Sa sút trí tuệ là một rối loạn của não bộ làm cho con người mất đi những chức năng trí nhớ và nhận thức bình thường trước đây của mình.
Não tổn thương do bệnh Alzheimer dẫn đến sa sút trí tuệ.
Sa sút trí tuệ là một rối loạn của não bộ làm cho con người mất đi những chức năng trí nhớ và nhận thức bình thường trước đây của mình. Người bị sa sút trí tuệ gặp khó khăn trong ghi nhớ, học tập và giao tiếp. Sa sút trí tuệ cũng có thể làm người bệnh thay đổi khí sắc và cá tính. Sau một thời gian, bệnh sẽ làm cho họ không tự săn sóc được bản thân. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, ngày nay, cuộc sống hiện đại, nhiều phức tạp, áp lực… khiến bệnh đãng trí, suy giảm trí nhớ đang gia tăng ngày một nhanh chóng. Đáng lo ngại, căn bệnh này đã xuất hiện nhiều ở người trẻ.
Biểu hiện thường gặp
Sa sút trí tuệ không phải một căn bệnh chuyên biệt mà là một nhóm gồm nhiều triệu chứng khác nhau. Ở giai đoạn sớm, biểu hiện thường gặp nhất của sa sút trí tuệ là giảm trí nhớ gần. Bệnh nhân có thể quên điều mình vừa nói và lặp đi lặp lại câu này nhiều lần trong vài phút. Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân cũng gặp khó khăn khi tìm từ diễn đạt ý mình muốn nói hoặc giải thích một điều gì đó. Làm trước quên sau, bệnh nhân gặp khó khăn khi tiêu tiền, giảm kỹ năng mua sắm, gặp khó khăn khi đi lại, lúc dùng điện thoại... hay khó khăn trong việc sử dụng hoặc làm những công việc hằng ngày như lái xe, nấu ăn...
Ở mức độ trung bình, bệnh nhân bị giảm khả năng thực hiện các công việc thường ngày như: ăn uống, vệ sinh cá nhân, lựa chọn quần áo. Bệnh nhân không thể nhớ được thông tin mới, mất định hướng, có thể quên ngày tháng, những sự vật xung quanh mình… Khi đó, người bệnh cũng dễ bị ngã hoặc có tai biến do sự nhầm lẫn và giảm phán đoán. Có khoảng 25% bệnh nhân xuất hiện hoang tưởng và ảo giác.
Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân mất hoàn toàn về trí nhớ ngắn hạn, dài hạn nên không thể thực hiện những sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, vệ sinh cá nhân, đi lại và lệ thuộc hoàn toàn vào người thân…
Ngoài ra, bệnh nhân hay than phiền là bị quên hết cả và có những thay đổi nhân cách như vẻ mặt ngơ ngác, thái độ thờ ơ với mọi người... Trong những tình huống khó khăn hay bức xúc thì sự suy giảm trí tuệ có thể biểu lộ rõ rệt. Đa số bệnh nhân sa sút trí tuệ bề ngoài vẫn có vẻ bình thường nên không phát hiện sớm được bệnh. Do giảm trí nhớ và nhận thức nên bệnh nhân gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, bệnh nhân ngày càng bị động và dần dần lẩn tránh mọi giao tiếp xã hội. Những bệnh nhân sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu còn có thêm các biểu hiện thần kinh khu trú như: yếu cơ, liệt cơ, rối loạn cảm giác, rối loạn phản xạ.
Nguyên nhân do đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ, trong đó bệnh Alzheimer hay còn được gọi là lú lẫn tuổi già là nguyên nhân hàng đầu của sa sút trí tuệ. Thông thường, đây là kết quả của tiến trình hoạt động thần kinh chậm dần do tuổi tác.
Tiếp theo, bệnh do nguyên nhân mạch máu gồm: bệnh não chất trắng xơ cứng động mạch dưới vỏ Binswanger; sa sút trí tuệ đa ổ khuyết dưới vỏ do tăng huyết áp và đái tháo đường… không điều trị hoặc điều trị không hiệu quả; sa sút trí tuệ do xuất huyết não; nhồi máu não đa ổ; nhồi máu não ở các vị trí hạch nền, đồi não, vùng trán...
Bên cạnh đó, còn có một số bệnh lý như sốt cao, cơ thể bị mất nước, thiếu vitamin và suy dinh dưỡng, tác dụng phụ của thuốc, bệnh lý tuyến giáp, nghiện rượu hoặc chấn thương đầu cũng có thể gây ra sa sút trí tuệ. Sa sút trí tuệ do nhóm này thường diễn tiến nhanh và mau trở về trạng thái bình thường khi loại bỏ được nguyên nhân gây bệnh.
Khi nào nên đi khám bệnh?
Hãy đi khám bệnh nếu bạn hoặc người thân cảm thấy có vấn đề về trí nhớ hay có các triệu chứng khác của sa sút trí tuệ. Một vài bệnh lý gây sa sút trí tuệ có thể điều trị được, vì thế, việc xác định được nguyên nhân của sa sút trí tuệ là rất quan trọng.
Bệnh Alzheimer và một vài thể sa sút trí tuệ khác sẽ tiến triển xấu đi theo thời gian. Chẩn đoán sớm sẽ cho người bệnh khắc phục được tình trạng của bệnh.
Chẩn đoán và điều trị
Sau khi khám lâm sàng và làm một số xét nghiệm, các bác sĩ dùng các test kiểm tra nhận thức và tâm lý thần kinh để đánh giá chức năng nhận thức của bạn. Một số test dùng để lượng giá các kĩ năng nhận thức như trí nhớ, định hướng, lí lẽ, kĩ năng phán đoán, ngôn ngữ và sự chú ý. Bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) hay chụp cộng hưởng từ (MRI Scan) não để tìm bằng chứng của đột quỵ thiếu máu não hay xuất huyết não và loại trừ u não.
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu căn bệnh này, chủ yếu dùng thuốc chỉ để làm chậm tiến triển của bệnh. Vì thế, phòng ngừa vẫn là quan trọng nhất, đặc biệt khi các yếu tố nguy cơ ngày càng nhiều hơn.
Trong giai đoạn đầu của sa sút trí tuệ, giữ gìn và tập luyện trí nhớ cho người bệnh là điều rất quan trọng. Các thành viên trong gia đình cần có các hoạt động vui vẻ và tránh buồn phiền, giao lưu trò chuyện và duy trì tâm trạng bình thản là rất cần thiết.
Để phòng tránh và điều trị hiệu quả, xu hướng hiện nay là phát hiện sớm và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ với hy vọng làm giảm hoặc chậm khởi phát bệnh. Ngoài ra, việc phòng bệnh sa sút trí tuệ cần thực hiện từ khi còn rất trẻ bằng cách ăn uống hợp lý. Các nhà nghiên cứu khuyên chế độ ăn tốt cho trí nhớ như: ăn nhiều rau, hoa quả, đậu, cá, bổ sung dầu ôliu… không ăn quá nhiều thịt, muối, đồ ăn nhanh, thức ăn công nghiệp, thức ăn chứa phẩm màu độc hại, các loại nước ngọt có ga, bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia...; bổ sung đầy đủ các vitamin B12, B6, folat trong khẩu phần ăn sẽ làm giảm nồng độ homocystein; Tập thể dục đều đặn, tăng cường hoạt động trí óc, tham gia các hoạt động xã hội... và giữ tinh thần ổn định thoải mái là những phương cách hay nhất để phòng ngừa bệnh lý sa sút trí tuệ.
Cần thay đổi sinh hoạt: Nên duy trì đi bộ (nhanh) 30-45 phút ít nhất 3 lần mỗi tuần. Mỗi đêm ngủ đều đặn khoảng 8 giờ, giảm stress...
BS. NGUYễN BÍCH NGỌC
Theo suckhoedoisong.vn