Cập nhật: 29/07/2016 09:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

   

Tranh vải gói với các chi tiết được làm nổi lên rất sống động.

NDĐT - Lâu nay, công chúng chủ yếu biết đến một số dòng tranh dân gian như: tranh Hàng Trống, làng Sình, Đông Hồ... Nhưng vào tháng 8 tới đây, tại Bảo tàng Hà Nội, công chúng sẽ được biết đến nhiều dòng tranh dân gian, với nhiều nét văn hóa thú vị khác nhau như: Tranh đồ thế Nam Bộ, tranh kính Nam Bộ, tranh thờ miền núi, tranh gói vải, tranh thờ đồng bằng, tranh vải... trong cuộc triển lãm chuyên đề "12 dòng trang dân gian tiêu biểu Việt Nam".

 

Vẻ đẹp mộc mạc của tranh Đông Hồ.

Hầu hết, số tranh dân gian này nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. Trong số những dòng tranh được giới thiệu, có một số dòng tranh khá mới mẻ với công chúng, nhất là vùng văn hóa Bắc Bộ hoặc đã từng phổ biến trong quá khứ nhưng nay đã mai một dần bởi thời gian. Một trong số đó là tranh gói vải (hay vải gói). Tranh vải gói do ông Trần Quang Huy sáng lập ra. Ban đầu chỉ là sáng kiến thay hình dán giấy bằng vải hoặc gấm trên những tấm chướng phúng viếng đám ma. Sau dần được nâng cấp thành một dòng tranh mới để phục vụ nhu cầu thị hiếu đa dạng, phổ biến nhất là tranh chân dung để thờ cúng, với nhiều giá trị mỹ thuật, kỹ thuật. Đặc điểm nổi bật của tranh gói vải là trên nền lụa, nhiều hình khối, chi tiết được nghệ nhân cuốn bằng vải, tạo nếp cho nổi hẳn lên, trông rất sinh động. Các hình nổi này kết hợp với nét vẽ tinh tế, bố cục chặt chẽ khiến tranh gói vải tựa như tranh 3D, rất thật và độc đáo. Hiện, cả nước chỉ còn duy nhất một nghệ nhân tranh gói vải là ông Hồ Văn Tai ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.

Tranh thập vật - một loại tranh phổ biến trong các chùa vùng Bắc Bộ trước những năm 1960 cũng được giới thiệu đến công chúng trong dịp này. Đây là loại tranh dùng ván khắc gỗ in ra, thể hiện đời sống tâm linh phong phú của người Việt xưa và mới được giới nghiên cứu trả lại đúng vị trí trong những năm gần đây. Ngoài ra, triển lãm cũng giới thiệu kỹ thuật cơ bản của một số dòng tranh dân gian.

Với sự xuất hiện của cùng lúc những dòng tranh dân gian của cả ba miền bắc - trung - nam cũng như tranh thờ miền núi, công chúng sẽ có dịp so sánh để nhận ra sự giao thoa, tiếp biến cũng như sự riêng biệt của từng dòng tranh trong mục đích sử dụng, trong các quan niệm mỹ thuật, hay trong kỹ thuật chế tác. Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, thông qua triển lãm, chị muốn đánh thức tình yêu với nghệ thuật truyền thống nói chung, tranh dân gian Việt Nam nói riêng trong mỗi người.

 

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm