Cập nhật: 20/07/2016 08:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đột quỵ còn gọi là tai biến mạch máu não hoặc xuất huyết não, là tình trạng rối loạn chức năng thần kinh với các biểu hiện đột ngột như hôn mê, liệt nửa người, nói ngọng, nuốt bị sặc… Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh tránh tai biến nặng hơn, nhanh hồi phục và giảm bớt sự tiến triển bệnh.

Đu đủ chín rất nhiều kali, có tác dụng lợi tiểu, giảm huyết áp

ở người bệnh đột quỵ và chống lại tình trạng toan của cơ thể.

Nhu cầu dinh dưỡng trong ngày của bệnh nhân đột quỵ

Người bệnh đột quỵ nên ăn 25-30g chất béo/ngày, trong đó 1/3 là chất béo động vật và 2/3 là chất béo thực vật như vừng, lạc. Ngoài ra, các loại axit béo trong dầu thực vật có khả năng làm giảm nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là do cục máu đông trong lòng mạch máu não.

Lượng đạm (protein) cần giữ ở mức 0,8g/kg cân nặng/ngày. Nên chọn thực phẩm ít cholesterol và nhiều đạm thực vật (đậu đỗ, đậu tương, đậu phụ) và đạm động vật (cá biển, cá đồng, sữa, thịt nạc...). Nếu bệnh nhân có kèm theo suy thận, cần giảm lượng đạm từ 0,4 - 0,6g/kg cân nặng/ngày.

Các loại vitamin và chất khoáng có trong các loại hoa quả chín, rau củ, sữa cần được cung cấp thường xuyên. Chúng chứa nhiều kali, có tác dụng lợi tiểu, giảm huyết áp ở người bệnh và chống lại tình trạng toan của cơ thể. Kali đặc biệt nhiều trong chuối, đu đủ… Dùng axit folic ít nhất 300mcg mỗi ngày sẽ làm giảm 20% nguy cơ đột quỵ và 13% nguy cơ bệnh tim so với người dùng dưới 136mcg/ngày. Axit folic có tác dụng chống xơ vữa động mạch, giảm huyết áp và hàm lượng cholesterol trong máu. Nó có trong các loại quả có vị chua, rau lá xanh, các loại đậu, gạo, mỳ và các sản phẩm từ ngũ cốc. Gan cũng chứa nhiều axit này.

Nguyên tắc của chế độ ăn

Thức ăn phải dễ tiêu hóa, hấp thu và ở dạng mềm, lỏng như súp, cháo, sữa. Cần phân bố đều 3-4 bữa/ngày, không nên ăn quá no. Tránh dùng thức ăn lên men, gây kích thích như gia vị cay, nóng, rượu, chè, cà phê...

Ăn giảm muối và nước. Nếu bệnh nhân suy tim thì lượng nước đưa vào cơ thể phải phụ thuộc vào lượng nước tiểu bài tiết trong 24h. Hạn chế muối ở mức 4-5g/ngày để giảm phù, giúp thận bài tiết các chất đào thải của chuyển hóa đạm, chất béo, tinh bột, đường. Tránh các loại thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như dưa, cà, hành muối, bánh mỳ, thịt hun khói, pate, xúc xích…

Năng lượng trong khẩu phần nên giảm bớt để tránh tăng cân, giảm nhẹ hoạt động cho bộ máy tiêu hóa và tuần hoàn. Mức năng lượng đưa vào cơ thể nên dừng ở 30 - 35kcalo/kg cân nặng/ngày. Nguồn năng lượng nên lấy từ rau củ, khoai, đậu đỗ, cơm, mỳ, bún, miến.

Cụ thể đối với người ăn được: Cho người bệnh ăn uống như người bình thường, nếu ăn ít thì tăng thêm bữa. Thực phẩm chế biến phải phù hợp với khả năng nhai: cắt nhỏ, băm nhuyễn, nấu mềm... Thức ăn phải cân đối và đáp ứng các chất dinh dưỡng cần thiết như chất đạm từ thịt, cá, trứng, đậu...; chất bột đường từ gạo, mì, bánh mì...; chất béo như dầu, mỡ...; rau củ quả và trái cây.

Đối với người không ăn được: Phải nuôi ăn qua ống thông mũi, dạ dày để giúp người bệnh nhận đủ lượng thực phẩm trong ngày. Mỗi ngày cung cấp khoảng 1.800 - 2.000ml sữa (nên dùng sữa bột) hoặc một lít cháo xay (nên sử dụng men amylaz để làm lỏng cháo, nhằm tránh nghẹt ống). Ngoài ra, còn có các loại bột dinh dưỡng cao năng lượng, cần 750 - 1.500ml/ngày.

Tư thế khi cho ăn là nửa nằm nửa ngồi, chia đều lượng thực phẩm ra thành năm bữa ăn trong ngày; bơm 15 - 20 phút/bữa. Khoảng cách giữa các bữa ăn từ 2 - 3 giờ tùy theo số lượng mỗi lần ăn.

Chế độ sinh hoạt

Duy trì tập thể dục vừa phải.

Ngừng hút thuốc lá vì đây là yếu tố chủ yếu gây nên các bệnh mạch não. Người hút thuốc nhiều có thể bị đột quỵ dù chỉ ở tuổi trung niên. Không dùng rượu mạnh.

Điều trị tốt bệnh tăng huyết áp - nguyên nhân chính gây tai biến mạch máu não.

Phòng và điều trị bệnh tiểu đường vì đây là tác nhân gây mảng xơ vữa động mạch lớn, tạo cục máu đông trong lòng mạch, dẫn đến thiếu máu não.

BS. Nguyễn Thanh Hà

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm