Cập nhật: 11/08/2016 08:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hồ Bảo Linh hoang sơ, hùng vĩ như viên ngọc giữa núi rừng, nó mang lại cảm giác thích thú cho những ai thích khám phá và gần gũi với thiên nhiên. Chuyến dã ngoại trong ngày đã cho chúng tôi nhiều trải nghiệm thú vị.

Hồ Bảo Linh thuộc xã Bảo Linh - huyện Định Hóa, một xã miền núi cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 60km. Hồ rộng mênh mông, sương giăng mờ ảo, nhấp nhô hòn đảo trồng keo, cây ăn quả, đồi cọ, đồi chè soi bóng xuống mặt nước. Mặt hồ thấp thoáng những chiếc thuyền gỗ cùng trại nuôi cá lồng của ngư dân. Mát mẻ và thoáng đãng, cảm giác mệt mỏi tan biến ai nấy đều khoan khoái lạ thường.

Lên xuồng máy chúng tôi dạo quanh hồ, càng được cảm nhận rõ hơn sự trong lành, tĩnh lặng. Nước hồ xanh biếc bắt nguồn từ nhiều khe suối lớn trên núi. Trên thuyền có thể nhìn rõ những chú tôm cá tung tăng bơi lội.

Theo như lời anh Hoàng Văn Tập - cán bộ văn hóa xã thì: Năm 1987, hồ chỉ là một con suối lớn, chính quyền quyết định xây dựng công trình thủy lợi để vừa chống lũ lụt vừa cung cấp nước tưới tiêu cho Bảo Linh và 6 xã xung quanh. Người dân hưởng ứng nên tình nguyện hiến đất. Hồ bắt đầu hoạt động từ năm 1992, bà con cũng được hưởng lợi từ việc khai thác nguồn thủy sản dồi dào.

 Trên hồ có đảo Đồi Đình, thực vật tươi tốt, đa dạng là một điểm nhấn hấp dẫn với du khách. Ra đây, có thể ghi lại những bức ảnh kỉ niệm rất đẹp và được nghe những câu chuyện huyền bí về đảo…

 

Hồ có khoảng 10 trại nuôi cá lồng của người dân xung quanh. Họ dựng bè sinh hoạt ngay trên đó. Dự án nuôi cá lồng của huyện bắt đầu được triển khai từ năm 2014 và đến nay đạt kết quả tốt: cá ít mắc bệnh, tỷ lệ sống gần 100%, một lứa trừ chi phí, lãi gần 130 triệu đồng. Thỉnh thoảng có đoàn khách từ các trường đại học, khách trong và ngoài tỉnh đến đây để tham quan học hỏi.  Được biết hồ là một trong ít nơi tại Thái Nguyên áp dụng thành công mô hình nuôi cá lồng. Nhìn những chú cá diêu hồng nầng nẫng chen chúc nhau quẫy đuôi tranh mồi mới thấy khả năng về thủy sản nơi đây.

Trời hửng nắng, ở hai khu đập tràn những đàn trâu, đàn dê nhởn nhơ gặm cỏ. Bà con dân tộc Tày, Sán Chí sống tại bản Pù, bản Thoi, Lải Khàn bắt đầu đeo gùi, dắt dao lên đồi làm nương rẫy. Trên đường thấp thoáng một vài bóng áo chàm đang rảo bước để kịp phiên chợ. Dù ngay cạnh đó là “Trung tâm thương mại”  thực ra là một cái chợ mới của xã - được xây dựng khá hoành tráng nhưng gần như không hoạt động, người dân quen nếp vẫn đi một đoạn đường dài hơn để đến chợ phiên được họp 5 ngày một lần.

Không chỉ mang vẻ đẹp thiên nhiên, cách đó không xa tại Bảo Linh còn có khu di tích lịch sử kháng chiến Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam tại thôn Bảo Biền, xã Bảo Linh. Nơi đây, cơ quan Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam đã làm việc giúp Tổng quân ủy, Bộ Tư lệnh hoạch định và chỉ đạo đường lối, chủ trương kế hoạch tác chiến và xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từ năm 1949 đến 1954. Cạnh đó là di tích nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cùng gia đình sống và làm việc ở đây từ 1949 đến 1954 và đã từng được Bác Hồ ghé thăm. Hai khu di tích tuy không thật quy mô và vẫn đang tiếp tục xây dựng. Đến đây thăm, du khách sẽ hiểu rõ hơn về những vất vả, khó khăn trong sinh hoạt, làm việc của những người lãnh đạo kháng chiến và một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Chúng tôi quây quần trên nhà sàn ngắm cảnh hồ và thưởng thức bữa trưa. Những món ăn thường ngày của người dân nhưng với du khách đều là “đặc sản”: cá diêu hồng nuôi lồng, thịt gà đồi, nhộng cọ… chế biến đơn giản nhưng mang hương vị hấp dẫn của núi rừng.

Chủ đạo của bữa ăn là các món chế biến từ cây cọ - thứ cây gắn liền với cuộc sống của đồng bào tự bao đời. Nõn cọ, thái lát mỏng sau đó xào với rau mùi tàu hay làm nộm cùng với hoa chuối rừng… Đặc biệt, món nhộng cọ vừa béo vừa bùi giòn tan trong miệng. Những chú nhộng trắng tinh béo mẫm bằng ngón tay trỏ (loại nhộng này ăn mùn trong thân cây cọ), được rửa sạch, cho vào chảo chao với dầu ăn cho vàng ruộm rồi rắc lá chanh thái nhỏ, là được một món ăn vừa lạ vừa bổ dưỡng và rất hiếm.

Cuối buổi, chúng tôi cùng thử sức với trải nghiệm giã và làm bánh giầy của người dân tộc. Ở thành phố thỉnh thoảng được thưởng thức những thứ quà quê thơm ngon đó nhưng đến hôm nay được trực tiếp “sản xuất” mới thấy làm ra nó cũng thật khó. Tỉ mỉ từ khâu ngâm gạo và pha trộn nguyên liệu. Dưới sự hướng dẫn của những người dân hiếu khách, con trai thì giã bánh, con gái thì nặn bánh. Dù mệt nhưng ai cũng háo hức nhất là các chị em gái. Chỉ một loáng chúng tôi đã có những sản phẩm ưng ý. 

Hồ Bảo Linh hình lòng chảo, rộng 82 ha là hồ lớn thứ hai tại tỉnh Thái Nguyên, sau Hồ Núi Cốc, dù có tiềm lực về thủy sản và du lịch như vậy nhưng điều đáng tiếc nó vẫn chưa phát huy được. Anh Tập chia sẻ: Xã cách xa với quốc lộ, đường xá đi vào chưa được thuận lợi. Từ thành phố lên đây chỉ có duy nhất một chuyến xe. Hồ chỉ được vài “phượt thủ”, “cần thủ” (thỉnh thoảng có cần thủ vẫn hay câu được cá chép và cá trắm nặng trên 20 kg) hoặc khách du lịch tiện đường ghé qua. Cá lồng, sản phẩm sạch nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Và thứ quan trọng nhất là dịch vụ chưa có để chiều lòng khách bởi bà con chưa ý thức được nguồn lợi từ du lịch. Người dân nghèo, chủ yếu tập trung làm nương rẫy. Là xã 135, 70% là người dân tộc thiểu số, toàn xã có 619 hộ thì có đến 269 hộ nghèo. Người dân Bảo Linh thiếu thốn nên phần đất rừng, đồi cọ ven hồ đang bỏ dần để trồng cây keo thay thế. Cảnh quan nơi đây có nguy cơ bị ảnh hưởng.

 

Nhà chị Ma Thị Thu Hoài là cơ sở dịch vụ du lịch duy nhất ở đây. Chị Hoài người Tày, sinh ra và lớn lên tại Bảo Linh, mê nhiếp ảnh, đi nhiều nơi, chị nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn của quê hương. Khi thấy có vài nhóm người thường đến để ngắm cảnh và tổ chức ăn uống chị quyết định biến nhà ở của mình thành “nhà hàng Sóng Hồ” phục vụ du lịch ăn uống và giải trí. Chị vừa là bà chủ, vừa là hướng dẫn viên và kiêm luôn đầu bếp. Thấy có nhiều đoàn khách đến tham quan mô hình nuôi cá lồng, chị mạnh dạn mua chiếc xuồng máy trị giá 40 triệu đồng để phục vụ du khách. Đây có thể là một bước đi khá liều lĩnh nhưng chị rất tin tưởng tiềm năng của hồ bởi theo lời chị: Khách không nhiều bởi nơi này vẫn xa lạ với mọi người. Du khách đến Định Hóa chủ yếu đi đến ATK hoặc những điểm du lịch, di tích đã có tiếng. Nhưng ghé qua Bảo Linh một lần, nhất định sẽ nhớ về nơi đây.

Và niềm tin của chị hoàn toàn có cơ sở vì trong năm 2015 UBND tỉnh đã quy hoạch khu vực này thành Khu du lịch lịch sử sinh thái liên hoàn Chùa Hang - Nhà tù Chợ Chu - hồ Bảo Linh. Dự án diễn ra từ 2015- 2030, hồ Bảo Linh sẽ trở thành một khu du lịch sinh thái với đầy đủ các dịch vụ: ẩm thực, nghỉ dưỡng…, bà con sẽ được hưởng lợi từ dự án. Hiện nay dự án đang trong giai đoạn thu hút nhà đầu tư, ngay sau đó sẽ được xây dựng và hoàn thiện dần. Mong rằng với tiềm năng sẵn có trong tương lai hồ Bảo Linh sẽ được nhiều du khách tìm đến.

 ST

Tệp đính kèm