Tràn khí màng phổi là bệnh gặp chủ yếu ở người trưởng thành với nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Màng phổi gồm 2 lá: lá thành và lá tạng, giữa hai lá là khoang màng phổi. Bình thường trong khoang màng phổi cũng có một ít dịch (dịch sinh lý bình thường) để cho màng phổi hoạt động dễ dàng, nhịp nhàng, trơn tru, nhưng là một khoang có áp lực âm (không có khí). Vì một lý do nào đó không khí lọt vào được trong khoang màng phổi sẽ gây nên các tình trạng bệnh lý khác nhau.
Nguyên nhân nào?
Tràn khí màng phổi xuất hiện với nhiều lý do phức tạp khác nhau có thể là tiên phát hoặc thứ phát. Nguyên nhân đa dạng, có thể là do nhiễm trùng ở phổi (áp-xe phổi vỡ, lao phổi, viêm phế nang do virút, bụi phổi, bệnh khí phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vỡ bóng khí phế nang…), cơn hen suyễn nặng, hoặc do chấn thương lồng ngực gây xuyên thủng phổi, chấn thương gãy xương sườn làm thương tổn phổi hoặc áp-xe ở cơ quan khác vỡ tràn vào màng phổi (áp-xe cơ hoành…). Trong các bệnh phổi gây tràn khí màng phổi, lao phổi chiếm tỉ lệ cao nhất (khoảng 40%). Ngoài ra, tràn khí màng phổi có thể xảy ra do một số thủ thuật (chọc dò, nội soi phế quản, sinh thiết phế quản, đặt nội khí quản, dẫn lưu màng phổi…).
Triệu chứng
Triệu chứng đầu tiên là cơn đau ngực đột ngột dữ dội như dao đâm, như xé phổi, làm bệnh nhân không dám thở sâu, ho dữ dội và ho làm đau tăng lên. Có thể có choáng (tái xanh người, vã mồ hôi, mạch đập nhanh, nông, huyết áp tụt, tay chân lạnh, vã mồ hôi, tinh thần hốt hoảng, lo âu), sau vài giờ triệu chứng giảm dần. Những triệu chứng sốc này dần dần giảm cùng với các triệu chứng đau và khu trú ở vùng xương bả hay dưới núm vú.
Triệu chứng kèm theo là khó thở. Khó thở xảy ra ngay sau người bệnh đau nhói ở ngực gây khó thở mạnh, người bệnh thường ở trong tình trạng sốc. Nếu tràn khí màng phổi không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến nguy kịch do xẹp phổi, suy hô hấp.
Để xác định tràn khí màng phổi, ngoài các triệu chứng lâm sàng điển hình cần chụp X-quang phổi (thẳng, nghiêng), nếu có điều kiện nên chụp cắt lớp vi tính, tốt hơn là chụp cộng hưởng từ, đo khí máu…
Biến chứng
Các biến chứng do tràn khí màng phổi có thể gây xẹp phổi, suy hô hấp, tràn khí dưới da, nhưng đáng lo ngại nhất là tràn khí màng phổi trung thất. Bởi vì, các động mạch, tĩnh mạch phổi, quai động mạch chủ, các dây thần kinh trong khu vực trung thất, tim bị khí trực tiếp đè ép gây suy hô hấp, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Đặc biệt tràn khí trung thất gặp ở bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc hen suyễn.
Cần được hút khí ở màng phổi ra
Nguyắn tắc điều trị
Trước hết là chống khó thở bằng cách nằm với tư thế nửa nằm, nửa ngồi (tư thế Fowler) để dễ thở. Người bệnh tránh vận động mạnh, nằm yên tĩnh tại giường, tránh lo âu, xúc động và phải được yên tĩnh, ăn nhẹ, thức ăn dễ tiêu (cháo, sữa…). Có thể được thở oxy, dung giảm đau, kháng sinh (do bác sĩ cấp cứu chỉ định). Cần ngưng hút thuốc (nếu nghiện). Cần được hút khí ở màng phổi ra, với mục đích là làm cho nhu mô phổi dãn ra, tránh xẹp phổi gây suy hô hấp cấp. Dùng phương pháp gì tùy vào chỉ định của bác sĩ, bởi vì còn tùy theo loại tràn khí.
Lời khuyên của thầy thuốc
Những người bệnh trong diện dễ bị tràn khí màng phổi phải hết sức cảnh giác, tích cực điều trị các bệnh về phổi đang mắc phải và luôn nhắc nhở chính bản thân mình là làm việc nhẹ, không gắng sức, kiêng hút thuốc tuyệt đối. Ngoài việc điều trị các bệnh về phổi, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng sức đề kháng. Hàng ngày nên tập vận động cơ thể và tập hít thở nhẹ nhàng.
Để đề phòng tràn khí màng phổi tái phát, người bệnh nên khám bệnh định kỳ theo lời dặn của bác sĩ điều trị.
TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG
Theo suckhoedoisong.vn