng rằng, qua các vụ mua bán, sáp nhập của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ liên quan đến thị trường Việt (như Metro, Big C…) có thể khiến hàng ngoại tràn vào nước ta, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, bản thân khối doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải chủ động đầu tư mở rộng mạng lưới, nâng chất lượng phục vụ và dịch vụ khách hàng. Trong đó, cần lưu ý xây dựng các chuỗi siêu thị, mở rộng hệ thống các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện ích… ở những nơi hiện dù không đông dân cư lắm nhưng cần đi trước đón đầu. Những cách làm này, theo ông Doanh, có thể học hỏi ngay cách mà người Thái, người Nhật đang áp dụng.
Tuy nhiên, theo ông Quyền, cũng phải nhìn nhận dưới góc độ khoa học và hội nhập. Quan điểm nhất quán là mở cửa để hội nhập là tất nhiên vì nước ta đã ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do với mục tiêu hội nhập sâu rộng với thế giới. Nhờ đó, hàng hóa Việt Nam rộng thêm cửa để vào các thị trường nước khác thì ngược lại hàng hóa của các nước bạn cũng tăng cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam.
Qua các vụ của Metro, Big C là doanh nghiệp nước ngoài mua lại của doanh nghiệp nước ngoài; Aeon (Nhật) mua doanh nghiệp trong nước như Fivimart, Citimart nhưng dưới 49%; Saigon Co.op muốn kết hợp với nước ngoài nhưng vốn trên 69%... thì thấy đó là xu thế và việc mua bán, sáp nhập là chuyện bình thường.
Vấn đề quan trọng hơn, theo ông Quyền, “chúng ta mở cửa, phát triển trong nước như thế nào để vẫn bảo đảm nhu cầu hội nhập là câu chuyện của cả nước, không phải riêng doanh nghiệp Việt”.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thành Nhân bổ sung: “chúng ta không thể đóng cửa, nhưng mở cửa phải có hàng rào kỹ thuật. Đó là việc mà các nước như Ấn Độ hay Malaysia đều làm. Cho nên, Việt Nam phải cân đối cả hàng hóa ngoại và thúc đẩy tiêu thụ nội địa để tạo động lực phát triển, giữ vững được sự ổn định thị trường. Bởi nhà bán lẻ nội địa là nơi tiêu thụ hàng hóa nội địa tốt nhất. Đây cũng là việc các nước đều làm. Vì thực chất, doanh nghiệp nội có ưu thế “sân nhà” nên hiểu người Việt và thói quen tiêu dùng của họ hơn.
Một điểm đáng mừng, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang tạo ra các chuỗi liên kết với nhau, ví dụ như Saigon Co.op với Tổng Công ty Thương mại sài gòn; VinGroup với Vinatex, Ocean Mart tạo thành chuỗi cửa hàng tiện lợi VinMart xuất hiện ở nhiều…
Dù vậy, bà Loan cũng khuyến nghị: “để thành công thì doanh nghiệp Việt còn phải nỗ lực và học hỏi doanh nghiệp nước ngoài nhiều hơn”./.
Theo Xuân Thân/VOV.VN