Sự khác nhau quá lớn về số liệu thống kê trong nhiều lĩnh vực có thể khiến quyết sách điều hành kinh tế của quốc gia bị sai lệch hoặc thiếu hiệu quả.
Thống kê là công cụ quan trọng, để Chính phủ đưa ra các quyết sách và đề ra đường lối chủ đạo trong quản trị, điều phối nguồn lực cũng như kiểm soát toàn bộ các hoạt động của quốc gia. Tuy nhiên, sự khác nhau quá lớn về số liệu thống kê trong nhiều lĩnh vực của các bộ, ngành, địa phương không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn dẫn tới hệ lụy là các quyết sách điều hành kinh tế của quốc gia bị sai lệch hoặc thiếu hiệu quả.
Là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội luôn ở mức cao. Giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn của Hà Nội bình quân ở mức 9,23%, mục tiêu giai đoạn 2016-2020 sẽ đạt 8,5-9%. Tuy nhiên, nếu so sánh với tăng trưởng chung của cả nước thì chênh lệch giữa tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn của Hà Nội với cả nước là khá lớn. Không chỉ riêng Hà Nội, hầu hết các địa phương trên cả nước đều có tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước (cụ thể: gấp 1,9 lần).
Bà Nguyễn Thúy Chinh, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội nêu bất cập trong thực tế: “Việc xác định đơn vị thường trú đối với các địa phương là tương đối khó khăn, đối với ngành công nghiệp – xây dựng thì theo chủ trương của thành phố là di chuyển các nhà máy, phân xưởng ra khỏi nội thành, trong khi đó, trụ sở chính vẫn đóng ở Hà Nội, vì vậy khi tính toán, Hà Nội cũng tính các kết quả của các nhà máy, phân xưởng này vào cho Hà Nội và các địa phương khác cũng tính, vì vậy là bị tính trùng 2 lần”.
Tình trạng cùng 1 mặt hàng nhưng 2 báo cáo đưa ra 2 con số khác nhau diễn ra phổ biến. Cụ thể, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo lên Chính phủ là xuất khẩu được 200.000 tấn thịt lợn qua biên giới, nhưng Bộ Công Thương báo cáo lại là 300.000 tấn. Hay số liệu xuất khẩu khoáng sản giữa hải quan Việt Nam và Trung Quốc chênh lệch lên tới 5 tỷ đôla Mỹ, thay vì một vài trăm triệu đôla Mỹ, khiến nhiều người giật mình.
Ngoài ra, có báo cáo cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, người thất nghiệp tăng lên nhưng lại có báo cáo khác cùng thời điểm cho thấy số người thất nghiệp và số hộ nghèo giảm đi. Điều này cho thấy sự sai lệch và thiếu chuẩn xác trong công tác thống kê, báo cáo số liệu.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tình trạng chênh lệch số liệu giữa các bộ, ngành đã và đang dẫn đến hệ quả xấu. Những chính sách của Chính phủ khó có thể tập trung giải quyết đúng những vấn đề của nền kinh tế. Cái tiêu cực của chênh lệch số liệu thống kê là không phản ánh đúng các vấn đề của nền kinh tế, từ đó đưa ra những quyết sách để điều hành nền kinh tế cũng không phù hợp, không giải quyết trúng vấn đề.
Tại buổi làm việc với Tổng cục Thống kê mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ, số liệu thống kê hiện rất mù mờ, giá trị sử dụng rất thấp. Ngành thống kê cần phấn đấu nâng cao chất lượng của công tác thống kê và coi đây là công việc có tính chất quyết định tới vai trò của ngành đối với xã hội và nền kinh tế. Bên cạnh đó, phạm vi thống kê hiện không bao quát hết các lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế không chính thức như các hộ kinh doanh cá thể. Đây là khu vực kinh tế không hề nhỏ, ước chiếm 20-30% quy mô GDP cả nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu, “trong thời gian tới cần phải đổi mới, hoàn thiện công tác thống kê theo hướng hiện đại, chất lượng và hiệu quả cả hệ thống thống kê, bao gồm hệ thống thống kê tập trung, thống kê bộ ngành, thống kê sở ngành, địa phương, thống kê xã – phường – thị trấn, thống kê doanh nghiệp, thống kê đơn vị sự nghiệp và các cơ quan, tổ chức thống kê khác phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả và hiện đại”.
Theo các chuyên gia kinh tế, sự nhiễu loạn số liệu bắt nguồn từ hai yếu tố: do trình độ chuyên môn nghiệp vụ và do ý muốn chủ quan của con người muốn đẩy số liệu lên để làm đẹp báo cáo. Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các cấp lãnh đạo ở địa phương nói không với bệnh thành tích và không gây áp lực cho ngành kế hoạch - đầu tư và thống kê, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách hợp lý để người tạo ra con số không cần nhào nặn nên một hệ thống số liệu ảo./.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN