Cập nhật: 03/08/2016 08:49:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Người cao tuổi cùng lúc hay trong thời gian ngắn mắc nhiều bệnh. Có khi ngại đi khám, dùng thuốc theo kiểu “đau đâu chữa đó”, chưa hết thuốc này, chuyển sang dùng thuốc khác; có khi khám mua thuốc nhiều nơi cùng lúc (không có mối liên hệ với nhau khi kê đơn, bán thuốc) dẫn đến có người mỗi ngày phải dùng đến 8 - 9 thứ thuốc. Dùng cùng lúc nhiều thuốc như vậy chưa hẳn là tốt.

Dưới đây chỉ ghi một số trường hợp gây hại do dùng nhiều thuốc thường gặp.

Dùng nhiều thuốc bệnh cùng lúc, không đúng cách, sẽ bị thừa, tương tác:

Bị đau dạ dày, khó chịu, mất ngủ, vừa dùng thuốc giảm tiết dịch vị cimetidin vừa dùng thuốc ngủ seduxen. Cimetidin vốn có tác dụng phụ gây lú lẫn, kích động, hoang tưởng. Dùng thêm seduxen tác dụng phụ này sẽ tăng lên, gây buồn ngủ kéo dài, không chủ động được, dễ bị té ngã.

Đang dùng thuốc trầm cảm sertralin (biệt dược: zoloft, lustral). Mất ngủ lại dùng thêm thuốc ngủ triazolam (biệt dược: hacion). Trầm cảm vốn là do thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh trong synap; người bệnh ở trong trạng thái bị ức chế (không ham thích, không muốn làm việc, buồn chán). Thuốc trầm cảm làm cho cơ thể phục hồi các chất dẫn truyền trong synap ngang với ngưỡng sinh lý, được coi là thuốc kích thích thần kinh trung ương (đến ngưỡng cần thiết). Thuốc ngủ triazolam lại ức chế hệ thần kinh trung ương. Dùng hai thuốc có tác dụng ngược nhau sẽ làm mất hiệu lực của nhau.

Bị cao huyết áp, dùng thuốc hạ áp (atenolol, nifedipin, lisinopril), bị hen lại dùng thêm thuốc hen chứa ephedrin hoặc corticoid (tiêm, uống) kéo dài. Ephedrin tăng cường hoạt động của thần kinh giao cảm làm cho tim đập mạnh, co mạch ngoại vi, gây tăng huyết áp; corticoid giữ muối nước, làm nước trong máu trong dịch gian bào tăng và tác động lên chuyển hóa glucid làm glucose - máu tăng… dẫn tới tăng huyết áp. Như vậy, các thuốc chữa hen làm mất hiệu lực của thuốc chữa cao huyết áp.

Dùng thuốc “bổ dưỡng” kèm với thuốc chữa bệnh không đúng gây trở ngại cho việc chữa bệnh:

Người bị bệnh mắt đã dùng mỗi ngày 2 viên tobicom (chứa vitamin A, 2.500 IU/viên) lại dùng thêm mỗi ngày 1 viên thuốc bổ pharmaton (cũng chứa vitamin A, 2.664 IU/viên). Tính cộng lại, đã dùng đến liều 7.664IU/ngày, cao hơn nhu cầu cần thiết (tối đa chỉ 5.000IU/ngày). Các nghiên cứu cho thấy: những người bổ sung vitamin A trên 5.000IU/ngày có mật độ chất khoáng xương thấp hơn 10% so với những người bổ sung ít hơn 5.000IU/ngày; có nguy cơ gãy cổ xương đùi gấp 2,1 lần so với người chỉ bổ sung mỗi ngày ít hơn 1.666 IU/ngày. Như vậy, trong trường hợp đã dùng tobicom, dùng thêm pharmaton gây thừa vitamin A, có hại cho xương.

Trong khi dùng thuốc chữa cao huyết áp, lại thường xuyên dùng viên sủi vitamin C, có khi dùng thường xuyên thay nước giải khát. Viên sủi chứa nhiều natribicarbonat ( NaHCO3) làm tăng lượng Na+ như khi ăn mặn muối Natrichorid ( NaCl). Na+ kéo ion canxi ( Ca+2) vào nhiều trong nội bào. Chính Ca+2 khi vào nội bào nhiều sẽ gắn kết với phức tropomin C, làm thay đổi cấu trúc không gian của phức này, bộc lộ actin, tạo điều kiện cho actin kết hợp với myosin gây co cơ. Sự co cơ thành tiểu động mạch tăng sẽ cản trở lưu thông máu, dẫn tới cao huyết áp. Như vậy, tá dược NaHCO3 trong viên sủi C làm giảm hiệu lực của thuốc chữa cao huyết áp.

Dùng phối hợp nhiều thuốc cùng cơ chế dược lý để chữa một bệnh không tăng thêm lợi ích mà tăng độ độc:

Trong điều trị, thầy thuốc cho phối hợp các thuốc chữa cùng một bệnh nhưng phải có cơ chế khác nhau. Ví dụ: trong bệnh đái tháo đường dùng riêng sulfonylure (glibenclamid) thì chỉ kích thích tuyến tụy, dùng riêng biguanid (metformin) thì chỉ ức chế gan phóng thích glucose từ glycogen. Dùng chung, sẽ phối hợp hai cơ chế này, tụy và gan không phải làm việc quá sức mà vẫn kiểm soát được đường huyết. Dùng riêng, phải dùng liều cao, sulfonylure có thể gây hạ đường huyết, biguanid có thể tăng axít lactic máu. Dùng chung, liều mỗi thành phần chỉ còn bằng 40 - 60% liều dùng đơn, nên không gây các tác dụng phụ này. Tuy nhiên, nếu người bệnh không biết phối hợp hai thuốc cùng cơ chế sẽ không lợi. Ví dụ: khi nhiễm khuẩn hô hấp cấp nặng, thầy thuốc đã cho dùng amikacin với liều thích hợp sẽ ức chế được vi khuẩn. Người bệnh sốt ruột dùng thêm cả gentamycin tiêm. Dùng chỉ amikacin đã đủ ức chế vi khuẩn; dùng thêm gentamycin không tăng thêm hiệu lực mà sẽ tăng độc tính với thính giác, gây điếc, vì cả amikacin, gentamycin đều có độc tính này.

Dùng biệt dược trùng lặp nên quá liều, gây độc:

Bị sốt, mới dùng paracetamol thấy chưa đỡ, vội vàng dùng thêm paradol, một biệt dược chứa paracetamol và ibuprofen. Như vậy là đã dùng paracetamol liều gấp đôi liều bình thường. Paracetamol nếu dùng đúng liều là lành tính nhưng dùng liều cao có thể gây viêm gan cấp.

Dùng tăng liều lượng, kéo dài thời gian dùng theo cảm tính… gây ra tai biến:

Mục đích dùng thuốc đái tháo đường là hạ đường huyết xuống ngang với ngưỡng sinh lý. Do sợ tăng đường huyết, đôi khi người bệnh tự ý tăng liều lên để phòng dư. Việc tăng liều phòng dư sẽ gây hạ đường huyết quá mạnh, xuống dưới mức an toàn sẽ gây hạ huyết áp, trụy mạch.

Mục đích dùng thuốc chữa cao huyết áp đưa huyết áp xuống mức chấp nhận được gọi là huyết áp mục tiêu. Người bệnh khi thấy trong người khó chịu, nhức đầu thì quy cho vì huyết áp tăng cao rồi tự ý dùng tăng liều thuốc cao huyết áp. Thực ra, trong người khó chịu hay nhức đầu chưa hẳn do cao huyết áp, có khi do một lý do khác. Tăng liều thuốc hạ huyết áp không đúng có khi gây tụt huyết áp đột ngột, trụy mạch.

Kháng viêm không steroid (aspirin, ibufrofen, diclofenac) chỉ làm giảm đau, giảm viêm. Trong bệnh mạn viêm khớp dạng thấp, chỉ khi đau viêm không chịu được mới dùng thuốc này. Có người cứ hơi đau, chưa đến mức cần, đã vội dùng thuốc, kết quả là dùng nhiều đợt, những đợt đó rất gần nhau. Lẽ ra, khi giảm đau giảm viêm đến mức cơ thể có thể chịu đựng được thì ngừng dùng. Môt số người muốn khỏi hẳn nên kéo dài thời gian dùng ra. Do đó thuốc phát sinh tác dụng phụ, đầu tiên là viêm loét dạ dày vi thể (phải soi mới thấy, không có biểu hiện lâm sàng); về sau viêm loét dạ dày thực sự, có dấu hiệu lâm sàng, X-quang rõ.

Làm thế nào để hạn chế việc dùng quá nhiều thuốc?

Về người bệnh: cần khám, dùng thuốc theo chỉ định. Thầy thuốc sẽ:

- Chỉ cho dùng thuốc chữa bệnh chính, khi bệnh chính đỡ, theo đó, triệu chứng phụ cũng hết. Ví dụ: chỉ dùng thuốc chống tiết dịch vị cimetidin; khi bệnh dạ dày đỡ, không còn khó chịu, sẽ ngủ được, không nhất thiết phải dùng seduxen.

- Trong trường hợp cần dùng cùng lúc hai thuốc chữa hai bệnh khác nhau, thầy thuốc chọn các thuốc thích hợp để chúng không cản trở nhau.Ví dụ: thầy thuốc cho dùng thuốc chữa cao huyết áp, vẫn cho dùng thuốc kiểm soát hen nhưng không dùng ephedrein, corticoid tiêm uống… mà dùng corticoid hít. Corticoid hít dùng liều nhỏ, có tác dụng tại chổ, không gây tác dụng phụ tăng huyết áp.

- Khi chữa một bệnh, nếu cần phối hợp, thầy thuốc sẽ kết hợp hai loại có cơ chế dược lý khác nhau sẽ tăng hiệu quả mà độc tính sẽ giảm.Ví dụ như phối hợp 3 - 4 kháng sinh có cơ chế tác dụng khác nhau trên vi khuẩn lao để chữa bệnh lao.

- Khi người cao tuổi thường xuyên dùng thuốc chữa bệnh mạn tính thì lúc đi khám bệnh đột xuất cần mang theo y bạ để thầy thuốc biết đang dùng thuốc gì nhằm tránh tương tác khi khi kê đơn chữa bệnh đột xuất.

Về phía bệnh viện:

Riêng các bệnh viện có tổ chức nhiều đơn nguyên khám chuyên khoa cần bố trí thầy thuốc (đúng ra là bố trí phòng tổng hợp cuối cùng), xem lại các đơn mà các chuyên khoa đã cho, trao đổi lại với thầy thuốc, lược bỏ các thuốc thừa, các thuốc gây tương tác.

DS.CKII. BÙI VĂN UY

Theo suckhoedoisong.vn

 

Tệp đính kèm