Ngày 25/8, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tọa đàm với chủ đề "Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam: Thực trạng và định hướng đổi mới trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế."
Sản xuất máy biến thế tại nhà máy sản xuất thiết bị điện Hanaka, Từ Sơn, Bắc Ninh. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì tọa đàm.
Báo cáo đề dẫn tọa đàm nêu rõ sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có những chuyển biến sâu sắc. Vị trí Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được cải thiện và đánh giá cao. Mục tiêu trở thành nước công nghiệp đã được Đảng kiên trì thực hiện, tuy nhiên cách thức đã có những thay đổi, đó là chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh.
Trên cơ sở đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là rà soát chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia cho phù hợp trong bối cảnh mới.
Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu Đề án về Chính sách Công nghiệp quốc gia.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia quốc tế và trong nước đã tập trung làm rõ những yêu cầu đặt ra trong xây dựng chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 phù hợp với bối cảnh mới, bảo đảm sự đồng bộ, tuân thủ đầy đủ các quy luật khách quan của cơ chế thị trường gắn liền với các yêu cầu về phát triển bền vững, đổi mới thể chế, cải cách nền hành chính quốc gia, phát huy tối đa các nguồn lực trong nước, đồng thời thu hút có hiệu quả các nguồn lực nước ngoài cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát huy vai trò tích cực của thị trường trong phân bổ các nguồn lực cho phát triển công nghiệp; xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.
Các chuyên gia đi sâu đánh giá, làm rõ thực trạng chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam, trong đó tập trung vào chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam trong 15 năm gần đây (từ Đại hội IX năm 2001 đến nay).
Trọng tâm làm rõ những mặt được và chưa được của Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 so với yêu cầu phát triển công nghiệp Việt Nam đã nêu tại Văn kiện Đại hội XII của Đảng và bối cảnh hội nhập mới hiện nay.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia đề xuất định hướng đổi mới chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam trong thời gian tới, nhằm phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tăng tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm, tập trung vào những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu…
Kết luận hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao ý kiến của các tổ chức, các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị cần phát huy những kết quả đã đạt được sau 30 năm đổi mới; hiểu rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức để trong thời gian tới đổi mới chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam theo nguyên tắc thị trường, nhằm phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tăng tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Bình lưu ý cần tập trung vào những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu.
Bên cạnh việc nghiên cứu chính sách đúng, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề triển khai thực hiện để đưa chính sách công nghiệp đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả./.
(TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/doi-moi-chinh-sach-cong-nghiep-theo-huong-tang-gia-tri-noi-dia/402814.vnp