Hoàn tất hợp đồng bán chiến đấu cơ Rafale cho Ấn Độ, Pháp khẳng định vị thế nhà xuất khẩu vũ khí lớn.
Chiến đấu cơ Rafale
Hợp đồng lớn trong khuôn khổ đẩy mạnh hợp tác
Hoàn tất hợp đồng bán 36 chiến đấu cơ Rafale cho Ấn Độ và những điều kiện phụ trợ là điểm nhấn trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian từ ngày 22 - 23/9.
Hợp đồng có tổng trị giá 7,87 tỷ Euro, theo đó phía Pháp sẽ chuyển các máy bay Rafale nguyên chiếc cho Ấn Độ trong vòng 66 tháng.
Hợp đồng được thực hiện theo thỏa thuận trong chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào năm 2015.
Khác với dự án ban đầu Pháp chuyển giao công nghệ để Ấn Độ lắp ráp 108 trong số 126 chiếc Rafale bán đi, Ấn Độ chấp thuận mua nguyên chiếc 36 máy bay. Theo giới chuyên môn thì việc mua nguyên chiếc 36 chiến đấu cơ Rafale có lợi cho cả hai bên về ngắn hạn: Phía Ấn Độ có sản phẩm bảo đảm dùng ngay, còn phía Pháp tạo được công ăn việc làm và sự ổn định của Dassault và các công ty liên quan như Tales, Safran, MBDA.
Giá trị hợp đồng còn bao gồm thiết bị phụ tùng thay thế và bảo dưỡng.
Đối tác hàng không Dassault Pháp đã đồng ý bù đắp bằng việc đầu tư 50% vào phát triển công nghệ radar và hàng không tàng hình tại Ấn Độ.
Ngoài ra, Chính phủ Pháp đã chấp nhận bảo lãnh tạm ứng, giúp Ấn Độ tiết kiệm được 134 triệu Euro trong hợp đồng mua bán này.
Hiện tại lực lượng không quân Ấn Độ có 33 phi đội máy bay chiến đấu, mỗi phi đội gồm 18 chiếc, mà thực tế Ấn Độ cần 45 phi đội máy bay chiến đấu để đối phó lại mối đe dọa từ Trung Quốc và Pakistan. Không quân Ấn Độ thừa nhận sẽ không có đủ số lượng máy bay chiến đấu cho một cuộc chiến ở cả hai mặt trận. Hiện nay, tầm xạ kích của các máy bay của Ấn Độ khoảng 50 km, trong lúc tầm xạ kích của máy bay chiến đấu Rafale lên tới 150 km sẽ thuận lợi cho Ấn Độ trong các cuộc tác chiến trên không với đối phương.
Hợp đồng mua bán máy bay Rafale là một phần trong dự án hợp tác công nghệ Pháp -Ấn. Ấn Độ đã ký với công ty Areva của Pháp 2 hợp đồng trong khuôn khổ của dự án xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân EPR của Ấn Độ với tổng công suất lên tới 10.000 MW.
Vị thế nhà xuất khẩu vũ khí lớn
Hợp đồng bán máy bay Rafale cho Ấn Độ là một hợp đồng lớn nằm trong chương trình đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí của Pháp.
Pháp đứng thứ ba về xuất khẩu vũ khí của thế giới, thua xa Mỹ nhưng ngang ngửa với Nga. Hiện diện trong nhiều lĩnh vực từ trực thăng đến chiến đấu cơ, từ hàng không mẫu hạm đến xe bọc thép, tổng kim ngạch xuất khẩu trang thiết bị quân sự của Pháp không ngừng gia tăng trong 4 năm qua.
Năm 2015 là một năm kỷ lục khi ngành công nghệ trang thiết bị quân sự thu vào 16 tỷ euro hợp đồng, cao gấp đôi so với năm 2014 và tăng gần gấp 4 lần so với năm 2012.
2016 tiếp tục là một năm thuận lợi đối với các tập đoàn sản xuất vũ khí Pháp, bởi chỉ riêng nước Australia đồng ý mua vào 12 chiếc tàu ngầm do tập đoàn DCNS thiết kế, tổng trị giá đã lên tới 34 tỷ Euro.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Pháp tháng 1/2016, ngành công nghiệp vũ trang bảo đảm công việc làm cho 165.000 nhân viên và khối lượng này ước tính tăng lên tới 200.000 vào năm 2018. Trong thời gian từ 2009 đến 2013 xuất khẩu vũ khí của Pháp chiếm ¼ tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cũng nhờ đó, nhập siêu của Pháp được thu hẹp từ 5 đến 8% trong cùng thời gian. Doanh thu của các tập đoàn trong ngành lên tới trên 17 tỷ Euro.
Các cuộc xung đột ở Trung Đông, châu Phi, tình hình bất ổn định ở một số khu vực châu Á, châu Âu... đã đẩy thế giới vào một cuộc chạy đua vũ trang. Pháp là đối tượng được lựa chọn khi có thể đáp ứng nhu cầu vũ khí, khí tài công nghệ cao, thích ứng với chiến tranh hiện đại.
Những khách hàng quan trọng nhất của Pháp tập trung ở khu vực Trung Đông, từ Saudi Arabia đến Ai Cập, Qatar. Còn ở châu Á -Thái Bình Dương, có Indonesia, Ấn Độ và Australia.../.
Theo Thái Dương/VOV.VN