Sức khỏe và cân nặng của trẻ khi sinh ra liên quan nhiều đến việc người mẹ tăng cân như thế nào trong thai kỳ.
Đái tháo đường thai kỳ có liên quan đến việc kiểm soát cân nặng của thai phụ.
Sức khỏe và cân nặng của trẻ khi sinh ra liên quan nhiều đến việc người mẹ tăng cân như thế nào trong thai kỳ. Những phụ nữ không tăng đủ cân trong thai kỳ có nhiều nguy cơ sinh con nhẹ cân. Những trẻ này gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Ngược lại, những phụ nữ tăng cân quá mức khi mang thai phải đối mặt với việc sinh nở khó, thường mất sức nhiều hơn, mất nhiều máu do em bé bị nặng cân và dễ dẫn đến các nguy cơ khác như béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch... Vậy để có một em bé khỏe mạnh thì trong thai kỳ, người mẹ cần tăng bao nhiêu cân là đủ? Mời các bạn cùng tìm hiểu và tham khảo bài viết dưới đây.
Mức tăng cân khi mang thai
Đối với thai phụ, sự tăng cân của các bộ phận trong cơ thể như sau: trẻ: 3.300g; bánh rau: 700g; nước ối: 900g; tuyến vú: 500g; trọng lượng tử cung: 900g; thể tích máu: 1.300g; mỡ cơ thể: 2.300g; mô và dịch cơ thể: 1.800g - 3.200g.
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, do bị nghén, có nhiều bà mẹ ít tăng cân hoặc không tăng cân nhưng nhìn chung vẫn tăng được khoảng từ 1-2kg. Trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ:
Đối với phụ nữ có cân nặng bình thường trước khi mang thai: mức độ tăng cân duy trì 0,4kg/tuần.
Đối với phụ nữ có cân nặng thấp: mức độ tăng cân duy trì 0,5kg/tuần;
Đối với phụ nữ thừa cân: mức độ tăng cân duy trì 0,3kg/tuần.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong 3 tháng đầu của thai kỳ, người mẹ nên tăng 1-2kg; 3 tháng giữa tăng 4-5kg; 3 tháng cuối tăng 5-6kg.
Tăng cân trong khi mang thai phụ thuộc vào tình trạng của người mẹ, không có thai kỳ nào giống thai kỳ nào, cũng không có người phụ nữ nào giống nhau hoàn toàn. Thai phụ cân nặng trung bình trước khi mang thai nên tăng khoảng 12 - 15kg. Thai phụ ít cân trước khi mang thai nên tăng 13-18kg. Trường hợp thai phụ thừa cân trước khi mang thai nên tăng khoảng 8-12kg. Nếu thai phụ mang song thai thì nên tăng 18-21kg.
Ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé
Cần cố gắng đạt được mức tăng thể trọng 12kg so với cân nặng của thai phụ. Việc tăng cân quá ít trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ sau này. Thai phụ tăng ít cân có nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai (các em bé khi chào đời nặng dưới 2,5kg). Nguy cơ sinh con thiếu tháng, trẻ nhẹ cân suy dinh dưỡng lại dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp kèm theo tình trạng thiếu máu, thiếu vitamin A và D…
Mặt khác, ngày nay, khi đời sống kinh tế, xã hội phát triển, việc tăng cân quá mức trong thai kỳ cũng dẫn đến nhiều nguy cơ không tốt cho sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Thai phụ tăng cân quá mức, thai nhi phát triển to hơn mức bình thường, nước ối nhiều dẫn tới việc bình chỉnh ngôi của thai nhi kém (ngôi thai không thuận), tử cung giãn rộng và chèn vào cơ hoành gây khó thở, chèn vào tĩnh mạch vùng chậu gây phù chân, cơ thể mệt mỏi. Tăng cân quá mức sẽ khó sinh nở do đầu thai nhi to, không lọt xuống thấp. Ngay cả khi đầu thai nhi đã lọt thấp xuống, quá trình sinh nở vẫn diễn ra chậm, đầu dễ bị chèn ép vào khung chậu, xương vai mắc kẹt ở khoang chậu mẹ. Nếu xử lý không kịp thời có thể khiến bé bị ngạt. Bởi vậy, đa phần những trường hợp thai nhi có cân quá nặng, các bác sĩ thường có chỉ định sinh mổ. Tăng cân quá mức còn có nguy cơ tiền sản giật, thai bất thường, bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp… Trẻ sinh ra dễ béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Lời khuyên của thầy thuốc
Ðể kiểm soát cân nặng trong thai kỳ, thai phụ cần đi khám thai định kỳ để đo kích thước của tử cung. Trong quá trình khám thai, thai phụ sẽ được kiểm tra các chỉ số sức khỏe đồng thời theo dõi diễn biến cân nặng, diễn biến tăng trưởng của thai nhi thông qua thăm khám và siêu âm.
Ðể tăng cân hợp lý khi mang thai, bên cạnh chế độ dinh dưỡng đủ dưỡng chất thiết yếu cho cả mẹ và thai nhi, thai phụ cần rèn luyện thể lực đều đặn, phù hợp với sức khỏe như đi bộ, yoga giúp cho việc sinh con sau này cũng như việc duy trì cân nặng trở nên dễ dàng hơn. Trường hợp tăng cân quá ít hoặc quá nhiều, thai phụ nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều chỉnh kịp thời giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh.
ThS. Bùi Thị Nhung
Theo suckhoedoisong.vn