Lễ đâm trâu thường chỉ có vùng đồng bào Tây Nguyên. Nhưng làng Vị Thanh, xã Thanh trù (Vĩnh Yên) cũng có lễ giết trâu và được gọi là tiệc trâu. Cũng với hình thức cột một con trâu đực, cạnh miếu thờ rồi giao cho đám trai đinh biểu diễn các thao tác võ nghệ trước khi chọc tiết trâu, rồi mổ thịt chia phần cho cả làng làm cỗ. Con trâu trước khi bị cắt tiết cũng được cho uống rượu say.
Theo các vị lão làng ở đây kể lại, tiệc trâu ở Vị Thanh gắn liền với một truyền thuyết lịch sử: Một vị nữ tướng của Trưng Vương sau khi chiến đấu dũng cảm ngoan cường nhưng vì thế giặc quá mạnh nên thua trận. Bà đã gieo mình xuống Đầm Vạc để tuẫn tiết. Dân làng Vị Thanh đã vớt được thi hài của Bà đưa về mai táng và lập miếu thờ. Từ ngày có ngôi Miếu Bà, dân trong vùng làm ăn đều phát đạt. Ngôi mộ của Bà ở trước miếu mỗi năm một kết to thêm. Đời sống nhân dân trong vùng cũng ngày càng phát triển. Nhưng vào một năm, có con trâu đực ngỗ nghịch từ vùng xa lạc tới húc xiêu cả miếu và đánh sừng làm sạt lở ngôi mộ. Không may, cả vùng năm ấy mùa màng thất bát, dân tình gặp lắm tai ương, dịch bệnh lan tràn. Mọi người đều cho rằng nguyên do là tại con trâu đực lạc loài nọ nên quyết tìm bắt để trị tội nhưng nó đã cao chạy xa bay không còn dấu tích, đành chỉ còn cách bắt đồng loại của nó chịu tội thay.
Theo phong tục, làng giao cho một gia đình khá giả có nền nếp gia phong, có đủ phúc, lộc, thọ đi tìm mua một con trâu đực thật đẹp và khoẻ, có nguồn gốc sạch sẽ và an toàn về nuôi thật chu đáo. Đến ngày lễ “Sát ngưu hiến tế” dắt trâu ra miếu cho trai đinh hành tội trước khi cắt đầu lấy tim gan con trâu đặt vào mâm đồng dâng lên ban thờ tạ tội, tế thần. Nhìn con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông ngoan ngoãn hiền lành, tự nhiên lại bị hành tội vô cớ, ai cũng thương tâm không nỡ ra tay! Thế là từ đó, hàng năm có cuộc tuyển chọn lấy những con trâu đực thật ngỗ nghịch, hay húc người, phá cày trong vùng đem ra miếu hành tội. Con trâu đó bị cột vào gốc cây gù hương trước cửa miếu, tất cả mọi người già, trai, gái đi qua đều mắng mỏ và cầm roi quất cho nó vài cái. Cuối cùng đến lượt mười thanh niên nai nịt gọn gàng với đầy đủ dụng cụ lò mổ, hành tội con trâu hư đốn rồi mổ thịt chia đều cho dân làng. Tiệc trâu ở Vị Thanh thường được mở vào ngày rằm tháng Mười hàng năm. Sau khi thu hoạch lúa mùa, qua cuộc sàng lọc kỹ càng, con trâu đực nào ngỗ nghịch và hư đốn nhất sẽ bị đem làm thịt tế thần. Trong dịp này làng cũng mở hội rước tế linh đình. Mọi nhà đều làm thêm bánh trái và sắp thêm nhiều mâm cỗ để trước là cúng gia tiên sau để chiêu đãi bạn bè gần xa. Mọi người đều tin rằng tiệc làng mở càng to thì sang năm càng được mùa lớn. Cho nên những ngày chuẩn bị tiệc trâu, không khí trong xóm, ngoài làng ở Vị Thanh vui như ngày tết.
Cũng có nhiều năm, các con trâu đực trong vùng đều ngoan, chịu khó kéo cày nên không thể đem hành tội được con nào, đành đem con trâu đực to béo nhất làng ra trước cửa Miếu quất nhẹ mấy roi làm phép rồi thả cho ra đồng ăn cỏ. Tuy vậy, mùa màng năm sau vẫn bội thu! Những năm hợp tác hoá nông nghiệp, tiệc trâu ở đây đã trở thành ngày hội thi trâu béo khoẻ. Hội tiệc trâu cổ truyền đã biến thành ngày cho trâu ăn tiệc cỏ non. Tiệc trâu ở làng Vị Thanh ngày nay vẫn còn tổ chức theo nghi lễ mang nét cổ truyền độc đáo, nhưng không còn nặng nề mê tín như xưa.
st