Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (IPSARD) vừa công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 với chủ đề “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào” sáng nay (ngày 27/9), tại Hà Nội. Báo cáo đã phân tích chi tiết những cơ hội, thách thức và định hướng phát triển trong ngành nông nghiệp.
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm rau an toàn tại siêu thị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Báo cáo cũng đã ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của ngành nông nghiệp Việt Nam khi Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng nông sản, lương thực và nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn nhất về thủy sản, gạo, cà phê, chè, hạt điều, hạt tiêu đen, cao su và sắn.
Phát biểu tại buổi công bố, Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng IPSARD cũng cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đã có nhiều bước tiến, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và mở rộng sản xuất.
“Tuy nhiên chất lượng tăng trưởng nông nghiệp còn thấp, thể hiện qua một số hiện tượng như tỷ suất lợi nhuận của nông dân sản xuất nhỏ còn thấp, tỷ lệ thiếu việc làm còn cao trong lao động nông nghiệp, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm còn thấp, trình độ sáng tạo công nghệ và thể chế còn non yếu. Tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu dựa trên tăng vụ và tăng sử dụng vật tư đầu vào (ví dụ phân bón) và tài nguyên thiên nhiên (ví dụ nước),” Viện trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho hay.
Theo Viện trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, nông nghiệp Việt Nam hiện đang đứng trước ngã ba đường, ngành nông nghiệp đang bị cạnh tranh về nhân công, tài nguyên đất và nước bởi quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp và dịch vụ.
Do đó, Viện trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh rằng, trong tương lai ngành nông nghiệp phải đảm bảo “tăng giá trị, giảm đầu vào.” Tức là, phải tạo ra nhiều giá trị kinh tế hơn mang lại hiệu quả cao hơn cho nông dân và người tiêu dùng đồng thời sử dụng ít hơn tài nguyên, nhân công và hóa chất độc hại. Tăng trưởng sẽ dựa chủ yếu trên hiệu quả, đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa và tạo thêm giá trị mới.
Báo cáo này cũng chỉ rõ, để duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế của mình Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm đồng thời tăng cường nâng cao giá trị. Báo cáo cũng đưa ra một lịch trình ngắn hạn và dài dạn nhằm tăng cường thể chế công và thể chế thị trường cần có để hoàn thành mục tiêu đầy tham vọng về phát triển nông nghiệp và hệ thống lương thực nói chung.
Báo cáo đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm giải quyết các thách thức trên. Chính phủ có thể kết hợp một số biện pháp như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường các biện pháp ưu đãi, hợp lý hóa cung cấp dịch vụ để qua đó khuyến khích và theo dõi phát triển nông nghiệp xanh, nâng cao hiệu quả hệ thống an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng.
Báo cáo này chỉ ra Nhà nước cũng nên xem xét áp dụng các công cụ chính sách nhằm quản lý rủi ro trong nông nghiệp tốt hơn và kiến tạo môi trường phát triển doanh nghiệp nông nghiệp. Trong một hệ thống nông nghiệp linh hoạt, dựa trên thị trường và dựa trên tri thức thì giảm sự can thiệp của nhà nước sẽ là đòi hỏi tất yếu để thực hiện công cuộc hiện đại hóa một cách thành công hơn.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam cũng khẳng định: “Đã đến lúc không thể ‘làm theo cách cũ’ được nữa, tốc độ tăng trưởng đã giảm sút, nông nghiệp dễ bị tổn thương trước các hiểm họa thời tiết và nông nghiệp cũng tạo dấu chân môi trường nghiêm trọng. Cần thay đổi để vượt qua những thách thức này, để đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân Việt Nam được tốt hơn./.”
THANH TÂM (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/bi-canh-tranh-nganh-nong-nghiep-viet-nam-dung-truoc-nga-ba-duong/408107.vnp