Cập nhật: 29/09/2016 08:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Là một trong những hộ gia đình đã có nhiều thành tích trong việc xóa đói giảm nghèo, bà Hà Thị Đào, dân tộc Thái (cư trú tại Bản Hội 3, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) đã đem đến cho các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết 5 năm vốn tín dụng vào vùng Tây Bắc tổ chức cuối tuần trước tại Lào Cai nhiều niềm vui bất ngờ.

Nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. (Nguồn: TTXVN)

Bà Đào cho biết, gia đình thuộc diện khó khăn nhất trong bản. Nhà có 5 nhân khẩu, 2 vợ chồng là lao động chính và 3 con đang tuổi ăn học. Nguồn thu nhập chính của gia đình là từ sản xuất nông nghiệp, không có thu nhập gì khác. Bữa cơm gia đình thường là bữa đói nhiều, bữa no ít.

Trong lúc khó khăn, thiếu vốn để làm ăn thì một lần đi họp nghe trưởng bản phổ biến chủ trương cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, bà Đào đã tìm hiểu và đăng ký gia nhập tổ tiết kiệm và vay vốn.

Đầu năm 2007, gia đình bà Đào đã được vay 10 triệu đồng và quyết định mua 2 con bò cái, sau đó cặp bò mẹ đã sinh được 3 con và bà đã trả được nợ cho ngân hàng. Tuy nhiên, đến năm 2010 gia đình bà vẫn thuộc hộ nghèo.

"Sau nhiều đêm nằm nghĩ và qua họp ở bản, họp tổ tiết kiệm và vay vốn tôi được nghe cán bộ Ngân hàng Chính sách và cán bộ khuyến nông tuyên truyền gương làm ăn điển hình có hiệu quả. Vợ chồng tôi quyết tâm vay thêm 20 triệu đồng để mua thêm trâu bò và vay thêm 8 triệu đồng chương trình nước sạch vệ sinh môi trường từ ngân hàng này để mở rộng thêm chuồng trại và nước sinh hoạt," bà Đào chia sẻ.

Năm 2014, được Nhà nước cấp thêm đất rừng với diện tích 14ha canh tác 50 năm, tháng 5/2015 gia đình bà Đào tiếp tục được Ngân hàng Chính sách cho vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn để trồng cây keo và trồng cỏ cho đàn trâu, bò.

Đến nay, gia đình bà Đào đã thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá của toàn xã, tài sản hiện có là 15 con trâu bò trị giá khoảng trên 200 triệu đồng; có 01 ôtô tải nhỏ trị giá khoảng 200 triệu đồng; 01 máy xay lúa, trị giá 20 triệu đồng; 01 máy đóng gạch xi măng 20 triệu đồng, 01 ao cá, đồng thời có thêm dịch vụ cho thuê rạp cưới, bát đĩa phục vụ đám cưới cho bà con trong xã, bình quân thu nhập mỗi năm từ 170 đến 190 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Việc sản xuất, chăn nuôi của gia đình đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động của gia đình và địa phương.

“Nhờ có đồng vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội gia đình tôi đã có công ăn việc làm, thu nhập đời sống mới khấm khá, tôi rất biết ơn ngân hàng,” chị Đào cảm động nói.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội, những câu chuyện vượt khó như của bà Đào ngày càng nhiều lên. Tín dụng từ Ngân hàng chính sách xã hội đã giúp nhiều đồng bào dân tộc thoát nghèo, vượt khó.

Những dòng vốn từ Ngân hàng Chính sách đang ấp ủ những niềm hy vọng đổi đời cho những người dân nghèo ở mảnh đất chủ yếu là núi đá này vì nơi đây đã được xác định là “lõi nghèo" của cả nước. Chính vì vậy, trong những năm qua, Tây Bắc luôn được Đảng, Nhà nước ưu tiên phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

Quả đúng là như vậy. Khi chúng tôi đến thăm gia đình anh Triệu Văn Sú (dân tộc Dao đỏ) tại thôn Chành, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã nhìn thấy vườn chè xanh mướt, ao cá 1.440m2 với rất nhiều cá to nhỏ đang tung tăng bơi lội. Tuy nhiên, ít ai biết chỉ cách đây vài năm gia đình anh Sú lại thuộc diện hộ nghèo với 7 nhân khẩu, trong đó có một người bị tật nguyền không có khả năng lao động.

Anh Sú kể, vào tháng 8/2011, gia đình anh được vay 30 triệu đồng theo diện hộ nghèo. Anh đã mua 1 cặp trâu vừa để sinh sản và phục vụ sản xuất; đầu tư vào trồng trên 2ha rừng, trồng chè, thả cá. Thu nhập bình quân hàng năm cũng đạt 150 triệu đồng/năm.

Nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả mà gia đình anh đã thoát nghèo vào cuối năm 2012, đến năm 2015 đã thoát cận nghèo một cách bền vững.

Anh Sú khoe: "Đến nay gia đình tôi đã mua thêm được 1 xe công nông, 01 máy cày bừa và trả hết nợ ngân hàng vào tháng 8/2014. Mặc dù vậy, tôi vẫn muốn tiếp tục vay vốn hộ sản suất kinh doanh tại vùng khó khăn để duy trì và mở rộng sản xuất."

Những dòng vốn chỉ dành chỉ dành cho người nghèo đang ấp ủ những niềm hy vọng đổi đời cho những người dân ở mảnh đất này.

 

Gia đình anh Triệu Văn Sú, dân tộc Dao, huyện Bảo Thắng được đánh giá là hộ sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Một gia đình khác cũng được nhiều anh em cán bộ Ngân hàng Chính sách nhắc đến, đó là gia đình anh Giàng Mí Páo tại thôn Xín Suối Hồ, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, người dân tộc Mông.

Anh Páo là người khá trẻ, sinh năm 1986 nhưng đến nay đã có một cửa hàng bán hàng tạp hóa, đồ điện tại nhà, một đàn bò 6 con. Đặc biệt, anh Páo mới mua một xe ôtô vận tải 4,9 tấn để nhận chở hàng vật liệu, hàng hóa và gia đình đã thu hút, tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương.

Anh Páo kể: Anh sinh ra và lớn lên tại một bản đặc biệt khó khăn, xã cũng thuộc vùng khó khăn và huyện là một trong các huyện nghèo của cả nước. Năm 2010 anh lấy vợ sau khi bố qua đời được 3 tháng và ra ở riêng chỉ có hai vợ chồng với 2 gian nhà vách đất, không giường, không chiếu, không chăn màn, không có gạo ăn, chỉ có 600 m2 đất ruộng cấy lúa, trồng ngô. Sau khi sinh cháu đầu lòng, cuộc sống càng khó khăn hơn, vợ chồng thường xuyên lục đục, cãi cọ nhau.

"Nhiều lúc nghĩ cả hai vợ chồng cùng khỏe mạnh, cùng chăm làm mà sao cứ khổ, cứ nghèo lâu thế. Phải làm thế nào để cái đói không còn theo mình... và tôi đã bắt đầu vay Ngân hàng Chính sách 10 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để trồng lúa năng suất cao, làm ruộng bậc than và bắt đầu đi lên từ đó," anh Páo tâm sự.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc - người từng có nhiều năm gắn bó với ngành ngân hàng và cũng là người dành nhiều tâm huyết với bà con nghèo - cho biết, hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội là một điểm sáng trong việc xóa đói giảm nghèo. Hiện không một nước nào trên thế giới có cỡ vốn xấp xỷ 7 tỷ USD thường xuyên ổn định để cho người nghèo vay như mô hình Ngân hàng Chính sách tại Việt Nam.

"Thời gian tôi làm Thống đốc, có thể thiếu vốn cho các ngân hàng thương mại chứ riêng vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội bao giờ cũng phải đủ,” ông Bình chia sẻ.

Ông Bình cho biết thêm: “Có những vùng đưa tiền mà bà con không dám vay. Để giúp bà con, không chỉ bằng tiền mà hướng dẫn bà con sản xuất kinh doanh có một ý nghĩa rất quan trọng. Chủ trương là không cho con cá, mà cho cái cần để bà con câu cá và dạy bà con cách câu được cá.”

Ngân hàng Chính sách đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại vùng tây Bắc đạt 51.600 tỷ đồng, tăng 21.800 tỷ đồng so với năm 2015, trong đó tập trung vào những địa bàn có xã, huyện nghèo trong diện 30a.

Dù biết, thêm vốn là thêm việc, nhưng với các cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội họ vẫn mong có thêm những nguồn vốn mới để có thể thực hiện mục tiêu xóa trắng tín dụng, để mỗi người dân có thêm cơ hội bước qua nghèo khó, hướng tới sinh kế vững bền./.

THÚY HÀ (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/doi-doi-tu-nguon-von-danh-cho-nhung-nguoi-ngheo-tien-nhung-giau-y-chi/408222.vnp

Tệp đính kèm