Theo Bộ NN-PTNT, sản xuất cá tra vẫn chưa thoát khỏi các khó khăn như: thời tiết bất lợi, giá cả đầu vào và đầu ra không ổn định, thị trường giảm…
7 tháng qua sản xuất cá tra vẫn chưa thoát khỏi các khó khăn (Ảnh minh họa: KT)
Cập nhật mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 7 tháng đầu năm nay, người nuôi cá tra còn gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, diện tích cá tra 7 tháng đầu năm của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 4.237 ha, giảm 2% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 657.169 tấn, tăng 8% với cùng kỳ do sản lượng của một số tỉnh tăng khá lớn như Tiền Giang 20.946 tấn (+52%), Cần Thơ 84.585 tấn (+40%), Bến Tre 119.630 tấn (+10%), Đồng Tháp 219.801 tấn (+10%).
Đặc biệt, “sản xuất cá tra vẫn chưa thoát khỏi các khó khăn như: thời tiết bất lợi, giá cả đầu vào và đầu ra không ổn định, chất lượng con giống không đảm bảo, thị trường xuất khẩu giảm. Do nhiều ao đến kỳ thu hoạch, giá cá tra nguyên liệu thời điểm giữa tháng 7 dao động trong khoảng từ 17.500 – 19.500 đồng/kg, giảm từ 1.500 – 2000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước”- Bộ NN-PTNT đánh giá.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra nửa đầu năm 2016 sang thị trường EU chưa có dấu hiệu khả quan hơn. Trong top 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất trong khối EU, giá trị xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha tăng 5,6%; sang Đức tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Hai thị trường còn lại là: Anh và Hà Lan giá trị xuất khẩu giảm sút. Đáng tiếc, giá trị xuất khẩu sang Tây Ban Nha và Hà Lan lớn nhất trong năm 2015 giảm liên tục và với tốc độ nhanh nên đã nhường vị trí dẫn đầu khối cho Anh.
Bước sang năm 2016, ngay từ đầu năm, giá trị xuất khẩu cá tra sang Anh giảm ngay từ quý I/2016, dao động từ 0,6-28,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng kể từ quý II/2016, giá trị xuất khẩu tăng khá từ 8-13,7% so với cùng kỳ năm 2015. Theo VASEP, thị phần cho cá tra tại thị trường Anh còn rất lớn. Tuy nhiên, sản phẩm cá tra Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh được với các sản phẩm cá thịt trắng tại thị trường này.
Giải thích rõ hơn về nguyên nhân, VASEP cho rằng, hiện nay sản phẩm cá thịt trắng của Trung Quốc và Nga vẫn đang chiếm lĩnh thị trường Anh. Đây là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp Việt tại thị trường này. Với mức giá cạnh tranh hơn nhưng các DN thủy sản Việt Nam vẫn chưa có chiến lược nhằm chiếm lĩnh thị trường này, kể từ hình thức bắt mắt của sản phẩm. Anh là thị trường tiềm năng và còn rộng lớn nhưng các DN thủy sản Việt Nam cần nắm bắt tốt hơn thị hiếu tiêu dùng và cạnh tranh tốt hơn tại Anh.
Bên cạnh đó, đối với thị trường ASEAN, tính đến nửa đầu tháng 6/2016, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của cá tra Việt Nam (sau Mỹ, EU, Trung Quốc – HongKong). Đây là thị trường tiềm năng và nhiều kỳ vọng của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2015. Nhưng vài tháng trở lại đây, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm tại nhiều thị trường. Điều đó khác với dự đoán của nhiều nhà xuất khẩu trong năm nay.
Mặc dù, ASEAN là thị trường XK tiềm năng nhưng DN cá tra Việt Nam vẫn chưa có chiến lược phát triển và quảng bá đúng mức tại thị trường này. Do đó, ngay tại thị trường XK lớn nhất là Thái Lan thì cá tra Việt Nam vẫn phải chật vật cạnh tranh với các sản phẩm thịt cá Alaska Pollack đông lạnh, cá Cod phile đông lạnh, cá rô phi phile đông lạnh./.
Theo Xuân Thân/VOV.VN