Cập nhật: 23/07/2016 10:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo thống kê hiện tại có khoảng gần 5% bà mẹ mang thai mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). ĐTĐ thai kỳ thường không có biểu hiện rõ ràng...

Phụ nữ mang thai cần kiểm tra đường huyết phát hiện sớm ĐTĐ thai kỳ.

Theo thống kê hiện tại có khoảng gần 5% bà mẹ mang thai mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). ĐTĐ thai kỳ thường không có biểu hiện rõ ràng, nhưng nếu không được kiểm soát tốt, ĐTĐ thai kỳ sẽ gây những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

Trong suốt quá trình mang thai, nhau tạo ra nội tiết tố đặc biệt để giúp thai nhi lớn và phát triển. Nhưng những nội tiết tố này cũng sẽ gây một số rủi ro đến tính năng hữu ích của insulin của người mẹ. Đây có thể được coi như là “kháng insulin”. Sẽ là điều tốt khi mức insulin và đường huyết cùng đạt chuẩn để duy trì mức độ đường trong máu an toàn. Nhưng trong trường hợp mắc bệnh ĐTĐ thai kỳ thì lượng đường máu không còn được insulin kiểm soát, do đó, phải hoặc là giảm lượng đường hoặc là tăng lượng insulin hoặc là làm cả hai động tác đó.

Nhóm thai phụ có nguy cơ mắc ĐTĐ cao

Thai phụ có nguy cơ mắc ĐTĐ cao nếu: thừa cân (chỉ số cơ thể BMI vượt quá 30); từng bị ĐTĐ trong lần mang thai trước; có đường trong nước tiểu; gia đình có tiền sử bệnh ĐTĐ.

Bác sĩ có thể khuyên bạn làm xét nghiệm chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ sớm nếu có kèm các yếu tố như: từng sinh con thừa cân (quá 4kg); bị thai lưu không nguyên do; từng sinh con dị tật; người mẹ bị tăng huyết áp hoặc mang thai khi đã trên 35 tuổi.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mối liên quan giữa tăng cân quá nhanh (nhất là trong quý I) với chứng ĐTĐ thai kỳ.

ĐTĐ thai kỳ được phát hiện khi nào?

Vào khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ, quá trình và hoạt động liên quan đến việc sản sinh insulin đều bị ảnh hưởng bởi nội tiết tố sinh sản. Đây là nguyên nhân tại sao việc kiểm tra sàng lọc bệnh ĐTĐ thai kỳ được yêu cầu theo định kỳ đối với phụ nữ mang thai dù họ có tiền sử bệnh hay không. Thời điểm xuất hiện bệnh thông thường từ tuần mang thai thứ 24-28, mặc dù vẫn có thể có những triệu chứng vài tuần trước hoặc sau giai đoạn này.

Triệu chứng của ĐTĐ thai kỳ

Thai phụ có thể không biết bị ĐTĐ cho đến khi kiểm tra nước tiểu và lượng đường. Nhiều trường hợp có những triệu chứng tương tự như sau khi bị bệnh ĐTĐ týp 1 hoặc týp 2: thường xuyên khát nước; thức giấc giữa đêm để uống nước thật nhiều; đi tiểu nhiều và có nhu cầu nhiều lần hơn so với nhu cầu của các phụ nữ mang thai bình thường khác; vùng kín bị nhiễm nấm và không thể làm vệ sinh sạch sẽ bằng các dung dịch chống khuẩn thông thường; các vết thương, trầy xước hoặc vết đau khó lành; sụt cân nặng và mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức.

ĐTĐ thai kỳ có nguy hiểm không?

Nếu bệnh ĐTĐ thai kỳ được kiểm soát và giám sát bởi người bệnh và bác sĩ thì rủi ro sẽ được giảm rất nhiều. Mục đích chính trong việc điều trị bệnh ĐTĐ là giảm lượng đường huyết trong máu đến mức bình thường và sản sinh lượng insulin phù hợp so với nhu cầu cần thiết của từng cá thể. Phải mất thời gian để ước lượng cân bằng lượng insulin cần thiết trong ngày.

Phụ nữ mang thai bị bệnh ĐTĐ thai kỳ cần được giám sát suốt quá trình mang thai và sinh đẻ.

Các biến chứng có thể gặp do ĐTĐ thai kỳ

Trước khi sử dụng liệu pháp insulin, các biến chứng của bệnh ĐTĐ cho cả mẹ và thai nhi rất cao. Mặc dù hiện nay việc điều trị bằng insulin đã giảm nguy cơ biến chứng, ở phụ nữ mang thai bị ĐTĐ vẫn còn liên kết với một số nguy cơ gia tăng của các yếu tố bất lợi như: tiền sản giật, bệnh ĐTĐ ketoacidosis, bệnh thận nặng lên, bệnh võng mạc nặng lên, đa ối, nguy cơ phải mổ lấy thai, xuất huyết sau sinh, nguy cơ tử vong.

Bà mẹ mang thai bị ĐTĐ cũng có thể gây biến chứng cho thai: sẩy thai; thai chết lưu không rõ nguyên nhân; tử vong chu sinh vào khoảng 2-5% (thấp hơn đáng kể khoảng 65% trước khi điều trị bằng insulin); dị tật bẩm sinh, có thể chiếm tới 50% gây ra tử vong chu sinh; bất thường sự tăng trưởng thai nhi trong tử cung; biến chứng ở trẻ sơ sinh, bao gồm hội chứng suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ canxi máu, chứng tăng hồng cầu và tăng bilirubine máu.

Khi người mẹ bị bệnh ĐTĐ trong thời kỳ mang thai có các nguy cơ: gia tăng nguy cơ thai to; gia tăng nguy cơ tiền sản giật; tăng tỷ lệ thai chết lưu, nếu không kiểm soát được đường huyết.

Nếu không kiểm soát, lượng đường thừa trong máu sẽ làm thai nhi phát triển khá to. Do phải tương thích với lượng đường tăng qua nhau thai đến nguồn cung cấp máu, thai nhi sẽ tăng tiết lượng insulin để tiêu thụ lượng đường này và dự trữ năng lượng dưới lớp mỡ của thai nhi. Con của các bà mẹ bị bệnh ĐTĐ có thể nặng 4kg hoặc hơn nữa khi sinh. Vì vậy khi bé mới sinh mà có cân quá nặng, bác sĩ sẽ nghi ngờ người mẹ mắc ĐTĐ thai kỳ ngay cả khi đã được chẩn đoán là không có bệnh trước khi sinh.

Em bé sau khi sinh cần được theo dõi đường huyết. Thông thường, khi được “cho ăn” thì lượng đường huyết tự cân đối và bé không bị ảnh hưởng xấu. Mối lo ngại lớn nhất là trong 4-6 tiếng đồng đồ sau khi sinh là bé dễ bị chứng hypoglycaemia (hiện tượng giảm đường huyết). Do đó, bé cần phải thường xuyên được xét nghiệm sau khi sinh cho đến khi lượng đường huyết (BSL) được ổn định và tiếp tục đều đặn trong suốt 24 tiếng đầu tiên.

Để phát hiện sớm, có biện pháp điều trị và phòng ngừa các biến chứng do ĐTĐ thai kỳ, thai phụ cần đi khám thai định kỳ, mỗi lần khám nên làm các xét nghiệm máu và nước tiểu. Khi thấy cơ thể có các dấu hiệu khác lạ, thai phụ nên đi khám ngay để được phát hiện bệnh sớm nhất có thể.

BS. Phương Thu

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm