Cập nhật: 06/07/2016 09:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngô Tướng Công tên thật là Ngô Miễn. Ông sinh năm 1371 tại làng Xuân Mai, phường Phúc Thắng, Thị xã Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc. Ở độ tuổi còn trẻ, chỉ có 37 tuổi nhưng ông đã thực hiện trọn vẹn lý tưởng cao đẹp " tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" của một nhà nho chân chính. 

Xuất thân từ hàng Văn, Ngô Tướng Công giỏi " tề gia" tài " trị quốc" nhưng khi  cầm quân ra trận Người là một dũng tướng ngoan cường sẵn sàng xả thân để khẳng định lòng trung quân ái quốc của mình. Ông đã cùng cha con họ Hồ và các tướng sỹ yêu nước khác chống quân xâm lược nhà Minh, bảo vệ và đóng góp cho sự nghiệp cải cách vĩ đại của Hồ Quý Ly, mở rộng và phát triển Cựu quán ( Phúc Thắng ngày này) bằng cuộc vận động, tổ chức nhân dân quê cựu đi xây dựng làng xóm mới, lập ra Tân ấp gọi là xã Nhật Thi ở phủ Thiên Trường, xứ Sơn Nam ( ngày nay là Nam Định). Ghi nhớ công ơn ấy, người dân các thôn nhân dân 4 thôn của phường Phúc Thắng và người dân Xuân Bảng , Xuân Hy , Nam ĐỊnh đều thờ Ngô Tướng Công. Sự nghiệp vẻ vang của Ngô Tướng Công đối với dân với nước không chỉ lưu danh trong sử sách, khắc sâu trong lòng người buổi đương thời mà còn sống mãi trong lòng nhân dân Cựu quán và Tân ấp, sống mãi với non sông, đất nước.

Đền thờ Ngô Tướng Công tại Xuân Mai- Phúc Thắng- thị xã Phúc Yên được Bộ Văn hoá xếp hạng " Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1991. Lễ hội đền Ngô Tướng Công  được xem là lễ hội tiêu biểu của thị xã phúc yên và được chọn là lễ hội cấp thị xã được tổ chức 5 năm một lần từ ngày mùng 9 đến ngày 11 tháng giêng. Ngày nay, lễ hội không chỉ bao gồm bốn tổ dân phố có đền cùng tham gia, mà là một lễ hội vùng miền lớn, có sự tham gia của các di khách thập phương và con, em đến từ tân ấp Xuân Trường, Nam Định lên lễ tổ.

Lễ hội cổ truyền ở đền thờ Ngô Tướng Công của các tổ dân phố phường Phúc Thắng ngày xưa rất độc đáo, đặc sắc. Các thôn Mai, Bến, Triền, Thượng đều như nhau, luân phiên bốn năm một lần mỗi thôn đứng trưởng hội được đón bài vị, xe đèn, ngựa hồng ngựa bạch, tàn lọng của Ngô tướng Công. Ngày mùng Tám tháng giêng, các ông Xôn, ông Lềnh cùng với chức sắc và quan viên tam giáp thực hiện nghi thức Mục rục và lễ Cáo yết tại đền.  Việc rước bài vị từ đền của làng năm trước làm chủ gội về đền của làng năm sau làm chủ hội theo hình thức luân phiên được tiến hành trong đêm mùng 9 tháng giêng và kết thúc trước 5 giờ sáng mùng 10 tháng giêng. Đó thật sự là tái hiện cuộc xuất quân ra trận đánh giặc Minh của Ngô Tướng Công thủa trước.Đây là hình thức đặc sắc, độc đáo thể hiện sự hoà hợp và bình đẳng của cộng đồng làng- xã trong đời sống cũng như trong văn hoá tín ngưỡng ở xã Xuân Hy tổng Kim Hoa phủ Bắc Hà ngày xưa. Đi đầu là lá cờ lệnh, tiếp là cây đình điệu ( bó đuốc) rất lớn được làm bằng tre, nứa ngâm kỹ rồi bó thành bó tròn do dân đinh của tam giáp làng chủ hội làm. Đình điệu được đặt trên xe bốn bành có đô tuỳ kéo, cùng với hàng trăm ngọn đuốc nhỏ cắm ở dọc đường hoặc trên tay người đi rước tạo nên sự huyền ảo lung linh của đám rước. Tiếp đến cờ ngũ hành, Ông hồng, Ông bạch, rồi hai hàng chấp kích gươm giáo uy nghi, cùng 16 ông Xôn đi xung quanh; ông Lềnh Cả ôm bài vị của Ngô Tướng Công, " con cờ" cầm cờ hiệu đi trước bài vị, Lềnh nhì ôm tráp trầu cau, Lềnh ba, Lềnh tư che quạt hai bên như Người đangh cùng hành quân ra trận với dân binh. Sau cùng là nhân dân mang theo nước ( thường là rượu) lương khô hoặc các loại bánh và trống, mõ, thanh la... hò reo vang dậy cả xóm làng như đang ra trận. Các ông Xông và ông Lềnh của làng chủ hội đều đội mũ thêu kim tuyến có tua dài sau lưng, mặc áo thụng xanh, đai vàng, quần trắng,đi hia xanh, miệng bịt miếng vải màu đỏ, tạo sự uy nghiêm của đám rước. Đám rước đi qua ngõ nào, thì ngõ ấy đang mâm lễ bái vọng. Khi ông Lềnh Cả hướng bài vị Ngô Tướng Công vào ngõ, mọi người đều quỳ xuống kính cẩn làm lễ như có sự hiện diện của Ngô Tướng Công vậy. Đến tảng sáng mùng Mười đám rước về đến đền làng chủ hội, các ông Lềnh, ông Xôn phụng nghinh bài vị Ngô Tướng Công yên vị, cuộc rước kết thúc.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, rất nhiều các trò chơi, trò diễn dân gian được diễn ra như: bịt mắt đập niêu, bắt vịt, chọi gà, đấu vật, đánh đu của nam nữ thanh niên, hát chèo đò của các cụ bà...Đặc biệt trong năm nay,  Ban tổ chức lễ hội tiến hành dàn dựng vở chèo nói về thân thế và sự nghiệp của Ngô Tướng Công.  Song song với đó, Ban tổ chức đã xuất bản ấn phẩm Di tích lịch sử đền thờ Ngô Tướng Công nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất và người thị xã Phúc yên đến bạn bè trong và ngoài Tỉnh. Lễ hội đền thờ Ngô Tướng Công thực sự là một lễ hội đặc sắc độc đáo hiếm thấy ở vùng Bắc bộ nói riêng, ở nước ta nói chung với mục đích tưởng nhớ tới sự nghiệp đánh giặc cứu nước của tướng quân Ngô Miễn và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược cũng như hướng về nguồn cội, tưởng nhớ công đức của các bậc hiền nhân đã đóng góp cho sự nghiệp dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Lê hội đền thờ Ngô Tướng Công là một lễ hội độc đáo, đặc sắc, mạng đậm nét truyền thống văn hoá của người Việt xưa, có tác dụng thiết thực trong việc giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương đất nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tín ngưỡng, đồng thời xây dựng khối Đại đoàn kết để Đảng bộ và nhân dân thị xã Phúc Yên quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội nhằm xây dựng một thị xã giàu đẹp, văn minh.

ST

Tệp đính kèm