Cập nhật: 05/07/2016 09:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ GD-ĐT khẳng định, đề thi Ngữ văn hoàn toàn đủ tin cậy, chính xác. Tranh luận về các câu thơ của bài thơ Tiếng việt là một sự thú vị.

Trang 1 của đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2016

Trả lời báo chí xung quanh về việc ra đề Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia đối với bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ gây ra sự tranh luận, trong buổi họp báo chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh,  trích đoạn trong bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ trong đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 được Hội đồng ra đề thi trích dẫn từ bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong cuốn Thơ Việt Nam 1945-1985 do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 1985. Cuốn thơ được xuất bản khi nhà thơ Lưu Quang Vũ còn sống.

Tại cuộc họp báo, câu hỏi về việc tại sao Bộ GD-ĐT chọn ra đề thi trong cuốn thơ được in từ năm 1985 mà lại không phải từ những cuốn sách gần đây có câu thơ "Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa" được học sinh và nhiều người biết đến hay việc ra đề thi liệu đã có sự kiểm tra, đối chiếu so sánh hay chưa cũng được Bộ GD-ĐT lý giải.

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định: Cuốn sách mà Bộ GD-ĐT dùng làm ngữ liệu trong đề thi môn ngữ văn là cuốn Thơ Việt Nam 1945-1985 do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 1985 là cuốn sách gốc.

Cuốn thơ này dễ dàng được tìm thấy ở các thư viện. Cuốn thơ đủ độ tin cậy cao, chính xác nên hoàn toàn dùng để làm đề thi môn Ngữ văn cho kỳ thi THPT Quốc gia.

PGS.TS Mai Văn Trinh cho rằng, việc tranh luận về câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” hay “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” là điều hết sức thú vị nên còn là chuyện phải bàn thảo nhiều giống như bài đoạn thơ sau trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của nhà thơ Hàn Mặc Tử:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Ông Mai Văn Trinh ví von, “mặt chữ điền” cũng đã gây ra sự tranh luận và tốn không ít giấy mực bình luận của các nhà văn, nhà báo. Vì vậy, sự tranh luận trong câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” hay “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” là điều hết sức bình thường, hết sức thú vị.

Trả lời câu hỏi, học sinh có thể tiếp cận với câu thơ “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” trong cuốn “Ôn tập môn Ngữ Văn” chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia (Tập một), do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, Đỗ Ngọc Thống (Chủ biên) hơn là cuốn Thơ Việt Nam 1945-1985 do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 1985 thì có ảnh hưởng tới kết quả làm bài của thí sinh hay không, PGS.TS Mai Văn Trinh cho rằng, đề thi Ngữ văn hoàn toàn nằm trong chương trình giáo dục phổ thông, chủ yếu ở lớp 12.

Với đặc điểm câu hỏi Đọc hiểu trong đề thi Ngữ văn thì việc đưa ra ngữ liệu để trên cơ sở đó kiểm tra kiến thức, kỹ năng của học sinh về phần Đọc hiểu. Ngữ liệu đưa vào đề thi hoàn toàn tin cậy nên thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm làm bài thi, dư luận xã hội có thể yên tâm về việc ra đề, chấm thi của Bộ GD-ĐT.

Trước đó, báo chí phản ánh về ý kiến khác nhau liên quan đến câu thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Ngay sau khi biết được thông tin này, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2016 cho biết rõ về nội dung Phần đọc hiểu trong đề thi Ngữ văn.

Theo đó, trích đoạn thơ trong bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ được Hội đồng ra đề thi trích dẫn từ bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong cuốn  Thơ Việt   Nam  1945-1985 (Ban tuyển chọn và chú giải: Nguyễn Đức Nam (chủ biên), Bằng Việt, Nguyễn Văn Long, Nguyên An, Nguyễn Quốc Túy); Nhà xuất bản Giáo dục - 1985.

Nội dung trích dẫn:

“Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ”.

(Nguyên bản dòng thứ 3 và 4 từ trên xuống trang 218, Sách đã dẫn)

Thông báo của Bộ GD và ĐT khẳng định: "Trong quá trình biên soạn đề thi, Hội đồng ra đề thi đã kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối của ngữ liệu được trích dẫn, đáp ứng yêu cầu của đề thi (minh chứng kèm theo)"

Tuy nhiên, trong tuyển tập thơ “Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành lại ghi rõ câu thơ “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”.

Còn tại quyển “Ôn tập môn Ngữ Văn” chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia (Tập một), NXB Giáo dục Việt Nam, do Đỗ Ngọc Thống (Chủ biên) cùng các cộng sự Phạm Thị Thu Hiền - Nguyễn Thị Nương và Nguyễn Thị Hồng Vân thì câu thơ được in là “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” chứ không phải là “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” như trong đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn sáng 2/7.

Trao đổi với báo Nông nghiệp Việt Nam, PGS.TS Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học), em gái cố Nhà thơ Lưu Quang Vũ, đồng thời là người biên soạn Tuyển thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”, xác nhận, trên thực tế song song tồn tại hai văn bản thơ có những chữ khác nhau “như bùn” và “như đất cày”.

Theo bà Thơ, đề thi văn trích bài thơ như vậy không có gì sai./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm