Trong tương lai các sản phẩm gỗ của Việt Nam được xuất khẩu vào Anh có thể có những thay đổi nếu Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) gọi tắt là Brexit.
Sản xuất gỗ phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Đó là nhận định của Tiến sỹ Tô Xuân Phúc, Chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ) tại Tọa đàm: "Brexit và tác động tới ngành gỗ Việt Nam" do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức Forest Trends đồng tổ chức chiều nay (14/7), tại Hà Nội.
Nhu cầu gỗ nhập khẩu giảm
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong EU, Anh là thị trường lớn thứ nhất cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam, chiếm khoảng 35-40% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU hàng năm. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang EU đạt 270 triệu USD, tăng nhanh so với mức 180 triệu USD trong năm 2012.
Mặt khác, Tiến sỹ Tô Xuân Phúc cũng phân tích, sự kiện Brexit gây mất đồng bảng Anh, tác động tiêu cực đến thị trường tài chính của Anh cũng như tại các nước khác trong khu vực EU.
“Theo đó, sự sụt giảm nhu cầu trong ngành công nghiệp xây dựng nhà cửa tại Anh sẽ có tác động trực tiếp đến ngành gỗ của Việt Nam. Nói cách khác, nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Anh, bao gồm cả các sản phẩm gỗ nhập từ Việt Nam chắc chắn cũng sẽ giảm trong tương lai,” Tiến sỹ Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đánh giá của Liên đoàn Thương mại Gỗ của Anh (TFF) cho thấy, Brexit sẽ tác động trực tiếp đến ngành xây dựng nhà, làm tăng khoảng 10-12% chi phí trong xây dựng và điều này dẫn đến việc dừng thực hiện các dự án xây dựng trong tương lai.
Tổ chức Gỗ Nhiệt đới Quốc tế (ITTO) cũng đánh giá những thay đổi này sẽ làm giảm sức mua đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả các sản phẩm gỗ từ các nước nhiệt đới, không chỉ riêng Anh mà có thể ở cả các quốc gia khác trong EU.
Ứng phó với các kịch bản
Tuy nhiên, theo Công ước Lisbon (2007) để rời khỏi EU chính phủ Anh cần yêu cầu tiến trình đàm phán với EU, theo đó, các quy định và chính sách có liên quan đến kinh tế, chính trị, thương mại, dịch vụ giữa Anh và EU sẽ được điều chỉnh hoặc thay đổi. Tiến trình đàm phán này sẽ diễn ra trong 2 năm, kể từ thời điểm tiến trình được khởi động.
Các đại diện tham gia tọa đàm "Brexit và tác động
tới ngành gỗ Việt Nam." (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)
Như vậy, trong thời gian 2 năm đàm phán này, tất cả các luật của EU vẫn được áp dụng tại Anh và không có gì thay đổi. Việc Việt Nam và EU đang đàm phán Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi lâm luật, Quản trị và Thương mại lâm sản (gọi tắt là VPA/FLEGT), tiến trình này sẽ tiếp tục và hai biên đã cam kết thống nhất về lộ trình ký kết VPA dự kiến vào cuối năm 2016. Do đó, việc Anh rời khỏi EU hoàn toàn không có ảnh hưởng đến kết quả đàm phán FLEGT VPA giữa Việt Nam và EU.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho biết, các doanh nghiệp đang xuất khẩu vào Anh hoàn toàn yên tâm là trong thời gian 2 năm tới sẽ không có bất cứ thay đổi gì có liên quan đến chính sách nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ vào Anh so với hiện nay, bao gồm cả sản phẩm gỗ của Việt Nam.
“Sau 2 năm đó, liệu có gì thay đổi đối với sản phẩm gỗ nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường này hoàn toàn phụ thuộc vào các kịch bản nếu Anh độc lập hoàn toàn khỏi EU, hoặc nước Anh trở thành thành viên trong khối Kinh tế Châu Âu (Membership of European Economic Area-EEA),” ông Hoài cho hay.
Tuy nhiên, ông Hoài cũng khuyến cáo từ giờ tới lúc đó, các doanh nghiệp cần cập nhật thông tin và có những giải pháp ứng phó với các kịch bản thị trường khác nhau, bởi trong tương lai có thể sẽ có những thay đổi về thuế, những biến động về tỉ giá, thay đổi về thủ tục và phí hải quan, cũng như các thay đổi quy định về các tiêu chuẩn hiện được được EU áp dụng./.
Theo THANH TÂM (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/brexit-se-tac-dong-den-tinh-hinh-xuat-khau-go-cua-viet-nam/396004.vnp