Cập nhật: 13/07/2016 07:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sự xuất hiện của các trò chơi hiện đại khiến trò chơi dân gian truyền thống ngày bị mai một. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc trò chơi dân gian không còn sức hấp dẫn đối với thế hệ trẻ hiện nay. Vấn đề là cần tạo ra không gian để các em được tiếp xúc nhiều hơn với các trò chơi dân gian truyền thống.

Ảnh minh họa

Nhớ ngày trước, chúng tôi chơi rồng rắn lên mây, nhảy dây, ô ăn quan, đánh chắt, thả diều, bịt mắt bắt dê, bắn bi, gảy vòng, bắn súng phóc, đánh khẳng... Từ trong nhà ra ngoài ngõ luôn khúc khích tiếng trẻ con hò reo, nô đùa. Thế nhưng, trẻ con bây giờ chỉ cần ngồi một chỗ trước màn hình máy tính là có thể chơi vô số trò chơi trên internet. Phải chăng sự tiện dụng ấy chính là nguyên nhân khiến trò chơi hiện đại nhanh chóng áp đảo trò chơi dân gian chỉ sau vài thập niên ngắn ngủi? Hay vì trò chơi dân gian đã không còn sức hấp dẫn trong thời buổi hội nhập văn hóa hiện nay?

Bác Hồ từng nói: “Trẻ em như búp trên cành – Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Tâm hồn của trẻ nhỏ như trang giấy trắng. Những gì các em học được trong những năm tháng tuổi thơ là nền tảng để hình thành nhân cách mai sau. Học mà chơi, chơi mà học, thông qua các trò chơi hàng ngày, các em được rèn luyện cả trí lực và thể lực. Do đó, việc chọn lựa trò chơi phù hợp với trẻ là việc làm quan trọng và cần thiết. Bất cứ trò chơi nào cũng khiến người chơi phải say mê. Trước kia, tôi thường trốn bố mẹ đi chơi đánh chắt với lũ bạn thâu trưa. Chỉ với 20 que chắt nhỏ cầm vừa đủ nắm tay và quả bưởi con cỡ bằng cái chén mà thu hút cả đám con gái ngồi túm năm tụm ba. Mỗi khi những que chắt được trải dưới đất, quả bưởi nảy lên cao là những bài đồng dao lại được cất lên: “Lá lốt, xương sông, cây hồng, nho nhỏ, chú thỏ, trắng tinh, em Trinh, biết hát, cái bát, lên bàn hai...”. Có vài chục bài đồng dao như thế nói về con người, cảnh vật và những đồ dùng quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người nông dân. Đó là những bài hát trong sáng, mang đậm tính nhân văn, rất đỗi thân thương và dễ nhớ. Trò chơi ấy luyện cho đám trẻ con chúng tôi thêm nhanh tay, nhanh mắt và giúp chúng tôi gắn bó hơn với cuộc sống thôn quê.

Những trò chơi dân gian giản dị và mộc mạc đó đã nuôi sống tâm hồn chúng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ. Những viên sỏi thô mộc, sợi dây thừng, những viên bi mắt mèo đều có thể dùng làm đồ chơi, cả những cành cây khô dùng làm nỏ, quả xoan dùng làm đạn bắn súng phóc, giấy rách làm diều... Những trò chơi dân gian gắn với không gian đồng quê là nét đặc trưng của làng quê Việt, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như một di sản văn hóa dân tộc.

Ngày nay, nhiều trẻ em không còn chơi các trò chơi dân gian, đặc biệt là trẻ em sống tại những đô thị lớn. Nhiều phụ huynh bận rộn với nhịp sống hiện đại, ít có thời gian hướng dẫn các em làm quen với các trò chơi dân gian truyền thống, trẻ em cũng bận rộn với việc học tập tại trường, ít có thời gian để vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh làm mất đi không gian của trò chơi truyền thống. Các em chỉ còn biết vùi đầu vào những chiếc máy tính kết nối internet để chơi các trò chơi mang đầy tính kích động bạo lực như: Võ thuật, đấm đá, chém giết... Điều này làm tâm hồn trong sáng của trẻ thơ trở nên hung hãn và tàn bạo. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực học đường diễn ra ngày càng phổ biến. Chưa kể, việc tiếp xúc hàng giờ với máy tính khiến thị lực, sức khỏe của các em bị suy giảm.

Hiện nay, tại khu vực cổng trường học "mọc" lên nhiều quán internet phục vụ nhu cầu chơi game của học sinh cả trong và ngoài giờ học. Các em mải mê chơi game đến nỗi quên ăn, quên ngủ, học hành ngày càng sa sút. Thiếu tiền chơi game khiến các em nảy sinh ý định ăn cắp tiền của bố mẹ, thầy cô, bạn bè. Vậy tại sao trẻ em thời nay lại đắm chìm trong thế giới game độc hại mà ít để ý đến chơi trò chơi dân gian truyền thống lành mạnh? Phải chăng vì những trò chơi dân gian không còn sức hấp dẫn đối với các em? Trên thực tế thì không phải như vậy, trẻ em ngày nay rất yêu thích các trò chơi truyền thống. Tuy nhiên, nó được coi như những “đặc sản” chỉ được thưởng thức vào các dịp lễ hội đầu năm. Ở các lễ hội, người ta tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: Kéo co, đấu vật, đập niêu đất... thu hút cả người lớn tuổi lẫn trẻ em tham gia. Những trò chơi dân gian thử thách sự kiên cường, dẻo dai, khéo léo của người chơi, đồng thời, thể hiện nét văn hóa độc đáo và giàu bản sắc của dân tộc. Để gìn giữ, lưu truyền trò chơi dân gian thì việc cần làm trước tiên là thường xuyên tổ chức các trò chơi trong nhà trường cũng như tại các điểm vui chơi công cộng để các em có cơ hội tiếp xúc với các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, từng bước loại bỏ các trò chơi độc hại đầu độc thể chất và tinh thần của các em.

 

ST

Tệp đính kèm