Sau hơn 3 tháng có hiệu lực Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều bất cập, vướng mắc.
Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi có Nghị
quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ DN (Ảnh minh họa: KT)
Nghị quyết 35 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16/05/2016 với 5 nhiệm vụ cụ thể và hàng loạt giải pháp nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, hướng tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả, đóng góp khoảng 48-49% GDP/năm. Đây được coi là một luồng gió mới từ những quyết sách của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển toàn diện. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng có hiệu lực, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều bất cập, vướng mắc.
Nghị quyết 35 được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một kế hoạch sâu rộng và dài hơi không chỉ cho năm 2016 mà cả cho giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết thể hiện quan điểm và mong muốn cùng các giải pháp cụ thể của Chính phủ để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp với 5 hỗ trợ quan trọng từ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho đến bảo vệ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong môi trường kinh doanh.
Để triển khai Nghị quyết, nhiều bộ ban ngành đã vào cuộc và có những hành động cụ thể, như: Bộ Giao thông vận tải ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35 với nhiều nhóm giải pháp tập trung rà soát điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT hợp lý nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ban hành Quyết định số 922 để thực hiện Nghị quyết 35; đồng thời, thành lập Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục tiêu gỡ khó cho doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận vốn.
Bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Quỹ sẽ triển khai các chương trình tăng cường năng lực giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực quản trị của mình để triển khai tốt dự án. Ngoài ra, các hoạt động của các tổ chức, các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khác cũng đang rất chú trọng đến việc giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Rất nhiều chương trình của Chính phủ, của các bộ ngành đưa ra như xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Với những tín hiệu ban đầu của các bộ, ngành nhằm triển khai Nghị quyết 35, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội đã và đang tin tưởng luồng gió mới của Chính phủ. Kỳ vọng vào những giải pháp, quyết sách mới của Chính phủ là rất lớn, song ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, tiếp cận tín dụng, thủ tục hành chính, pháp lý…
“Có một điều rõ nét nhất là chủ trương của Thủ tướng đã được nhận thức và triển khai đến tất cả các địa phương, các bộ, ngành, các luật đang được sửa hoặc đang hoàn chỉnh các hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Nói chung so với trước thì việc triển khai Nghị quyết có khẩn trương hơn nhưng tháo gỡ cho doanh nghiệp vẫn còn chậm. Tất cả đều đang trong giai đoạn triển khai, chưa có những kết quả rõ nét, doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn, chưa có thể thoát ra được”- ông Cao Sĩ Kiêm nhận xét.
Một trong những điểm nổi bật được các doanh nghiệp đánh giá cao và đặt nhiều kì vọng là thực hiện Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; đặc biệt, các cơ quan chức năng không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá một lần/năm (trong khi trước đây trung bình mỗi năm doanh nghiệp phải tiếp vài chục đoàn thanh kiểm tra khác nhau).
Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết: Hiện có một điều rất đáng lo ngại là chi phí không chính thức vẫn tiếp tục tăng lên, các doanh nghiệp khẳng định rằng họ phải chi trả các chi phí không chính thức càng ngày càng lớn. Ngay cả tại các trung tâm kinh tế lớn thì chỉ số này cũng tăng lên một cách rõ rệt.
Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 8, trái ngược với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm thì số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, phá sản, giải thể lại tăng lên. Lũy kế 8 tháng qua, cả nước có trên 40.400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh, hoàn tất thủ tục phá sản. Điều này khiến cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục quan ngại về hiệu quả thực thi của Nghị quyết số 35.
Để đưa Nghị quyết 35 vào cuộc sống, đáp ứng đúng kỳ vọng của doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng: “Chúng tôi kỳ vọng là từ thông điệp phải biến thành các hành động, bởi như vậy thì mới có thể giúp đỡ cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi cũng mong muốn là sẽ có sự đánh giá và sắp xếp lại các bộ máy ở dưới từ cấp chuyên viên đến trưởng phòng, bởi vì chính sách từ con người, phải từ con người thay đổi thì chính sách mới hiệu quả được”.
Nghị quyết được đánh giá là có tầm về hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng nếu chậm triển khai và không có quyết tâm biến khẩu hiệu thành hành động thì kì vọng về điểm sáng chính sách trong Nghị quyết 35 cũng sẽ khó lòng đến được với doanh nghiệp và mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả trong năm 2020 sẽ khó có thể đạt được./.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN - Trung tâm Tin