Khó khăn dồn dập khiến năng lực cạnh tranh của ngành dệt may suy giảm, phải giảm mục tiêu kim ngạch từ 31 tỷ xuống 29 tỷ USD năm nay, nhưng vẫn khó.
Dệt may VN đang nỗ lực vượt khó (Ảnh minh họa: KT)
Năm 2016, ngành Dệt May Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD. Trước những khó khăn, bất lợi xuất hiện dồn dập khiến năng lực cạnh tranh của ngành suy giảm, tháng 6 vừa qua, mục tiêu này đã được điều chỉnh xuống còn 29 tỷ USD. Tuy nhiên, ngay cả với con số đã được điều chỉnh giảm này, Dệt May Việt Nam cũng khó đạt được vào cuối năm nay.
Khó nhất 10 năm trở lại đây
Công ty Cổ phần May Tex-Giang có trụ sở chính tại Khu công nghiệp Tân Hương (tỉnh Tiền Giang) là doanh nghiệp nhiều năm liền đạt mức lợi nhuận cao. Thế nhưng, trong khi thời điểm này những năm trước, công ty đã có đơn hàng phủ kín cho các chuyền đến tận cuối năm thì nay mới bước qua tháng 9 đã phải “ ăn đong”, thậm chí chấp nhận cả đơn hàng có giá trị thấp để 2.500 công nhân có việc làm. Việc tìm kiếm đơn hàng mới gặp khó khăn khiến mục tiêu 700 tỷ đồng giá trị xuất khẩu của Tex-Giang năm nay khó đạt được.
Bà Võ Trần Thị Huyên, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Tex-Giang nhìn nhận: “Vấn đề hôm nay là đỉnh cao của 10 năm gần đây, chúng tôi gặp khó khăn nhất là về đơn hàng. Năm 2008, dù có khủng hoảng kinh tế chúng tôi cũng không gặp khó khăn như bây giờ”.
Tính đến hết tháng 8/2016, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Dệt May mới đạt 18,7 tỷ triệu USD, tương đương 64,5% kế họach cả năm. Với kim ngạch này, mức tăng trưởng chỉ đạt 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Có nhìn lại mức tăng trưởng đều đặn 2 con số trong vòng hơn 10 năm trở lại đây mới thấy rằng, chưa bao giờ ngành Dệt may Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay.
Bên cạnh những nguyên nhân từ bên ngoài như những biến động của nền kinh tế thế giới; đồng tiền của một số nước bị phá giá khiến việc xuất khẩu gặp bất lợi; sức mua giảm; các Hiệp định thương mại mà ngành Dệt May có thể được hưởng lợi như TPP và FTA chưa có hiệu lực thi hành. Mức lương tối thiểu tăng nhanh cũng góp phần làm tăng chi phí của doanh nghiệp một cách đang kể. Một lãnh đạo doanh nghiệp ngành may đã làm một bài toán chi phí đầu vào rất chi tiết để cho thấy là phần chi phí cho tiền lương trong tổng giá thành sản phẩm chiếm tới 60% trong khi ở Myanmar chỉ chiếm từ 15 đến 20%.
Một bất lợi nữa là thuế suất. Trong khi hàng dệt may Việt Nam vào thị trường châu Âu chịu thuế suất từ 9 đến 12% thì thuế suất của hàng may mặc các nước như Bangladesh, Campuchia, Lào bằng 0%. Mất ưu thế cạnh tranh về chi phí thấp cộng với thuế suất cao là những lý do cơ bản nhất khiến đơn hàng từ Việt Nam dịch chuyển sang các nước khác.
Vì vậy, một mong muốn lớn của các doanh nghiệp dệt may hiện nay là chính phủcác bộ, ngành chức năng … đồng hành với doanh nghiệp; có những hiệp thương hay quyết định đúng đắn, sát hợp thị trường thế giới để doanh nghiệp có thể ổn định về thuế suất với các nước.
Nỗ lực tự cứu
Điều đáng mừng là trong khi chờ cơ chế chính sách thay đổi thì các doanh nghiệp đã nỗ lực “tự cứu” mình. Những doanh nghiệp nhỏ thường là những doanh nghiệp sớm chịu ảnh hưởng nhất- đã tận dụng tối đa ưu thế của mình như có bộ máy tinh gọn, áp dụng dây chuyền công nghệ hiện đại, làm những đơn hàng nhỏ về số lượng nhưng có giá trị cao, thường là các mặt hàng thời trang cao cấp của các thương hiệu nổi tiếng.
Chỉ với 850 công nhân, Công ty cổ phần May 28 Hưng Phú ( 168 Quang Trung-quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) vẫn đặt mục tiêu hoàn thành 2,8 triệu sản phẩm xuất khẩu với doanh thu 380 tỷ đồng và về đích trước 1 tháng so với kế hoạch.
Ông Đỗ Huy Niên, đại diện Công ty cổ phần May 28 Hưng Phú tự tin: “Đến giờ phút này, chúng tôi không bị ảnh hưởng về sản xuất. Vì sao chúng tôi làm được như vậy? Trước hết chúng tôi đi thẳng vào chất lượng sản phẩm là chính và thời trang thì hiện thay đổi liên tục nhưng chúng tôi đáp ứng được. Vì vậy mà khách hàng chuyên về hàng cao cấp thì họ tìm đến mình”.
Còn những doanh nghiệp lớn lại có ưu thế về khách hàng chiến lược và đáp ứng tốt thời gian giao hàng đối với đơn hàng lớn. Công ty Cổ phần May Đồng Tiến (tỉnh Đồng Nai) có 5.500 công nhân. Những tưởng trong thời buổi khó khăn này, lo được việc làm cầm cự cho từng ấy lao động đã khó. Nhưng với bề dày kinh nghiệm nhiều năm làm hàng cho các đối tác Nhật khó tính, lại có thế mạnh sản xuất hàng thể thao và quần áo lót, Đồng Tiến đã thu hút được nhiều đơn hàng.
Bà Ngô Thị Mãnh- Phó Tổng giám đốc May Đồng Tiến cho biết: “Trong khi một số doanh nghiệp không có hàng may thì Đồng Tiến phải làm hết năng lực mới kịp xuất hàng. Đơn hàng rất nhiều là nhờ mình có khách hàng chiến lược, làm việc với nhau trong thời gian dài và tin tưởng lẫn nhau. Khả năng là năm nay Công ty sẽ hoàn thành kế hoạch trước thời hạn”.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực tự thân của từng doanh nghiệp, sự cởi mở, thông thoáng của cơ chế và thủ tục, Dệt May Việt Nam vẫn cần những bước đầu tư căn bản và đồng bộ để không chỉ thoát khỏi khó khăn mà còn tăng trưởng nhanh, bền vững. Một trong những bước đi căn bản đó là chủ động được nguồn cung nguyên phụ liệu.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, “Hiệp hội cũng có khuyến cáo doanh nghiệp về cơ cấu thị trường, cơ cấu khách hàng. Chúng ta giải quyết cái ngắn hạn trước mắt là đơn hàng nhưng chúng ta vẫn phải có cái nhìn dài hạn là đầu tư cho ngành công nghiệp sợi, dệt, nhuộm… để làm sao đến năm 2018, 2019 đáp ứng được 55% đến 60% nhu cầu của toàn ngành”.
Chủ động được 60% nguồn nguyên liệu từ sợi và từ vải để đáp ứng điều kiện của hai Hiệp định TPP và FTA là một thách thức không nhỏ đối với ngành Dệt May Việt Nam hiện nay. Nhưng có làm được điều này, các doanh nghiệp mới có thể nắm bắt những cơ hội mà các Hiệp định này mang lại, đồng thời tạo tiền đề hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và thế giới./.
Theo Hồng Thủy/VOV.VN