Chúng tôi đến thôn Long Trì, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, chứng kiến niềm vui của bà con nơi đây khi đặc sản gạo Long Trì vừa được Tạp chí sở hữu trí tuệ và sáng tạo, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng thư top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013.
Đại diện lãnh đạo huyện Tam Dương, Hội sản xuất gạo Long Trì
nhận chứng thư Thương hiệu-nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013
Chia sẻ về niềm vui này, ông Nguyễn Như Ý, Chủ tịch Hội sản xuất gạo Long Trì cho biết: “Đây là nguồn động viên lớn, đồng thời, mở ra nhiều cơ hội cho bà con tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh để khẳng định thương hiệu gạo Long Trì ngon nức tiếng, một thời đã từng là sản vật cung tiến nhà vua”.
Từ sự ưu đãi của thiên nhiên
Thôn Long Trì trước đây thuộc xã Đạo Tú, nay thuộc thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương. Nơi đây có điều kiện đất đai thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho việc canh tác lúa nước và tạo nên chất lượng hạt gạo Long Trì thơm ngon nổi tiếng.
Những loại gạo do nông dân Long Trì sản xuất có mùi thơm rất đặc trưng- mùi thơm thoang thảng của gạo mới pha chút mặn mà của tám thơm. Tiếng lành đồn xa, gạo Long Trì nức danh nhiều chốn đến mức vua Bảo Đại còn cho người về tận nơi mua để cung tiến.
Trước đây, người dân Long Trì chủ yếu cấy lúa ri, lúa rảnh, lúa câu dài ngày, năng suất chỉ vài chục cân/sào. Do năng suất thấp nên dần dần những giống ấy ngày càng mai một, nhường chỗ cho các giống lúa thông thường như: Nông nghiệp 8, Mộc Tuyền, Khang Dân, Q5, X21... Nhưng dù trồng giống gì, gạo Long Trì vẫn ngon hơn nơi khác vì có điều kiện thổ nhưỡng, tiểu khí hậu đặc biệt, điều này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ xác minh.
Đến khẳng định thương hiệu
Để khẳng định, khôi phục lại thương hiệu gạo Long Trì, huyện Tam Dương đã nỗ lực cộng tác với các nhà khoa học nghiên cứu những nguồn gen quý hiếm đưa vào sản xuất những giống lúa mới như Hương thơm số 1, XT27, LT2, T10, TH3-3. Tuy nhiên, quá trình khẳng định lại thương hiệu của gạo Long Trì cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tam Dương cho biết: “Năm 2006, giống lúa Hương thơm đã được trồng thử nghiệm 1 ha ở thôn Bầu Long Trì . Khi thu hoạch, năng suất cao, cơm nấu lên thơm ngon dẻo nhưng dân không thích vì chỉ quen ăn Khang Dân, Q5 cứng. Lúc này gạo lại chưa có thương hiệu, chẳng ai quan tâm đến gạo đặc sản nên giá bán rẻ ngang với gạo Khang Dân mà vẫn ít người mua. Nhiều người thôn Bầu Long Trì lúc đó phải đem số gạo Hương Thơm đi cho hoặc biếu”.
Để khẳng định thương hiệu và duy trì vùng lúa đặc sản hàng hoá, huyện Tam Dương đã tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam với thương hiệu "Gạo Long Trì-Tam Dương". Cùng với đó, năm 2008, Hội sản xuất gạo Long Trì cũng được ra đời nhằm tuyên truyền cho nông dân kỹ thuật canh tác, đưa những giống lúa chất lượng cao như: QR1, HT1, RVT vào sản xuất.
Nhằm khuyến khích nông dân sử dụng các giống lúa chất lượng để không ngừng nâng cao sản phẩm gạo Long Trì, UBND huyện đã trích ngân sách hỗ trợ 100% giá trị giống lúa QR1 cho Hội sản xuất gạo Long Trì với diện tích 50ha. Hội cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng cho sản xuất lúa gạo; đồng thời, thường xuyên mang đặc sản gạo Long Trì tham gia nhiều hội chợ để người tiêu dùng biết đến. Hội còn tìm đầu ra cho sản phẩm, đứng ra tổ chức mua gạo cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường. Nhờ vậy, vùng sản xuất lúa đặc sản hàng hoá thôn Long Trì đã không ngừng được mở rộng. Hiện nay thôn Long Trì có trên 400 hộ dân tham gia sản xuất, diện tích gieo cấy 50 ha/vụ; năng suất bình quân đạt 56 tạ/ha. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, Hội sản xuất Gạo Long Trì bán ra thị trường trên 4 tấn gạo, đem lại thu nhập cao cho các hộ dân tham gia sản xuất.
Cùng với thương hiệu dần được khẳng định thì giá trị kinh tế của gạo Long Trì cũng được nâng lên.Trước kia, khi chưa có thương hiệu, gạo bán ra với giá trung bình 10.000đồng/kg và chỉ bán được ở phạm vi khu vực huyện. Sau khi thương hiệu gạo Long Trì được khẳng định trong lòng người tiêu dùng, giá gạo tăng lên từ 16.000 - 18.000đ/kg, cao hơn từ 5.000đ – 7.000đ/kg so với các loại gạo tẻ khác.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: “Do nhu cầu của người tiêu dùng rất lớn đối với sản phẩm này, đặc biệt vào các dịp lễ, tết nhiều người mua để làm quà cho bạn bè, người thân nên có lúc cung không đủ cầu”.
Chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng, tháng 7 vừa qua, đặc sản gạo Long Trì đã được Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo thuộc Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam quyết định cấp chứng thư top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013.
ST