Các thức uống này ai cũng tự nấu được. Tuy nhiên, do mỗi người có mỗi tHỂ tạng khác nhau nên cần lựa chón thức uống phù hợp với bản thân.
Với người “tròn trịa” thì râu bắp, mã đề, thuốc dòi, atiso, uống thích hợp hơn. Đối với người gầy thì rong biển, dưa hấu… sẽ tốt hơn vì vừa mát vừa sinh được tân dịch làm mềm mại da dẻ. Người gầy, thể chất yếu, hay bị cảm, dễ uể oải, hay mệt, gặp nóng thì không có tinh thần làm việc thì kết hợp với mía lau, đường phèn, thuốc dòi, lẻ bạn. Tùy theo mùa mà chọn loại thức uống phù hợp, linh động thay đổi loại thức uống cũng làm phong phú thêm cho thực đơn hàng ngày.
Rong biển: có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều khoáng chất, trong đó đặc biệt là lượng canxi, iốt cao, hàm lượng cholesterol thấp, còn có chất fertile clement là chất không thể thiếu của tuyến giáp trạng, tốt cho thai phụ và trẻ em. Theo y học cổ truyền, rong biển màu đen hoặc xanh, vị mặn, ngọt nhẹ, tính mát, quy vào kinh thận, bổ được thận âm và thận khí. Tạng thận là tạng chủ về thủy, tức là sự tươi mát, dẻo dai của cơ thể. Nước rong biển vì vậy rất thích hợp để bồi dưỡng cho những người gầy yếu, tiêu hóa không tốt, thường cảm thấy nóng lòng bàn tay chân, tiêu bón, da dẻ không mềm mại, khô khát thích uống nước hoài.
Rong biển
Rễ tranh: theo đông y, rễ cỏ tranh có màu trắng hoặc vàng nhạt, vị ngọt, tính hàn, vào các kinh Tâm, Phế, Tỳ, Vị và Bàng quang, có công năng thanh nhiệt (làm mát), lợi tiểu, thanh phế nhiệt (làm mát cái nóng ở vùng ngực, dùng tốt trên người có ho mà nóng ran ngực). Và bởi vì có tính mát, lại lợi tiểu, nên người gầy, suy kiệt nhiều tuy có nóng trong người nhưng hạn chế dùng, vì tiểu tiện dễ góp phần giảm lượng nước trong cơ thể thêm, người sẽ càng nóng nảy.
Rễ tranh và mía lau
Mía lau: thân nhỏ, mảnh hơn so với các loại mía khác, vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, trợ tỳ, kiện vị (giúp ăn ngon miệng), lợi đại tiểu trường (đi tiêu tiểu dễ), làm mát, giảm ho, giảm nóng, giải độc rượu, giải được các sức nóng của thuốc. Đặc biệt, mía lau có tác sinh tân (làm mát bằng cách tạo thêm tân dịch) nên ít gây tác dụng phụ gây lợi tiểu quá mà mất nước, có thể dùng lâu dài. Tuy nhiên, người nóng trong người có ho, gặp lạnh ho lại tăng thì không nên dùng.
Râu bắp: còn có tên gọi là ngọc mễ tu, có chứa nhiều loại vitamin. Theo y học cổ truyền, râu bắp có vị ngọt, tính bình, quy kinh thận, bàng quang, có công năng lợi tiểu, tiêu thũng (giảm phù), thông lợi mật, thanh huyết nhiệt (làm giảm nóng nảy, bứt rứt, mụn nhọt), chỉ huyết. Đối với người mập, tăng axít uric, tăng cholesterol máu, dùng râu bắp làm nước uống hằng ngày rất tốt cho sức khỏe.
Bông cúc: vị ngọt đắng, tính hơi hàn, quy kinh Phế, Can, Thận. Bông cúc có tác dụng giải cảm hạ sốt tiêu viêm, giải độc (làm giảm sưng viêm các mụn nhọt), làm sáng mắt. Vì vậy bông cúc đặc biệt cần thiết cho những người mắt mờ, mắt hay khô cộm, hoặc dễ bị kích ứng mắt, đỏ mắt, mắt nhắm lại thấy nóng, người bị tăng huyết áp nhức mắt, nhức thái dương, nặng nửa đầu, khó ngủ, nửa đêm hay tỉnh. Người ăn uống khó tiêu, dễ lạnh bụng, ăn dễ trúng, dễ tiêu chảy, tay chân bủn rủn, yếu sức không nên dùng.
Mã đề: còn gọi là mã đề thảo, xa tiền thảo, xa tiền tử, nhả én. Tính mát, vị ngọt, quy kinh Can, Phế, tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt. Được dùng làm thuốc thông tiểu, chữa ho lâu ngày, viêm amiđan, viêm bàng quang, đau mắt đỏ tác dụng lợi tiểu, giải độc. Mã đề là một vị phụ thêm vào các loại nước mát, tuy nhiên, không dùng cho người gầy ốm và hay khó tiêu lạnh bụng.
Lẻ bạn (lão bạn): Trong đông y, cây lẻ bạn vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, cầm máu, nhuận phế, giảm ho, giải độc.
Khổ qua: tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, chống say nắng, sáng mắt, nhất là khi bị kiết lỵ do nóng. Khổ qua mắt to sẽ ít đắng hơn khổ qua đèo. Ngoài ra, trong điều kiện trời nóng, những người dễ bị ra mồ hôi hay bị nổi rôm sảy, ngứa, nấu nước khổ qua tắm một lần mỗi ngày làm giảm ngứa rõ rệt.
Ngoài các vị được kể trên, còn rất nhiều dược vị có tác dụng làm nước mát, vô cùng phong phú để lựa chọn như: thuốc dòi, sắn dây, vối, atiso… Nên nhớ nguyên tắc chung: “Nước mát” nên có tính lạnh, mát, thường là có các vị đắng nhẹ, lờ lợ hoặc ngọt nhẹ, tính thanh nhiệt, nên người tạng hàn (dễ bị lạnh, dễ cảm, ăn uống hay trúng…) hoặc đang suy nhược cơ thể, cũng cần dùng cẩn thận. Nước mát tác dụng lợi tiểu, vì vậy nếu dùng lâu dài thay nước uống có thể mất cân bằng điện giải, kém hấp thu một số vi khoáng như: canxi, kali…, dù là tốt, cũng không thể dùng thường xuyên.
BS. ĐẶNG THANH HỒNG AN
Theo suckhoedoisong.vn