Cập nhật: 23/08/2016 08:18:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tiểu đêm là biểu hiện thường gặp ở hầu hết người cao tuổi, đặc biệt ở nam giới. Có tới 90% nam giới cao tuổi phải thức dậy ít nhất một lần trong đêm để đi tiểu.

Viêm bàng quang gây tiểu đêm nhiều lần.

Tiểu đêm là biểu hiện thường gặp ở hầu hết người cao tuổi, đặc biệt ở nam giới. Có tới 90% nam giới cao tuổi phải thức dậy ít nhất một lần trong đêm để đi tiểu. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngủ kém hoặc phá vỡ giấc ngủ dẫn tới giảm khả năng làm việc, giảm chất lượng cuộc sống và có thể là triệu chứng tiềm ẩn của nhiều bệnh lý khác dẫn đến nguy cơ tử vong cao bao gồm cả bệnh tim mạch, bệnh thận, đái tháo đường, tăng huyết áp.

Được gọi là tiểu nhiều lần khi khoảng 15 - 20 phút đi tiểu một lần, trên 20 lần một ngày. Bệnh do nhiều yếu tố gây ra như bệnh ở đường tiết niệu, do thuốc, do bệnh nội khoa khác, do thói quen...

Bệnh lý đường tiết niệu

Tuyến tiền liệt: là một tuyến nhỏ nằm ở phía dưới của bàng quang, bao quanh phần đầu của niệu đạo. Thường gặp nhất là tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Bệnh thường gặp ở nam giới, nguyên nhân vẫn chưa được xác định. Khi tuyến to ra sẽ dẫn đến ngăn cản dòng nước tiểu và kích thích bàng quang gây ra đi tiểu nhiều lần, đặc biệt vào ban đêm.

Viêm bàng quang: ngoài các biểu hiện đau khi đi tiểu, đi tiểu ra máu, tiểu són, còn gây ra đi tiểu nhiều lần, cả ban đêm.

Sỏi tiết niệu: những trường hợp sỏi thận có biểu hiện thường là tiểu buốt, tiểu dắt, cả ban ngày lẫn ban đêm.

Bàng quang tăng hoạt: một tình trạng rối loạn chứa đựng nước tiểu của bàng quang do cơ chóp bàng quang, gây ra tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, có hoặc không kèm theo mất tự chủ tiểu tiện.

Bệnh lý nội khoa khác

Tăng huyết áp và một số bệnh lý tim mạch khác: tiểu đêm có thể khiến tăng huyết áp thêm trầm trọng đặc biệt là làm tăng huyết áp ban đêm, đồng thời khi tăng huyết áp trở nên trầm trọng sẽ liên quan đến suy tim sung huyết và có thể gây nên đa niệu về đêm và gây nặng thêm chứng tiểu đêm.

Trầm cảm: có mối liên quan giữa tiểu đêm và trầm cảm mặc dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác.

Ngừng thở khi ngủ: là một trong những nguyên nhân gây ra đa niệu về đêm và gây chứng tiểu đêm. Điều trị chứng ngừng thở khi ngủ không những giảm tần suất tiểu đêm mà còn giảm nguy cơ tim mạch và tỷ lệ tử vong chung.

Đái tháo đường: kiểm soát đường huyết kém gây chứng tiểu đêm do đa niệu về đêm.

Do sử dụng thuốc: sử dụng các thuốc steroid, thuốc tim mạch: statin, thuốc chẹn beta, ức chế men chuyển, thuốc hướng tâm thần: ức chế tái hấp thu serotonin, chống loạn thần, các phenytoin, thuốc điều trị bệnh Parkinson, kháng receptor Leukotriene,... đều có thể gây ra tiểu đêm.

Do thói quen: Thói quen uống nhiều nước, ăn nhiều canh vào buổi tối; do sử dụng các chất kích thích như rượu, trà, cà phê: những chất này vừa có tác dụng lợi tiểu vừa kích thích bàng quang gây tiểu nhiều lần; do tuổi tác: người già khả năng tái hấp thu kém, bài tiết giảm, dẫn đến tình trạng phải đi tiểu nhiều lần hơn, kể cả vào ban đêm...

Tiểu đêm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống

Do phải thức dậy đi tiểu nhiều lần dẫn đến mất ngủ, ngủ không yên giấc, người bệnh thường khó chịu, bực tức, phiền muộn, lo lắng, cảm thấy bị già đi, dần dần sức khỏe bị suy giảm, tinh thần suy kiệt. Ngã là một trong số tai nạn rất đáng ngại do đi tiểu đêm gây ra.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi bị đi tiểu đêm thường xuyên, người bệnh nên sử dụng nhật ký đi tiểu để ghi chép lại lượng nước uống vào và thải ra trong 24g: lượng nước uống vào, số lần đi tiểu, lượng nước tiểu trong mỗi lần đi tiểu, ghi chú những bất thường như sử dụng thuốc lợi tiểu... Trên cơ sở đó bác sĩ sẽ có phương pháp xử trí (nếu tiểu đêm do bệnh lý gây nên thì tích cực chữa trị, nếu do các thói quen khác thì cần khắc phục).

BS. Yến Ngọc

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm