Thái Lan xả gạo dự trữ là một trong những yếu tố được xem là ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo thế giới trong đó có Việt Nam.
Việt Nam vẫn đang tích cực tìm thị trường để xuất khẩu gạo. (Ảnh minh họa: KT)
Quyết định mở bán 11,4 triệu tấn gạo lưu kho của Chính phủ Thái Lan được Ủy ban Chính sách lúa gạo Quốc gia Thái Lan phê chuẩn từ tháng 4 vừa qua. Việc xả bán này đã diễn ra trong suốt tháng 6. Trung bình mỗi phiên đấu giá, nước này bán ra khoảng 1 triệu tấn gạo, với hy vọng thu về 100 tỷ baht, tương đương 2,86 tỷ USD nhằm bù vào khoản lỗ trước đó mà nước này gánh chịu trong đợt mua gạo dự trữ.
Trong khi nhiều nước vẫn còn “hoang mang” về việc Thái Lan xả một khối lượng gạo khổng lồ như vậy thì những ngày đầu tháng 7, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết sẽ tiếp tục đấu giá 1,1 triệu tấn gạo dự trữ với giá cao. Bên cạnh đó, nước này sẽ tiếp tục giải phóng lượng gạo tồn kho bằng nhiều cách, kể cả việc mở đấu thầu cho khu vực tư nhân và các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Trước tuyên bố như vậy của Thái Lan, nhiều nhà quản lý, doanh nghiệp Việt Nam lo ngại rằng, Thái Lan luôn duy trì lượng gạo tồn kho với số lượng lớn. Đây là một trong những yếu tố được xem là ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo thế giới trong đó có Việt Nam.
Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, chương trình giải phóng gạo tồn kho của Thái Lan đã được thực hiện từ những năm trước.
Tuy vậy, việc nước này xả lượng gạo tồn kho lớn trong bối cảnh hiện nay cho thấy tình hình thị trường gạo thế giới sẽ biến động khó lường. Các cơ quan liên quan cần có những giải pháp linh hoạt, chủ động trong công tác điều hành, tăng cường theo dõi sát thị trường để nắm chắc thông tin thị trường, chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro.
“Năm nay Việt Nam cũng đang tích cực tìm nguồn để xuất khẩu gạo. Mới đây, Bộ NN&PTNT đã làm việc với Hiệp hội lương thực, đề nghị Hiệp hội tích cực theo dõi việc xuất khẩu gạo của Thái Lan. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng đã đề nghị Bộ Công Thương có văn bản với các tham tán ở nước ngoài để có động thái tích cực để ủng hộ và hỗ trợ cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam”, ônh Bảnh cho biết.
Việt Nam đang vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, nên việc Thái Lan xả bán gạo ồ ạt như hiện nay chắc chắn sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến giá gạo và việc tiêu thụ gạo của Việt Nam và các nước khác. Đây là quy luật cung - cầu. Khi nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu không tăng hoặc ít thay đổi, chắc chắn sẽ có tác động đến thị trường mua bán gạo…
Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, để tránh bị động bởi việc xả bán gạo của Thái Lan, trước hết, Việt Nam cần thu thập thông tin chính xác, xem xét đánh giá kỹ lưỡng từng động thái của các quốc gia xuất gạo, nhu cầu, diễn biến của từng thị trường nhập khẩu mặt hàng thiết yếu này và từ đó đề ra các biện pháp cụ thể, phù hợp để ứng phó…
Đồng thời, xem xét và đề ra các giải pháp thích hợp, trong đó Chính phủ, các Bộ, ngành cần tập trung hỗ trợ, đẩy mạnh việc đấu thầu cấp quốc gia đối với hợp đồng lớn. Bộ Công Thương cũng đã có các giải pháp để ứng phó với sự việc này.
“Công tác xuất khẩu gạo phải đối mặt với thực tế, kể cả với việc xả gạo của Thái Lan có diễn ra thì các Bộ, ngành đều phải có kịch bản, ví dụ về đấu thầu về cấp quốc gia như thế nào? Với những hợp đồng xuất khẩu gạo nhỏ hơn, không những ở các thị trường truyền thống mà còn ở những thị trường Việt Nam đang hết sức cố gắng chinh phục như thị trường Nga, vùng trung cận Đông, châu Phi… là những thị trường người ta thường chấp nhận loại gạo có chất lượng thấp hơn và giá rẻ hơn... đó là những biện pháp mà Bộ Công Thương đang hướng tới”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết./.
Theo Chung Thủy/VOV.VN - Trung tâm Tin