Cập nhật: 20/08/2016 09:49:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tối 18/8, triển lãm chuyên đề “12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam” đã chính thức khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Triển lãm đã chính thức khai mạc tối 18/8. (Ảnh: TTXVN)

Triển lãm giới thiệu tới công chúng khoảng 200 bức tranh và hiện vật liên quan đến việc vẽ tranh dân gian; trong đó, tranh thờ chiếm số lượng lớn.

Những tác phẩm trưng bày lần này thuộc các dòng tranh: tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh làng Sình, tranh Kim Hoàng, tranh Đồ Thế Nam Bộ, tranh Kính Nam Bộ, tranh thờ đồng bằng, tranh Kính Huế, tranh thờ miền núi, tranh Gói vải, tranh Thập vật và tranh vải.

Đây là dịp để du khách trong nước và quốc tế tìm hiểu về những nét đặc trưng của các dòng tranh dân gian Việt Nam.

Tranh Hàng Trống

Dòng tranh Hàng Trống phát triển ở các phố Hàng Trống, Hàng Nón (Hà Nội); thường có hai loại là tranh thờ và tranh Tết, trong đó, số lượng tranh thờ chiếm khoảng 80%.

Khuynh hướng tranh trục cuốn phương Đông được sử dụng nhằm tạo không gian có nhiều mảng trống, gợi cảm và thanh cảnh theo thị hiếu của dân thành thị.

 

Tranh Hàng Trống. (Ảnh: BTC)

Tranh Hàng Trống nét mảnh, tinh, yểu điệu. Do sử dụng được màu phẩm nên hòa sắc của tranh Hàng Trống rất phong phú, gợi được khối của không gian. Màu thường là lam - hồng, ngoài ra còn có thêm lục - đỏ, da cam - vàng.

Tranh chỉ tạo khối ở nhân vật, không có khái niệm về không gian xa, gần.

Tranh Đông Hồ

Trong các loại tranh chơi Tết của vùng châu thổ Bắc Bộ, tranh dân gian Đông Hồ là điển hình hơn cả. Dòng tranh này ra đời từ khoảng thế kỷ 16-17 và phát triển mạnh cho đến nửa đầu thế kỷ 20.

Đây là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động đời sống xã hội nông nghiệp Việt Nam cổ truyền với các phong tục, tập quán sinh hoạt.

Phần lớn bảng màu của tranh sử dụng chất liệu trong tự nhiên như trắng của sò điệp, đen của than lá tre già, đỏ của gỗ vang, xanh của lá chàm, vàng của hoa hòe,… Những màu nguyên ấy đều được in mảng bẹt cạnh nhau không cần màu trung gian.

 

Tranh dân gian Đông Hồ. (Ảnh: BTC)

Về thể loại, dựa vào nội dung, có thể chia tranh Đông Hồ thành nhiều loại: tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh phản ánh sinh hoạt…

Tranh làng Sình

Tranh làng Sình là dòng tranh mộc bản được sử dụng phổ biến ở cố đô Huế với mục đích cúng lễ. Cúng xong sẽ mang đốt. Vì vậy, đến nay, chỉ còn những bản khắc gỗ là hiện vật quý giá còn lưu giữ được ở nhà ông Kỳ Hữu Phước (một nghệ nhân làm tranh lâu năm ở làng Sình).

Người dân thờ tranh với ước vọng người yên, vật thịnh.

Bên cạnh các đề tài tín ngưỡng, phục vụ thờ cúng, tranh làng Sình còn có tranh tố nữ, tranh tả cảnh sinh hoạt xã hội. Tranh có nhiều cỡ khác nhau, ứng với nó là kiểu in vẽ cũng khác nhau.

 

Tranh làng Sình được sử dụng phổ biến ở Huế với mục đích cúng lễ. (Ảnh: BTC)

Giấy in tranh là giấy mộc quét điệp. Màu sắc trước đây được tạo từ các sản phẩm tự nhiên (thực vật, kim loại hay sò điệp). Điểm nổi bật ở tranh làng Sình là đường nét và bố cục còn mang tính thô sơ chất phác.

Tranh Kim Hoàng

Tranh dân gian Kim Hoàng (Hoài Đức,Hà Nội) hình thành vào nửa sau thế kỷ 18,  có đủ các loại tranh thờ cúng, tranh chúc tụng.

Lối chữ thảo trên góc trái tạo nên điểm khác biệt cho dòng tranh này. Cả thơ và hình vẽ tạo nên một chỉnh thể hài hoà, chặt chẽ cho tranh.

Tranh Kim Hoàng in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều, hoặc giấy vàng tàu nên còn được gọi là tranh Đỏ. Ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Vì thế, mỗi bức tranh có một diện mạo riêng, dù cùng được in ra từ một bản khắc.

Tranh Đồ Thế Nam Bộ

Tranh Đồ Thế Nam Bộ xuất hiện ở nhiều nơi tại miền Trung và Nam Bộ.

Dòng tranh này có cùng tính chất như tranh Làng Sình nhưng thường là những bức tranh nhỏ, chỉ in nét đen trên nền giấy đỏ, đường nét mộc mạc, tạo hình đơn giản, một tranh có thể gồm một hoặc nhiều hình.

Tranh Đồ Thế Nam Bộ có đề tài là các vị thần, tập trung vào các nữ thần và các đồ dùng của thần… .Tranh chủ yếu được mua về để cúng giải hạn hoặc cúng cho người bệnh, cúng xong sẽ mang đốt.

Tranh Kính Nam Bộ

Dòng tranh này có nhiều loại: tranh thờ tổ tiên, tranh Thần, tranh Phật, tranh chúc tụng, tranh cảnh vật...

Tranh Kính Nam Bộ có thể được vẽ thuần bằng sơn màu đa sắc (thêm ngân nhũ và kim nhũ) hoặc kết hợp với kỹ thuật tráng thủy.

 

Tranh Kính Nam Bộ. (Ảnh: BTC)

Tranh thờ đồng bằng

Dòng tranh này bao gồm nhiều loại: tranh thờ cúng các vị thần linh bảo trợ cho gia tộc, tranh thờ vẽ về các nhân vật huyền thoại và các nhân vật lịch sử, tranh thờ đạo Giáo, tranh thờ đạo Mẫu…

Tiền thân của nó là các loại “tranh” bùa (như Hà Đô, Bát Quái, Tử vi, Thiên ất…) dùng để trấn trừ ma quái, các bức tranh của Phật giáo và Đạo giáo bị “dân gian hóa” như Thập điện, Tam thanh…, được thể hiện theo phong cách dân gian.

Tranh Kính Huế

Đây là dòng tranh mang đặc trưng mỹ thuật cung đình Huế bởi xuất xứ, cách thể hiện cùng chất liệu độc đáo.

Phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng, dòng tranh này có nguồn gốc từ Trung Quốc, do triều Nguyễn đặt hàng tại các cơ sở sản xuất tranh gương dân gian ở vùng Hoa Nam.

Tranh kính được đóng trong những khung gỗ chạm thếp vàng. Các nghệ nhân dùng chất liệu là bột màu pha keo hoặc sơn để vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của kính.

 

Tranh Kính Huế thể hiện rõ đặc trưng mỹ thuật cung đình. (Ảnh: BTC)

Tranh Kính Huế gồm ba loại chính: tranh cao cấp (thể hiện các cảnh đẹp của Huế và vịnh các mùa trong năm đi kèm với thơ ngự chế, thường sử dụng bảng màu lạnh), tranh không có thơ ngự chế nhưng có đề rõ chủ đề (minh họa cho các điển tích trong lịch sử, thường được vẽ bằng màu đỏ ấm) và tranh tĩnh vật.

Tranh thờ miền núi

Cùng với tranh khắc, mỹ thuật dân gian Việt Nam còn có những bức tranh vẽ tay của các tác giả khuyết danh thuộc dân tộc thiểu số ở vùng miền núi phía Bắc: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan…

Tranh có lối bố cục hẹp, dài và dày đặc các nhân vật thần linh. Màu sắc tranh thờ thường là màu bột và một số màu lấy từ tự nhiên (đá sỏi son, lá chàm, hoa hòe, than lá tre, bột vỏ sò vỏ điệp…).

 

Tranh thờ miền núi. (Ảnh: BTC)

Tranh Gói vải

Đây là loại tranh tạo hình nổi trên lụa . được hình thành từ cuối thế kỷ 20 ở Nam Bộ.

Một bức tranh hình nổi trên lụa được bắt dầu từ khâu phác thảo vẽ nét. Nền tranh được người thợ vẽ bằng màu bột. Các chủ thêể chính của tranh (như người, con vật hoặc cây cối…) được dùng bông tạo hình; sau đó dùng vải, gấm hoặc lụa phủ lên rồi tạo nếp sao cho thật nhất. Sau cùng, keo sẽ được gắn lên mặt tranh đã được vẽ nền.

 

Tranh Gói vải. (Ảnh: BTC)

Tranh Thập vật

Đây là một loại tranh dân gian Bắc Bộ được sử dụng với mục đích tâm linh, gắn với tục "đưa cụ lên chùa" (nghĩa là sau khi chôn cất thì con cháu đưa vong linh của người đã khuất lên chùa).

Xét trên góc độ chuyên môn, tạo hình, tạo mảng, đường nét, khoảng để trống và thêm chữ cổ của tranh rất cô đọng, có nhiều giá trị về đồ họa tạo hình và để lại một số bài học hữu ích cho họa sỹ đương đại.

 

Tranh Thập vật. (Ảnh: BTC)

Tranh vải

Đây là dòng tranh phổ biến trong cộng đồng người Khơme. Tranh được vẽ bằng sơn trên vải, thường có nội dung về các truyền thuyết của đức Phật.

Triển lãm kéo dài đến đầu năm 2017./.

Theo AN NGỌC (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/chiem-nguong-va-tim-hieu-ve-cac-loai-tranh-tho-cua-nguoi-viet/401868.vnp

Tệp đính kèm