Cập nhật: 08/07/2016 08:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mỗi vùng đất đều có cộng đồng dân cư sinh sống, làng Lưỡng Quán cũng như bao làng khác được hình thành từ khá sớm, cứ phỏng theo thần phả thì chí ít cũng có hàng trăm tuổi. 

Là làng ven sông, từ lâu lắm rồi người dân đều phải sống phụ thuộc vào thiên nhiên: Mùa mưa, nước sông lên ngập trắng làng. Sau mùa nước lũ là trồng khoai lang, lúa cạn (gọi là lúa lốc), trồng mía và ngô. Nuôi sống người dân bao đời nay là ngô và khoai. Cơm chỉ là một phần nhỏ dành cho trẻ, người già và tiếp khách. Xưa kia, người giàu cỡ địa chủ hàng ngày cũng thường xuyên ăn độn ngô.

Do canh tác như vậy nên người dân có nhiều thời gian rỗi, vả lại làm sao có tiền để mua gạo hàng ngày khi không có đất trồng lúa? Theo quy luật của tạo hoá, nơi có điều kiện thì trồng lúa, nơi không có điều kiện trồng lúa thì làm dịch vụ, làng Lưỡng Quán đã chọn nghề đan lát chăng?

Có lẽ vì vậy người dân đã tìm được nghề phù hợp đó là nghề đan thúng. Vậy ông tổ của nghề đan thúng là ai? Nghề đan thúng có từ bao giờ? Liệu nghề truyền thống này có bị lãng quên sau vài thập niên nữa?...

Chỉ có điều chắc chắn rằng đó là nghề rất riêng của làng Lưỡng Quán, nghề đó đã theo cùng năm tháng thăng trầm, chở che, nuôi sống người dân làng Lưỡng Quán. Vì vậy, việc ghi chép lại cách đan thúng là việc cần thiết để thế hệ mai sau hình dung ra phần cuộc sống của cha ông, đây cũng là nét đẹp văn hoá của làng.

Nghề đan lát nói chung được chia làm các công đoạn sau:

* Chọn nguyên liệu: Cây tre tươi là nguyên liệu chính để đan lát thúng mủng, dần sàng, nong, nia. Chọn cây tre bánh tẻ, không bị sâu đục là tốt nhất. Nguyên liệu này phong phú, dễ kiếm ở tại địa phương, chỉ trừ mùa tre đẻ, người ta không chặt bán, còn lại chặt bán quanh năm.

* Quy mô: Thường quy mô nông thôn là hợp lý nhất

* Công đoạn: Hoàn thành sản phẩm như sau:

- Chẻ nan: Tre mua về được phân loại ngay, đoạn gốc để làm cạp trong, đoạn ngọn dùng để cạp ngoài. Đoạn giữa cưa ra từng đoạn để chẻ nan đan. Công đoạn này thường do người đàn ông trong nhà làm. Chẻ nan là nghệ thuật, không phải ai cũng làm được. Chẻ nan sao cho không được dày quá, không mỏng quá thì mới kinh tế. Nếu chẻ nan dày quá thì lãng phí nguyên liệu, người vót nan mất nhiều thời gian. Nếu chẻ mỏng thì khó đan, thúng mền người mua chê và giá thành hạ. Muốn chẻ nan cần phải thửa dao riêng (gọi là dao Mác). Người chẻ phải làm phẳng cật chỗ đốt tre, chẻ ra từng thanh rộng 3-4cm ,sau đó bỏ bụng tre và tạo cho 2 đầu hơi nhỏ hơn và bắt đầu chẻ. Một người chẻ nan một ngày có thể đan được 10-15 cái thúng, nong, nia.

- Vót nan: Khi chẻ nan xong là đến công đoạn vót nan. Vót nan thường do con gái đảm nhận. Họ dùng dao riêng (gọi là dao cau). Vót nan cũng là một nghệ thuật. Vót sao cho nhẵn, đều; vót xong đem phơi nắng cho khô. Một người vót 1 ngày có thể đủ cho đan 10-15 cái thúng.

- Đan: Khi nan được vót nhẵn, phơi khô thì đan. Thường phụ nữ đảm nhận công đoạn này. Tuỳ từng loại thúng, mủng, nong, nia mà có cách đan với văn hoá khác nhau. Thông thường thì thúng, mủng, nong nia theo nống thuyền, dần sàng đan theo văn hoá khác, trông như hoa thị hoặc như những hình vuông xếp cạnh nhau trông rất đẹp. Một người đan 1 ngày có thể đan được 10-15 cái.

- Lát: Thúng, mủng, dần, sàng đan tạo thành hình vuông, xung quanh 4 bề được dùng loại nan nhỏ để lát với hoa văn khác. Tác dụng của 4 bề này là để khi đưa lên khuôn cho dễ. Điểm mấu chốt có tính khoa học, nghệ thuật cao là việc bắt góc để khi lên khuôn thì các góc vẫn bình thường như những chỗ khác.

- Hun khói: Người dân đào hố sâu khoảng 1,2 - 1,4m, hình phễu lộn ngược, phía trên đường kính 1 – 1,2m. Đáy đường kính 0,50m, mỗi lần hun có thể hun được 10-30 chiếc thúng (hoặc nong nia, dần sàng). Hun thúng tức là dùng hỗn hợp ủ sao cho chỉ có khói sau khi dùng lửa đốt ở dưới đáy. Khi lửa cháy nóng lò hun thì lần lần lượt rắc hỗn hợp ủ lên. Phía trên phủ từng lớp thúng lên trên sao cho kín không có khe hở để khói ít lọt ra ngoài. Hỗn hợp ủ bao gồm: sản phẩm từ vót nan (gọi là tướp) đặt cuối đáy, đây là vật mồi lửa vì rất dễ cháy, phía trên là lá tre khô, sau đến lá chuối khô băm nhỏ, trên cùng phủ lớp trọng mỏng để khống chế rủi ro chống cháy do lớp vật liệu dễ cháy ở dưới gây nên. Khi hết khói thì dỡ thúng ra, thêm vật liệu ủ vào và tiếp tục phủ từng lớp thúng lên. Cứ như vậy sau khoảng 1 ngày, thúng có màu cánh gián thì thôi. Với việc hun khói sẽ làm cho thúng có  màu sắc đẹp, đồng thời chống mối mọt, mốc cho khi sử dụng.

- Lấn: Khu thúng hun xong thì dưa thúng đi lấn. Khuôn lấn thường dùng cối đá lật úp. Muốn lấn thúng đẹp thì dấp nước thúng, để ráo nước thì lấn. Lấn tức là đưa thúng lên khuôn và định dạng thúng. Người ta dùng cạp to để lấn thúng. Thường công đoạn này do nam giới đảm nhiệm.

- Cạp thúng: Người ta dùng cây mây chẻ nhỏ, vót lấy phần cật may để cạp thúng. Dụng cụ để cạp thúng là loại dùi bằng sắt có đầu nhọ để dùi từng lỗ đưa dây mây buộc từng nút theo quy tắc riêng đặc trưng của nghề đan thúng. Khi cạp xong, tức là sản phẩm được hoàn thành và đưa ra chợ bán. Một người cạp thành thạo một ngày có thể hoàn thành từ 8-10 cái.

* Nét văn hoá, tính cộng đồng trong nghề đan thúng:

Đan thúng qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn có thể do 1 hoặc nhiều người cùng làm. Đan thúng bất kể lúc nào, trừ trường hợp ngày mùa, còn khi nông nhàn, buổi tối, buổi trưa đều có thể tranh thủ đi làm. Thậm chí buổi tối không cần đèn sáng cũng có thể vót nan. Trời mưa, trời nắng, trời rét… đều có thể làm từng cung đoạn đan thúng. Từ đan thúng, từng nhóm có thể đến với nhau để vừa tâm sự, vừa đan lát vui vẻ. Họ kể chuyện, đọc thơ, truyền đạt kinh nghiệm cho cách cử xử đẹp, nói về thị trường mua bán thúng. Nhóm người tụ họp bên nhau có thể có các lứa tuổi khác nhau, từ lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng đến thanh niên, cụ già… Chính nghề đan thúng đã tạo nên tính cách cẫn mẫn, đoàn kết thương yêu giúp đỡ của người dân Lưỡng Quán.

Trước đây, nghề đan là nghề phổ biến của toàn dân Lưỡng Quán nhưng gần đây do khoa học công nghệ phát triển đồ nhựa ra đời với nhiều sản phẩm thay thế rổ giá nhựa, bao tải ni lông, máy xay xát với việc sử dụng thiết bị điện thay thế cối xay, do vậy sản phẩm mây tre bị thay thế dần và sự tiêu thụ sản phẩm mây tre trở nên khó khăn. Hiện nay chỉ còn một số ít người vẫn còn yêu nghề đan thúng, thiết nghĩ duy trì nghề đan thúng là việc làm cần thiết và là trách nhiệm của mọi người dân làng Lưỡng Quán hiện nay và con cháu chúng ta mai sau./.

ST

Tệp đính kèm