Cứ mỗi độ xuân về, trong phong tục tập quán, đặc biệt là ngày hội lồng tồng của người Tày, Nùng Xứ Lạng, người ta không thể không nhắc và nhớ đến một loại hình văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, riêng có đó là múa Ky Lằn.
Đã từ rất lâu Ky Lằn là con vật thiêng liêng được đồng bào nơi đây quý trọng và chào đón với một tình cảm đặc biệt. Múa Ky Lằn có nhiều tên gọi khác nhau phù hợp với ngôn ngữ, giọng điệu của từng vùng như Ky Lằn, Kỳ Lằn, Phụ, Phụ Mèo... Nhưng tên gọi chung nhất theo tiếng của đồng bào Tày, Nùng vùng Lạng Sơn đó là Ky Lằn, và cái tên ấy gần âm nhất với tên Kỳ Lân của dân tộc Kinh.
Hình ảnh đầu Ky Lằn vùng Hội Hoan huyện Văn Lãng (ảnh Việt Bình)
Múa Ky Lằn là hình thức biểu diễn tổng hợp trong đó múa là chủ đạo, nhưng không tách rời khỏi nhạc và trò diễn. Đi đôi với múa là biểu diễn các bài quyền, kiếm, binh khí trong võ thuật dân tộc. Người thể hiện được loại hình này không chỉ có sức khỏe, sự dẻo dai, khéo léo mà còn cần có trí tưởng tượng về hình ảnh của các con linh vật như hổ, mèo, sư tử,... cũng như tính cách của chúng; để khi nhập vai, con Ky Lằn sẽ biến thành những hình thù khác nhau với nhiều tư thế, dáng điệu khác nhau, tất cả như một vở kịch bằng mặt nạ đầy cuốn hút, mê hoặc. Một đội Ky Lằn có thể rất đông để thay thế vai trò của nhau khi người kia mệt, nhưng không thể thiếu 5 vai chính: Người cầm đầu Kỳ Lằn (căm bẩu); người đánh trống (căm choong); người đánh thanh la (căm là); người cầm chũm chọe (căm xả); ngoài ra còn có thêm 3 vị trí nữa dành cho các nhân vật phụ họa bằng các trò diễn là người diễn mặt vượn (loòng nả báo đông) người diễn mặt khỉ (loòng nả lình) và người diễn đầu Ky Lằn bé, dành cho trẻ em (Ky Lằn ỉ). Hằng năm, cứ mỗi độ tết đến xuân về, các đội Ky Lằn lại được thành lập. Mỗi bản, làng người ta sẽ lựa chọn những nam giới khỏe mạnh, có năng khiếu để làm thành một đội; mỗi đội bầu ra 1 đại biểu để dẫn đầu đoàn gọi là ông Tông cha và một người chủ lễ trong ngày hội lồng tồng hàng năm là ông Pú Mo.
Hình thức của một cái đầu Ky Lằn xuất hiện hình dáng của ba con linh vật là: sư tử, hổ, mèo; ba con linh vật có cùng nhiều điểm tương đồng về ngoại hình, dáng điệu và tính cách, có lẽ vì thế mà ông cha ta đã khéo léo vận dụng nó vào loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Cách trang trí phần thân con Ky Lằn có phần khác nhau ở nhiều địa phương. Ở Văn Lãng người ta thường may ghép các loại vải đơn màu với nhau dọc theo chiều thân con Ky Lằn tạo thành dải màu ngũ sắc; có nơi, người ta còn cắt tỉa những miếng vải sao cho khi nối ghép vào nhau tạo thành bộ thân hình độc đáo như những chiếc lông gà đang căng phồng ra khi cất tiếng gáy. Có chỗ lại được kết từ những sợi len xanh, chỉ màu sặc sỡ như vùng Hải Yến huyện Cao Lộc.
Động tác lì xì (quá hồng) đầu năm cho đội Ky Lằn
trong ngày hội lồng tồng ở Hải Yến. (Ảnh Việt Bình)
Cách thức để diễn một bài múa Ky Lằn bắt đầu từ việc nổi các hồi trống đầu tiên và liên tiếp sau đó là tiếng của thanh la và chũm chọe (là xả); từng nhịp đập của âm thanh tạo nên linh hồn và cốt cách của con vật mà chủ nhân biểu diễn muốn thể hiện. Thường khi vào nhà chúc tết năm mới, hoặc bái lễ các mâm cỗ bày trên hội xuống đồng (lồng tồng) người ta hay múa thế con sư tử để cầu mùa màng tươi tốt và mang lại sự bình yên, may mắn cho gia chủ, cho bản làng, quê hương. Nếu hai con Ky Lằn gặp nhau người ta sẽ múa thế hai con mèo vờn (chiếp slứ). Khi đi đường hoặc tập múa, người ta hay múa thể con hổ vồ, hổ dữ, hổ vờn v.v..
Cuộc múa Ky Lằn (khay Ky Lằn) được bắt đầu vào thời điểm thích hợp nhất trước ngày tết khoảng nửa tháng để tập luyện kịp và kết thúc (khả Ky Lằn) vào cuối tháng giêng. Bước vào những ngày hội lồng tồng, cùng với tiếng cười nói, tiếng bước chân đang nô nức trẩy hội, tiếng nhạc réo rắt âm vang của các đội Ky lằn từ khắp các ngả đường dường như làm phá tan cái lạnh giá nơi núi rừng âm u tĩnh mịch; mùa xuân như dâng tràn mọi bản làng, thôn xóm.
Với những nét văn hóa đặc sắc được lưu truyền từ đời này qua đời khác, múa Ky Lằn thực sự là một loại hình nghệ thuật tiêu biểu cho các dân tộc Tày, Nùng Xứ Lạng. Để duy trì được môn nghệ thuật này, các địa phương đã có nhiều biện pháp để tạo nguồn lực, phát huy sức mạnh của tập thể nhằm gìn giữ nguyện vẹn nhiều giá trị của các bài múa, đồng thời đáp ứng nhiều nhu cầu nguyện vọng của nhân dân. Cũng chính vì nhận được sụ ủng hộ nhiệt tình của bà con thôn bản, sự giúp sức của chính quyền, các đoàn thể và công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ mà mấy năm trở lại đây, các đội múa Ky Lằn vẫn duy trì đều đặn ở một số địa phương trong tỉnh. Hiện nay, múa Ky Lằn được phát triển tập trung nhiều nhất ở các huyện Văn Lãng, Cao Lộc, Bình Gia, Văn Quan; nơi vẫn còn lưu giữ, phát huy được nhiều vốn cổ đặc sắc. Tin chắc trong tương lai khi mà đời sống của nhân dân ngày càng được đủ đầy, sự chung tay góp sức giữ gìn văn hóa nói chung và các môn nghệ thuậ truyền thống nói riêng ở nhiều địa phương sẽ càng khởi sắc.
Cùng với sự đổi thay của nhịp sống hiện đại, trong lúc các loại hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một thì múa Ky Lằn của dân tộc Tày, Nùng Xứ Lạng càng cần được quan tâm gìn giữ hơn nữa trong cộng đồng. Thông qua đó, góp phần quảng bá văn hóa, thu hút các sản phẩm du lịch; gìn giữ, bảo tồn những giá trị đặc sắc của các môn nghệ thuật truyền thống dân tộc theo tinh thần Nghị quyết TW5 (Khóa VIII) của Đảng; phát huy sức mạnh tập thể, tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng đời sống mới ở nông thôn. /.
ST