Cập nhật: 23/07/2016 11:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dọc theo Quốc Lộ 1A (cũ), rẽ vào đường Tỉnh lộ 71, chúng tôi tìm đến làng sừng trâu Thụy Ứng. Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến gia đình ông bà Mười Sử là một trong những gia đình gắn bó lâu đời nhất với nghề làm mỹ nghệ sừng trâu của làng.

 

Bà Vũ Thị Mười lấy ra và giới thiệu với chúng tôi chiếc lược sừng là sản phẩm truyền thống tạo lên thương hiệu cho làng Thụy Ứng từ xưa. Bà Mười cho biết, trong tấm bia được lưu giữ ở đình cổ của làng có ghi làng lược sừng Thụy Ứng có từ thời vua Lê Trung Tông, niên hiệu Thuận Bình (1548-1556), tức là cách đây hơn 400 năm.

Vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, hầu như người dân Việt Nam nào cũng quen thuộc với hình ảnh những chiếc lược sừng đen hay chiếc lược bí sừng màu ngà vàng của làng Thụy Ứng. Nhưng rồi thị yếu người tiêu dùng thay đổi, chiếc lược sừng nổi tiếng một thời của làng Thụy Ứng không còn được ưa chuộng và làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một. Bởi vậy, bắt đầu từ năm 1997, người dân trong làng đã tự mày mò tìm ra hướng đi mới cho nghề.

Sau một thời gian nghiên cứu thị trường, gia đình bà Mười không chỉ phát huy được mặt hàng truyền thống là lược sừng mà còn sản xuất ra hàng chục sản phẩm từ sừng trâu bò như: vòng trang sức, khay, đĩa... Những sản phẩm này vừa phong phú đa dạng, vừa đạt được độ tinh xảo và độc đáo. Xưởng sản xuất của gia đình có số công nhân làm thường xuyên là 12-13 người, chưa kể những dịp đơn đặt hàng nhiều phải thuê thêm lao động. Thu nhập tối thiểu của một công nhân làm việc trong khu xưởng của gia đình là 3 đến 4 triệu đồng/tháng.

Bà Mười cho biết, hiện nay sản phẩm của gia đình được tiêu thụ ở khắp nơi trên cả nước, đặc biệt là ở các khu mua sắm, giải trí của Hà Nội như Vincom, Tràng Tiền PLAZA, Lăng Bác, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu Quốc Tử Giám...

Còn đối với thị trường nước ngoài, xưởng sản xuất gia đình bà Mượt làm theo đơn đặt hàng chuyên biệt. Ví dụ như ở thị trường Trung Quốc thì xưởng nhà bà xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm lược, thị trường Nhật Bản là dòng sản phẩm cạo gió, đánh cảm, thị trường Đức thì là đồ trang sức như dây đeo cổ, nhẫn, khuyên tai… thị trường Pháp là đồ trộn xa lát, khay đĩa,… Mỗi đơn đặt hàng từ các nước này lên đến vài nghìn sản phẩm. Năm 2013, gia đình bà Mười xuất khẩu trên 10 tấn sừng mỹ nghệ, đạt tổng doanh thu 3-4 tỷ đồng.

  

Các vật dụng dùng trong bữa ăn hàng ngày được làm ra từ sừng bò.

 

Những chiếc lược sừng chạm trổ hình rồng tinh xảo và khéo léo.

 Dời khu xưởng của gia đình bà Mười, chúng tôi đến khu xưởng sản xuất của công ty mỹ nghệ Hương Hiệp. Đây là công ty chuyên xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ sừng trâu xuất khẩu. Chị Nguyễn Thị Thu Hương – giám đốc công ty cho biết, các mặt hàng của công ty Hương Hiệp được khách hàng nước ngoài ưu chuộng và họ trực tiếp về tận làng để đặt những đơn hàng lớn. Các sản phẩm của công ty cũng chủ yếu xuất đi các nước: Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Nga, Ấn Độ,… với doanh thu riêng về xuất khẩu cũng đạt 4-5 tỷ đồng.

Theo thống kê, cả làng Thụy Ứng có hơn 500 hộ gia đình tham gia làm nghề, chiếm 30-40% tổng hộ gia đình trong xã. Có khoảng 20-30 hộ có quy mô lớn như gia đình ông bà Sử Mười, Hương Hiệp. Đặc biệt hơn cả, số lao động trẻ làm nghề của làng cũng chiếm một số lượng đáng kể. Đây chính là tín hiệu vui cho thấy sự kế thừa, phát triển của một làng nghề đã có tuổi đời gần nửa thế kỷ ở Việt Nam./.

 

http://hanoi.vietnamplus.vn/Home/Lang-lam-sung-my-nghe-Thuy-Ung/20166/14660.vnplus

 

Tệp đính kèm