Đình Đại Phúc nằm trên một gò cao sát sông Cà Lồ. Đình vốn dĩ là một đình to và có niên đại sớm xưa kia nổi tiếng trong vùng. Do chiến tranh và thời gian tàn phá hiện nay đình còn một tòa hậu cung được vào đầu thế kỷ 19. Phần đình còn lại hiện nay chủ yếu của thời Nguyễn. Đầu năm 1933, đình được tu bổ chủ yếu bằng cách xây gạch xung quanh.
Cột trụ ở ngoài đắp nổi hình tượng con phượng. Về trang trí nội thất đáng chú ý nhất là bộ cửa võng và những bức trạm là các tác phẩm điêu khắc, sơn son thiếp vàng lộng lẫy, lấy đề tài tứ linh làm nội dung chính thể hiện. Các nghệ nhân xưa kia dựng đình và trang trí đã vượt qua được luật xa gần trong nghệ thuật tạo hình, đồ sộ về hình khối nhưng vẫn chặt chẽ về kiến trúc tôn giáo. Trong đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý như: Tượng Lý Nam Đế bằng gỗ mít và long ngai sơn son thiếp vàng, một đôi ngựa gỗ, bốn cây đèn….
Lý Nam Đế vừa là vị vua, đồng thời là người có công lao gây dựng cho làng Đại Phúc và các cộng đồng làng xóm của khu vực này. Các cư dân ở xã Đạo Đức nhất mực tôn thờ người anh hùng dân tộc của buổi đầu dựng nước Vạn Xuân. Cụm di tích thờ Lý Bí là đã được bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1992, là điểm đến cho mỗi nhà nghiên cứu lịch sử và cho những ai muốn tìm về lịch sử hào hùng của dân tộc từ buổi đầu dựng nước./.
ST