Cập nhật: 29/07/2016 09:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

    

Đỉnh núi là cả một hoàng cung.

Đến đảo quốc Xri Lan-ca không thể không đến Xi-ghi-ri-a, một di sản lịch sử hết sức quan trọng và quý giá được Chính phủ nước này trân trọng giữ gìn.

Nằm ở mạn đông bắc, cách thủ đô Cô-lôm-bô 170 km, tại tỉnh trung tâm Ma-tan, Xi-ghi-ri-a là quả núi đá nguyên khối khổng lồ, cao đến 370 m trên mực nước biển. Quả núi này vốn được tạo bởi nham thạch của một núi lửa đã tắt từ rất lâu và nhô cao 170 m so với mặt bằng chung quanh, nơi đã có cư dân trú ngụ từ thời tiền sử. Cổ nhân đã kỳ công đẽo đục đá núi để tạo nên những bậc thang dẫn đến những hang động dùng làm tu viện và chốn cư ngụ tin cậy cho con người. Nhiều dấu tích vẫn còn chứng tỏ: đã có những nhà sư khổ hạnh tu luyện tại đây từ thế kỷ 3 trước công nguyên.

Xi-ghi-ri-a còn “cõng” trên lưng cả một tổ hợp cung điện thành trì ở giữa hệ thống kiến trúc cổ được xây dựng thêm vào những năm 477-495, dưới triều vua Ka-sa-pa. Đó là người đã chôn sống vua cha vào một thành quách đá để giành ngôi báu, khiến anh ruột phải chạy sang Ấn Độ lẩn trốn và chiêu mộ quân sĩ, chờ đón thời cơ. Lo sợ bị trả thù, Ka-sa-pa phải dời đô lên chỗ an toàn hơn là Xi-ghi-ri-a. Giữa đường lên đỉnh, ông ta cho đẽo quả núi đá thành hình chúa sơn lâm há mõm làm cổng vào, nay chỉ còn hai bộ móng vuốt chân trước, nên trong ngôn ngữ Xin-ha-la, Xi-ghi-ri-a có nghĩa “núi đá sư tử”. Tại sườn núi có điện trung, trên chỏm núi có điện thượng, mặt tiền đều được ghép bằng đá cẩm thạch điểm những viên ngọc quý. Vách đá phía tây cao 40 m, dài 140 m có khoảng 500 bích họa với hình mỹ nữ ngực trần, về sau, các nhà sư e bị phân tâm nên xóa đi hầu hết, nay chỉ còn 18 bức nhưng vẫn được coi là ga-lơ-ry lớn nhất thế giới. Có bức tường gương - đá ghép lại và được mài nhẵn bóng để nhà vua đến soi gương; lại có mảng tường sứ ghi lại những ý nghĩ và thơ của tiền nhân đến thăm đây, ký tự cổ nhất được ghi vào thế kỷ 8, nay đã cấm khách tham quan để lại dấu tích.

Nhưng điều kinh ngạc nhất là trên diện tích 140 ha chung quanh, người xưa đã đục quả núi đá tạo thành bậc thang lên xuống, vườn cây vườn đá, đầm hồ chứa nước mưa, kênh mương thông thoát và hệ thống bơm phun nước, xứng danh là một hoàng cung.

Khánh thành kinh đô trên đỉnh núi đá, Ka-sa-pa tự đắc về sức mạnh của mình, gửi lời tuyên chiến đến người anh. Cuộc chiến dằng dai mãi, bất thần bầy voi chiến xuống hồ uống nước, binh sĩ tưởng vua đã rút khỏi chiến trường nên cũng bỏ chạy tán loạn, Ka-sa-pa còn lại một mình giữa vòng vây đối phương, phải rút gươm tự vẫn. Người anh lấy lại ngôi báu theo đúng di nguyện của cha, đưa kinh đô về lại A-nu-rát-ha-pu-ra, còn Xi-ghi-ri-a do các nhà sư cai quản cho đến thế kỷ 14 thì chìm vào quên lãng, mặc dù thế kỷ 17 vẫn được coi là tiền đồn của tiểu vương quốc Kan-đy. Cho tới năm 1831, thực dân Anh cai trị, một thiếu tá quân đội cùng 78 vệ sĩ mới thám hiểm phế đô và từ thập niên 1890 giới khảo cổ học bắt đầu tìm hiểu.

Những đợt khai quật cho thấy Xi-ghi-ri-a là một mẫu mực về quy hoạch đô thị cổ và được UNESCO công nhận Di sản thế giới từ năm 1982. Độ khốc liệt của sự tích và tráng lệ của di tích khiến phế đô lại rộn ràng những đoàn du khách…

 

Theo Thi Am/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm